Lính hình sự đặc nhiệm kể chuyện “đánh” án

ANTĐ - Công việc của lính đặc nhiệm thuộc Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội thường xuyên đối mặt với hiểm nguy; đôi khi, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Thế nhưng, họ chưa bao giờ chùn tay hay buông xuôi với các băng nhóm, đối tượng tội phạm ma mãnh để mang lại sự bình yên cho Thủ đô. 

Từng tham gia nhiều chuyên án “đình đám”, bắt giữ các đối tượng phạm tội nguy hiểm, Thượng úy Nguyễn Quang Chất, Đội CSHS đặc nhiệm, CATP nổi bật với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, côn đồ hung hãn, đòi nợ thuê sử dụng vũ khí nóng, giải cứu con tin… Với những thành tích đó, anh đã được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô tiêu biểu năm 2013.

“Thú thật là chẳng biết nói gì ngoài kể chuyện “đánh” án, truy bắt tội phạm, triệt phá các băng nhóm phạm pháp…, chứ có muốn tâm sự gì thêm cũng đành chịu. Chẳng riêng gì tôi mà tất cả các anh em đồng đội khác, rồi đến cấp chỉ huy, ai cũng tràn đầy lòng nhiệt huyết và giàu tình yêu nghề”, Thượng úy Nguyễn Quang Chất đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những dòng tâm sự mang đậm chất lính đặc nhiệm hình sự, nhưng cũng đầy sự chân thành như vậy. 

Thượng úy Nguyễn Quang Chất (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội 
chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ

Những cuộc đấu trí nghẹt thở   

Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng Thượng úy Chất đã được Ban chỉ huy trực tiếp giao xác lập và khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn nhỏ, nhưng mỗi vụ án với anh lại là một thử thách, khó khăn mới. Anh bảo, đời người lính hình sự để tìm ra được hung thủ có khi bắt đầu điều tra từ manh mối gần như số không, có khi vất vả “hóa trang” vào đủ “vai diễn”, từ người lao động bình thường đến dân chơi có “số má”, rồi đến cả những cuộc đấu trí nghẹt thở, những tình huống đối mặt sự hiểm nguy để bắt giữ những đối tượng nguy hiểm. Nhưng có những vụ án anh không thể nào quên.

Thượng úy Nguyễn Quang Chất nhớ lại: Lúc đó vào khoảng 3h đêm một ngày trung tuần tháng 5-2011, chúng tôi nhận được tin báo tại số nhà 32 ngõ 103 Kim Mã, quận Ba Bình, Hà Nội xảy ra vụ việc một đối tượng cầm lựu đạn cố thủ trong nhà. Ngay lập tức tôi và Đại úy Trần Văn Hải, lúc đó đảm nhiệm cương vị Đội phó Đội CSHS đặc nhiệm có mặt tại hiện tường. Vụ việc bắt nguồn từ việc Lê Quang Hải (SN 1979), ở phường Thanh Xuân Nam đến nhà Nguyễn Xuân Hòa (SN 1973), ở số 32, ngõ 103, Kim Mã chơi. Do Hải sử dụng ma túy tổng hợp nên bị rơi vào trạng thái ảo giác. Hải đã gọi điện cho người nhà và bảo yêu cầu báo cho công an là có người đang đe dọa giết mình. Hiện trường vụ việc nằm trong một con ngõ rất sâu, trên gác 2 của một ngồi nhà. Lúc chúng tôi đến Hải tay phải cầm dao nhọn, tay trái cầm quả lựu đạn tuyên bố: “Đã rút chốt để chống lại người định giết mình”. Đối tượng cố thủ trong căn phòng rộng khoảng 8m2. Tôi tiếp cận căn phòng qua cửa sổ để nắm tình hình thì phát hiện đối tượng đã kê toàn bộ đồ đạc ra chặn cửa, tay cầm lựu đạn. Mọi phương án lập tức được vạch ra, ban đầu chúng tôi vận động thuyết phục đối tượng nhưng không thành công. Phương án áp sát chưa thể thực hiện được bởi đối tượng đang bị ảo giác nên nếu quả lựu đạn rơi khỏi tay đối tượng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Một mặt tiếp tục thuyết phục đối tượng, mặt khác chúng tôi bàn nhau mua băng dính to để khi tiếp cận được sẽ buộc chặt quả lựu đạn vào tay để đối tượng không thể thả ra. Cuối cùng mọi việc diễn biến theo chiều hướng thuận lợi khi chúng tôi khống chế được đối tượng thu giữ quả lựu đạn. 

Cũng liên quan đến việc đối tượng “ngáo đá” đã dùng súng khống chế “con tin” chính là cô con gái 9 tháng tuổi của mình, Thượng úy Chất cho biết: Lúc đó khoảng 9h tối ngày 16-6-2013, chúng tôi nhận được tin báo tại số nhà 15B, ngõ 738 đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội xảy ra vụ khống chế “con tin”. Đối tượng được xác định là Trương Tùng Bách, có 3 tiền án, 2 tiền sự về tội Trộm cắp tài sản, Cướp giật và Tàng trữ ma túy. Sau khi sử dụng ma túy “đá”, Bách đã mắng chửi bố mẹ và ôm cô con gái mới 9 tháng tuổi, tay lăm lăm 1 khẩu súng cố thủ trong nhà, đe dọa bắn bất cứ ai dám lại gần. Đối tượng chốt cửa, kéo tủ để chặn cửa và đưa ra yêu sách gọi taxi và cung cấp tiền để tẩu thoát. Vì đối tượng quá manh động, có súng, lại khống chế cháu nhỏ làm con tin nên nhiều phương án được đặt ra. Tôi được phân công leo lên tầng thượng để đột nhập từ trên tum xuống. Vì ngôi nhà kín, lại tắt đèn, phòng ở cũng chỉ chừng 4m, kín như bưng, cầu thang đi nhỏ hẹp nên rất khó xác định đối tượng. Lúc tôi tiếp cận được căn phòng đối tượng cố thủ còn nghe thấy rõ tiếng đối tượng lên đạn. Đến khoảng 4h30 ngày 17-6, bất ngờ đối tượng cởi trần, cầm súng bước ra khỏi cửa chửi bới, chĩa súng vào lực lượng cảnh sát trong trạng thái bị kích động. Trên dọc cầu thang rất nhỏ, khi tôi nhìn thấy một mảng lưng của đối tượng tôi đã gạt tay đối tượng, đối tượng ngã vào trong và chúng tôi lập tức hạ gục, khống chế và giải cứu an toàn cháu bé…

Truy lùng những đối tượng nguy hiểm 

Với Thượng úy Nguyễn Quang Chất, công việc của người lính đặc nhiệm hình sự càng làm càng say mê, luôn phải đi đến cùng của sự thật. Những chuyến công tác đột xuất, làm việc bất kể ngày đêm, rồi chuyện “ăn bờ, ngủ bụi” đã trở thành “món” không thể thiếu. Đặc biệt hơn cả là trách nhiệm phải nhanh chóng tìm bằng được kẻ phạm tội, truy bắt những băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Thượng úy Chất kể lại vụ án mới xảy ra đầu tháng 3-2014 vừa rồi: Khi đơn vị nhận được trình báo của anh Bùi Thanh Hải (SN 1961), ở số 27 Phố Huế, Hà Nội về việc có đối tượng gí súng vào ngực con trai anh và “gửi tặng” 4 viên đạn kèm lời đe dọa: “Tao cho bố mày một viên, cho thằng T. một viên, cho thằng K. một viên, bảo chúng nó tao không phải dạng vừa đâu, mày là trẻ con tao không thèm chấp, chứ không tao bắn chết cả nhà mày luôn” rồi bỏ trốn… Xác định đối tượng đe dọa là Chu Viết Tuấn (SN 1973), ở Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội lập tức “cây” hồ sơ gốc gác của Chu Viết Tuấn được dựng lên. Ròng rã trong nhiều ngày liền, với những nguồn tin thu thập được chúng tôi nắm được Tuấn đang ở thôn An Khải, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Khi có mặt tại địa bàn ẩn náu của Tuấn chúng tôi kiểm tra từng ngôi nhà thì phát hiện Tuấn đang ở trong một ngôi nhà với vợ cùng 1 người bạn. Dự đoán Tuấn có thể sẽ mang theo vũ khí “nóng” nên các phương án truy bắt đối tượng phải được đảm bảo hết sức an toàn. Thời cơ đã đến khi chúng tôi quan sát thấy Tuấn đang đứng dựa ở cửa, kế hoạch được vạch ra là tôi cùng 2 đồng chí nữa sẽ “ốp” nhanh đối tượng để quây bắt. Tuy nhiên khi thoáng thấy bóng của chúng tôi Tuấn đã rất nhanh luồn qua cửa chui vào nhà. Một mặt chúng tôi bắn chỉ thiên để uy hiếp đối tượng, mặt khác đạp cửa để xông vào. Đến khi Tuấn bị bắt giữ đối tượng vẫn nghĩ chúng tôi là đối tương mạnh mà anh Hải nhờ đến “xử” mình…

