Liên quan đến tham nhũng, bố đẻ Giang Kim Đạt cũng bị truy tố

ANTD.VN -  Phát biểu thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật PCTN), Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta xác định được đối tượng có nguy cơ tham nhũng thì việc đấu tranh phòng, chống có hiệu quả.

ĐB Ngọ Duy Hiểu phát biểu thảo luận

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, về đối tượng kê khai theo Điều 41 dự thảo luật này thì không nên chọn phương án rộng về mặt đối tượng bắt buộc kê khai tài sản mà cần chọn đối tượng cần phải kê khai. Với việc lựa chọn đối tượng này chúng ta mới đạt được mục tiêu.

Có những ngành, lĩnh vực bất kỳ công chức, chuyên môn nào cũng phải kê khai. Có những ngành, lĩnh vực ta quy định về chức danh, chức vụ nhất định nhưng không có nghĩa phòng nào, vụ nào, lĩnh vực nào cũng đều kê khai mặc dù phụ cấp có thể tương đương nhau. Như vậy khi chúng ta xác định được đối tượng có nguy cơ tham nhũng thì mới đấu tranh phòng, chống có hiệu quả.

ĐB Ngọ Duy Hiểu thẳng thắn nêu, một ĐBQH chuyên trách, một ĐB HĐND chuyên trách có thể không có nhiều tài sản và nguy cơ tham nhũng chưa chắc bằng một cán bộ địa chính xã, cán bộ TTXD một phường hay kế toán một trường học, bệnh viện. Đấy là điều mà chúng ta cần phải lưu tâm.

“Về nghĩa vụ kê khai tài sản theo Điều 40 dự thảo luật gồm có 2 đối tượng là vợ, chồng và con chưa thành niên nhưng theo tôi đề xuất thêm cả bố, mẹ và con đã thành niên. Thực tế như khi chúng ta xử lý vụ án tham nhũng Giang Kim Đạt thì bố đẻ của Gang Kim Đạt là Giang Văn Hiển cũng bị truy tố. Do vậy, ta cần phải đưa đối tượng này vào Điều 40.”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.

ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng không nên mở rộng phạm vi đối tượng kê khai ngoài lĩnh vực nhà nước

Còn ĐB Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội), liên quan đến vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này ra khu vực ngoài nhà nước là không hợp lý. Bởi chúng ta cần làm rõ những hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và có biện pháp phù hợp, hiệu quả mới đảm bảo phát huy tác dụng. Tránh tình trạng dàn trải, ôm đồm nhưng cơ chế, thiết chế luật không đảm bảo thực thi cũng như  không phù hợp với quy định của luật khác.

“Liên quan đến đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập, ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng, nếu như chúng ta chỉ giới hạn như dự thảo rõ ràng không phủ hết. Chúng ta xác định, tham nhũng vặt cũng là tham nhũng nhưng tham nhũng vặt tạo ra sự bất an trong xã hội, hoặc tham nhũng ở các quyền lực tác hại rất lớn mà nó xuất phát ở hai khu vực này có sự liên kết, cấu kết lại với nhau. Vì vậy ta phải mở rộng ngay ở trong khu vực nhà nước chứ không phải mở rộng ra ngoài khu vực nhà nước. Như thế thì mới phòng chống tham nhũng một cách triệt để”.

ĐB Phạm Văn Hoà phát biểu thảo luận

Cùng quan điểm trên, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp): Kê khai tài sản không nên mở rộng như phạm vi hiện nay, nên chỉ tập trung vào những người có chức, có quyền trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước và những người làm việc ở những nơi “nhạy cảm” dễ tham nhũng, ví dụ như lĩnh vực hải quan, thuế, cảnh sát khu vực, cảnh sát giao thông làm việc ở quốc lộ, tỉnh lộ. Đối với lĩnh vực này một người không giữ chức vụ gì, chỉ là nhân viên bình thường vẫn có thể phát sinh tham nhũng. Còn những lĩnh vực như ủy viên, thành viên của UBND xã, văn hóa, thông tin thì không có cơ hội tham nhũng. Đưa nhiều đối tượng phải kê khai nhiều sẽ quản lý không xuể.

“Nên đưa vào quy định trách nhiệm của những người làm kiểm toán, thanh tra sau khi vào làm việc ở những cơ đơn vị mà không phát hiện có tham nhũng sau, đoàn thanh tra, kiểm toán sau hoặc báo chí phát hiện đơn vị đó có tham nhũng phải xử lý trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đã thanh tra, kiểm toán trước”, ĐB Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.