Lễ khai giảng không báo cáo thành tích

ANTD.VN - Năm nay, giữ đúng tinh thần của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 sẽ được tổ chức đồng loạt tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước sáng 5-9. Quan trọng hơn, buổi lễ này sẽ không còn những bài phát biểu của lãnh đạo, không dài dòng báo cáo thành tích mà sẽ tăng phần hội với các hoạt động phù hợp với lứa tuổi học sinh, để các em thực sự là trung tâm của ngày khai giảng.

(Ảnh: Internet)

Hãy để lễ khai giảng trở thành kỷ niệm thiêng liêng

Bước vào năm học mới, đối với hơn 20 triệu học sinh, lễ khai giảng là một sự kiện đáng ghi nhớ, đặc biệt với những trẻ lần đầu tiên đi học hay những học sinh chuyển cấp, sang một ngôi trường mới.

Để buổi lễ không trở thành một hoạt động hình thức, với nhiều tác phong “hiếu hỉ” vốn chỉ để gây ấn tượng với người lớn, năm học này Bộ GD-ĐT đặc biệt yêu cầu ngày khai giảng phải cải tiến theo hướng vui tươi, gọn nhẹ và sẽ là kỷ niệm đáng nhớ với mỗi học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiện cả nước đã được thống nhất tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 đồng loạt ở các trường vào đúng ngày 5-9, thời gian bắt đầu lễ khai giảng từ 7h30. “Bộ GD-ĐT yêu cầu lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn, trang nghiêm với đầy đủ nghi thức như: Chào cờ, hát Quốc ca (không mở băng nhạc), đọc thư Chủ tịch nước. Về phần hội, các trường sẽ tổ chức hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường trở thành kỷ niệm thiêng liêng đối với học sinh” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã quán triệt tinh thần lễ khai giảng theo hướng giảm nhẹ các thủ tục nặng nề, không tạo hứng thú cho học sinh, đặc biệt trong điều kiện thời tiết ngoài trời có thể nắng nóng hay mưa… TP.HCM còn đặc biệt lưu ý các trường không mời lãnh đạo thành phố, địa phương phát biểu.

Tương tự, lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng đề xuất lãnh đạo TP Đà Nẵng khi đến dự lễ khai giảng năm học 2016-2017 tại các trường chỉ tặng hoa, quà chúc mừng mà không phát biểu. Bên cạnh đó, Sở này cũng lưu ý hiệu trưởng khi đọc diễn văn khai giảng cần ngắn gọn, không báo cáo thành tích. Có thể thấy, đây là những điểm mới tích cực, nhằm đem lại một không khí thực sự trang trọng nhưng vẫn vui tươi, phù hợp với học sinh trong ngày khai giảng năm học mới.

Phát huy tính tự chủ của học sinh

Trước yêu cầu cụ thể về cách thức tổ chức khai giảng, các trường đang tích cực xây dựng chương trình phù hợp với độ tuổi học sinh của mình. Trường tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình đặc biệt chú trọng hoạt động đón tiếp học sinh lớp 1. Theo Ban giám hiệu nhà trường, đối với học sinh lớp 1, các em còn nhiều bỡ ngỡ khi chuyển từ bậc mầm non sang tiểu học.

Việc tạo cho các con một tâm lý hòa nhập, vui tươi, không áp lực rất quan trọng khi điều này sẽ đem đến cho các con ấn tượng tốt về môi trường học tập mà các con sẽ phải theo đuổi 12 năm tiếp theo. “Khâu trang trí trường lớp rất quan trọng, càng đẹp càng vui. Ngoài việc được các anh chị lớp trên chào đón trong ngày khai giảng, các con còn được nhận những phần quà bất ngờ do thầy cô chuẩn bị riêng cho các con” - cô Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ những công việc mà nhà trường chuẩn bị cho lễ khai giảng.

Với bậc THCS, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết, lễ khai giảng cần tổ chức gọn nhẹ, chỉ trong khung thời gian quy định 1 tiếng. Trong đó, ngoài phần lễ thì phần hội sẽ hoàn toàn do học sinh tự chủ thay vì để thầy cô dàn dựng.

“Chúng tôi yêu cầu các trường không tập văn nghệ, tổng duyệt xếp hàng, diễu hành… làm khổ học sinh. Các tiết mục văn nghệ sẽ do học sinh đề xuất theo năng lực và sở thích của các em, tất nhiên là có định hướng phù hợp với văn hóa, lứa tuổi. Các em sẽ tự tập với nhau thay vì yêu cầu toàn trường phải cùng tập dượt hay chỉ ngồi xem”.

Còn với trường THPT Yên Hòa, Ban Giám hiệu cũng đặc biệt quan tâm, dành thời gian cho việc đón học sinh lớp 10. “Sẽ không có báo cáo thành tích, bài phát biểu của hiệu trưởng sẽ ngắn gọn và tập trung vào những vấn đề phụ huynh, học sinh quan tâm” - Hiệu trưởng trường này cho biết.

Để có được lễ khai giảng đúng ý nghĩa, việc tạo khung cảnh, môi trường sạch đẹp cũng hết sức quan trọng. Với nhiều trường học vùng nông thôn còn nhiều khó khăn thì cách để có một khung cảnh đẹp không đơn giản là đầu tư tiền để trang trí.

“Trong điều kiện trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhà trường đã huy động một ngày lao động công ích với toàn thể giáo viên. Hơn 400 học sinh cùng nhiều phụ huynh của trường chúng tôi đã tập trung 1 ngày để tổng vệ sinh toàn bộ sân trường, lớp học. Dù vất vả nhưng các con sẽ có thêm ý thức trong việc chia sẻ khó khăn và cùng chung tay giữ gìn ngôi trường của mình sạch đẹp hơn” - Hiệu trưởng trường tiểu học Việt Long, Sóc Sơn cho biết.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho từng bậc học

Bước vào năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có chỉ thị toàn ngành Giáo dục quán triệt phương hướng và tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ chủ yếu theo mỗi bậc học. Theo đó, các cơ sở giáo dục cần tập trung tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định.

Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động.