Lên núi xem Hội chọi dê

ANTĐ - Không giống như những nơi khác ở vùng cao phía Bắc, những lễ hội của đồng bào vùng cao Hà Giang luôn mang những nét riêng hấp dẫn. Một trong những nét đặc sắc ấy chính là phần “Hội chọi dê”, nơi con dê không đơn thuần là loài gia súc mà còn là vật nuôi mang lại ấm no cho đồng bào ở nơi “đá nhiều, ruộng ít”. 

Lên núi xem Hội chọi dê  ảnh 1

Gọi là “phần hội” bởi “Hội chọi dê” không tách rời thành một lễ hội riêng mà thường là một phần trong các lễ hội lớn của đồng bào vùng cao nơi đây. “Hội chọi dê” ở Hà Giang đã có từ rất lâu, trong hội chợ tình Khau Vai, chợ tình Du Già… và đến những năm gần đây thì hội được tổ chức ở rất nhiều nơi như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Mèo Vạc, Đồng Văn… mỗi khi tết đến xuân về. 

Những ngày hội đầu xuân này, phần hội chọi dê được diễn ra ở nhiều xã như Bản Péo, Nậm Dịch, Nậm Ty, Thông Nguyên… của huyện Hoàng Su Phì, những xã Khâu Vai, Mã Pí Lèng, Giàng Chu Phìn, Lũng Chinh của huyện Mèo Vạc và Lũng Táo, Đồng Văn, Xà Phìn của huyện Đồng Văn…. 

“Sới” chọi dê là một khoảng sân rộng, bằng phẳng được quây bằng những thân tre, vầu... Những chú dê đực đầu đàn to khỏe được chọn sẽ được chăm sóc chu đáo và thường xuyên được chủ dê cho đấu trong suốt quá trình nuôi thả. Trước khi vào trận đấu, mỗi "đấu sĩ dê" sẽ được ban tổ chức cho tham gia đấu loại và lấy số báo danh. Đến chính hội, các "đấu sĩ dê" sẽ đấu loại trực tiếp để chọn chú dê khỏe nhất vào chung kết. Xem hội chọi dê, khán giả sẽ không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên xen lẫn cảm giác thú vị bởi những miếng đánh, bổ, lao… hiểm hóc đầy uy lực, mạnh mẽ và cả những pha hài hước khiến cả “sới đấu” rộn rã tiếng cười bởi có những "đấu sĩ dê" vào “sới” chỉ “thăm dò tìm hiểu” đối phương rồi… thôi. Thời gian quy định cho mỗi trận đấu thường là 10 phút nhưng có những cặp đấu “ngang cơ” phải kéo dài 30 – 40 phút, nhiều trận các chủ dê phải phân thắng bại bằng bốc thăm. 

Dù có thắng, có thua nhưng những “đấu sĩ dê” sau khi giành giải sẽ lại trở về làm dê đầu đàn chứ không bị các chủ giết thịt như ở hội chọi trâu dưới xuôi. Đây cũng chính là một nét riêng, thể hiện tinh thần vui hội của đồng bào vùng cao. Đồng thời cũng là dịp để đồng bào lựa chọn nguồn gene quý để nhân giống cho đàn dê, vốn là một trong những loại gia súc chủ yếu mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân địa phương.