“Không ít chuyên án mà thời gian đi về giữa các tỉnh, thành diễn ra liên tục, tổ “đánh” án phải xoay như chong chóng. Chưa hết, sau khi bắt giữ những đối tượng cầm đầu trong băng nhóm, chúng tôi còn phải mất nhiều ngày không ngủ, đấu tranh cân não với đối tượng để lấy lời khai, nhanh chóng kết thúc chuyên án”, Thượng úy Chất cho biết. Công việc của cảnh sát hình sự đặc nhiệm là vậy. Nơi nào nguy hiểm nhất là họ phải đến, vụ án nào nghiêm trọng nhất là họ phải làm. Thượng úy Chất nhớ lại những những đêm phá ổ nhóm cưỡng đoạt tài sản trên sông Hồng trong chuyên án mang bí số VA145P. Đêm nào, từng tốp trinh sát đặc nhiệm cũng phải lặng lẽ rời trụ sở để đến sông Hồng. Để rồi, rạng sáng hôm sau, khi họ trở về “ngôi nhà” số 7 phố Thiền Quang trong cái lạnh tái tê của mùa đông. Thượng úy Chất được phân công “đếm tàu” qua lại, và sau hơn 2 tháng tất cả các mũi trinh sát tiến hành các biện pháp nghiệp vụ một cách toàn diện, Ban chuyên án đã phá án thành công bắt giữ toàn bộ băng nhóm của Đỗ Mạnh Báu (tức Báu “Cửu”)… 

Dẫu gian nan vẫn “say”… “đánh” án 

Không chỉ với Thượng úy Chất mà với bất kỳ cán bộ chiến sĩ đặc nhiệm hình sự nào đều có một điểm chung là thực sự áy náy với gia đình, người thân. Án chồng án, đi công tác triền miên, thậm chí giữa đêm khuya, rời nhà là chuyện bình thường. Bởi thế, lính đặc nhiệm không có khái niệm ngày thường hay ngày lễ, càng không có khái niệm làm ngày hay làm đêm, làm trong giờ hay làm ngoài giờ. Thượng úy Chất bảo anh em ở đây thì “30 chưa phải là Tết” thật không gì chính xác hơn. Như để chứng minh, Thượng úy Chất lấy ngay dẫn chứng chiều 30 Tết âm lịch vừa rồi, đang ngồi ăn cơm với gia đình vẫn phải bỏ bát bỏ đũa lên đường làm nhiệm vụ khi nhận được thông tin Trương Văn Hà (tức Hà “cọ”), đối tượng lưu manh cộm cán với 2 tiền án, 6 tiền sự đã ngông cuồng nã súng bắn chết vợ. Chưa hết, trong những chuyên án mà các đối tượng đang lẩn trốn ở các tỉnh miền Nam, Thượng úy Chất đều được Ban chỉ huy phân công lên đường bởi “lợi thế địa bàn” mà anh có khi 5 năm theo học trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP.HCM. Trong cuộc đời làm lính trinh sát đặc nhiệm, đối với Thượng úy Nguyễn Quang Chất cũng như các đồng đội trẻ của anh những tháng ngày xa nhà đằng đẵng, những bữa cơm ăn vội để kịp chuyến công tác dần đã trở thành thói quen. Bởi lẽ, đã làm lính hình sự thì họ sinh ra vốn là để phá án và truy bắt tội phạm. Thượng úy Chất bảo nói vậy thôi, nhưng hậu phương cũng hiểu và thông cảm, tất cả cũng vì công việc, hiểu cái sự “say”… “đánh” án của chồng cũng là một trong những động lực giúp anh tiếp tục bền bỉ trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm. 

Nhiệm vụ của lính hình sự đặc nhiệm thứ nhất là phòng chống khủng bố, bạo loạn, giải cứu con tin; thứ hai là phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp tài sản...; tội phạm cướp có vũ trang; các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, côn đồ, hung hãn, đâm thuê chém mướn, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; đối tượng buôn bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép; thứ ba là truy bắt số đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm và thứ tư là thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác mà cấp trên giao phó. Trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế chiến công của họ lại gắn liền với việc khám phá các vụ trọng án hình sự ly kỳ nhất, nguy hiểm nhất trên địa bàn Thủ đô. Mỗi khi thành phố này xảy ra bất kỳ một vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nào là khi đó, lính  hình sự đặc nhiệm sẽ có mặt. “Niềm tự hào đó vừa là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm giúp chúng tôi, những người lính hình sự đặc nhiệm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vì sự bình yên của Thủ đô thân yêu”, Thượng úy Nguyễn Quang Chất bộc bạch.