Liên kết phát triển kinh tế tiểu vùng sông Mekong

(ANTĐ) - Sáng 30-11, Bộ KH-ĐT đã tổ chức hội thảo: “Vượt qua khủng hoảng, hướng tới một tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) năng động”.

Liên kết phát triển kinh tế tiểu vùng sông Mekong

(ANTĐ) - Sáng 30-11, Bộ KH-ĐT đã tổ chức hội thảo: “Vượt qua khủng hoảng, hướng tới một tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) năng động”.

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai dự án quan trọng trong hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng - tiểu vùng sông Mekong

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai dự án quan trọng trong hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng - tiểu vùng sông Mekong

Các doanh nghiệp tham gia hội thảo có đề xuất gì để thúc đẩy sự phát triển của tiểu vùng sông Mekong mở rộng?

Ông Bùi Tường Lân-Phó Chủ tịch thường trực Hội Phát triển, hợp tác kinh tế Việt Nam -Lào-Campuchia: Tại hội thảo này, Hội Phát triển, hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia thay mặt cho hơn 300 doanh nghiệp hội viên đề nghị Chính phủ các nước thành viên, các tổ chức tài chính quan tâm, hỗ trợ cho khu vực tiểu vùng này; thông qua liên kết tiểu vùng để tạo điều kiện phát triển hạ tầng và nhân lực của vùng vì lợi ích của tiểu vùng cũng như lợi ích của mỗi quốc gia.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng quan tâm tới những đổi mới trong chính sách tài chính của các nước, thủ tục đầu tư đơn giản. Riêng đối với Lào, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới chính sách thông quan qua cửa khẩu, hải quan, thuế và lao động… Chúng tôi đã phản ánh ý kiến của doanh nghiệp tới Chính phủ các nước. Ngoài ra, doanh nghiệp GMS quan tâm tới ưu đãi của các nước khi đầu tư ra các nước láng giềng bởi mối quan hệ đặc biệt. Mới đây, Bộ KH-ĐT Việt Nam cũng đã trình Chính phủ một số kiến nghị sửa đổi liên quan đến lĩnh vực này.

Hợp tác kinh tế GMS được khởi xướng từ năm 1992 với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của 6 quốc gia ven sông Mekong, gồm: Campuchia, CHND Trung Hoa, CHDCND Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam thông qua tăng cường liên kết kinh tế giữa các quốc gia. Tầm nhìn của GMS là xây dựng một tiểu vùng phát triển thịnh vượng, hội nhập và bình đẳng.

Vậy các nước GMS cần làm gì để thu hút đầu tư, đặc biệt là sau khủng hoảng?

Theo tôi, trước hết các nước GMS phải thống nhất xây dựng nền tài chính chung. Bên cạnh đó, xem xét lại cơ chế đầu tư của mình, làm sao tránh được phiền hà cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực, nhất là các nước Campuchia, Lào, Myanmar, nguồn nhân lực của họ hiện nay rất hạn chế. Ngoài ra, các nước GMS cũng cần các tổ chức tài chính và các nước như Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nhân lực. Hội Phát triển, hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia đã có kế hoạch hỗ trợ việc đào tạo và vận động các doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia. Có như vậy, họ mới có thể quản lý và có lực lượng lao động kỹ thuật tốt, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, các nước GMS đang gặp phải hai khó khăn lớn trong việc hợp tác phát triển. Một là trình độ quản lý khác nhau. Hai là cơ chế phát triển của mỗi nước hiện vẫn theo những quy định của luật pháp, mà luật pháp mỗi nước lại mang nét riêng. Để hài hòa các yếu tố này cần có một quá trình. Việt Nam và Lào đã tổ chức hội nghị hợp tác thường niên để hai bên đưa ra thỏa thuận song phương, cùng  phát triển.

Theo ông, Việt Nam nên phát triển hợp tác trọng tâm trong lĩnh vực nào trong  thời gian tới?

Việt Nam đang chủ yếu là hợp tác với Lào và Campuchia. Để phát triển được thì phải hỗ trợ đào tạo. Campuchia hiện thiếu năng lượng, lương thực, các mỏ khoáng sản chưa khai thác nhiều. Campuchia có tiềm năng lớn để phát triển lương thực nhưng họ vẫn canh tác theo kiểu cũ, chưa thể nâng cao năng suất. Việt Nam hoàn toàn có thể giúp họ làm những việc này vì lợi ích của cả đôi bên. Để hoạt động đầu tư tốt thì không thể không có giao thông và viễn thông. Viettel đã hoạt động rất tốt ở Campuchia và Lào.                

Vân Hằng (Ghi)