Liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sinh viên trường nghề

ANTD.VN - Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều trường nghề đã liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên học phí, “bao tiêu” đầu ra để thu hút người học.

Giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động đang ngày càng trở nên gắn kết với nhau, khi hàng loạt các nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, thu hút nhân lực có trình độ, kỹ năng cao.

Lợi thế của giáo dục nghề nghiệp chính là thời gian đào tạo ngắn, chi phí không cao mà lại có nhiều cơ hội việc làm tốt, thu nhập đảm bảo. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề đã khởi nghiệp thành công, không chỉ tạo việc làm cho mình mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều người khác với mức thu nhập cao trong xã hội.

Tư vấn tuyển sinh năm 2018, ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, cơ hội vào học trung cấp, cao đẳng đang rộng mở, với trên 800 ngành nghề cao đẳng, 500 ngành nghề trung cấp, học nghề sẽ giúp các bạn trẻ sớm lập thân, lập nghiệp.

Nhận định về nhu cầu nhân lực trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, các nhóm ngành chi phối thị trường lao động trong tương lai sẽ bao gồm: Nhóm ngành công nghệ kỹ thuật như công nghiệp ô tô, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ khí, cơ điện tử, kinh tế tài chính, nghiệp vụ khách sạn, quản trị du lịch.

Đặc biệt trong cuộc CMCN 4.0, các nhóm ngành sẽ chiếm ưu thế và cần nhiều nhân lực hơn là công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, kỹ thuật xây dựng, công nghệ sinh học, quản trị dịch vụ và nghệ thuật. Điều này đặt ra thách thức cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực chuyển mình, tạo niềm tin để thu hút học sinh sinh viên lựa chọn học nghề, coi học nghề thực sự là một hướng lập nghiệp đúng đắn.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2018 Bộ LĐ-TB&XH xác định là năm trọng điểm, đột phá của giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng.

Từ năm 2018, các cơ sở dạy nghề sẽ phải thực sự năng động, đổi mới công tác đào tạo để thu hút người học, đồng thời chủ động trong tự chủ, tự hoàn thiện, đảm bảo hiệu quả đào tạo.

Song song với việc đảm bảo chất lượng, giáo dục nghề nghiệp phải gắn với thực hành, liên kết với doanh nghiệp tại các vị trí việc làm, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và người sử dụng lao động.

Thực tế, nhiều trường, nhiều ngành nghề đã cam kết với người học ngay khi tuyển sinh là có việc làm sau tốt nghiệp, nếu không sẽ hoàn trả học phí.

Đồng hành với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cử các chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp, am hiểu về thị trường lao động và xu hướng lựa chọn ngành nghề để tư vấn tại các chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp.