Lễ hội càng phải… sạch

ANTĐ - Ra Giêng ngày rộng tháng dài, ông đã có “chương trình hành động” đi lễ hội chưa?

- Một năm có những 8.000 lễ hội lớn nhỏ, đi không xuể. Vả lại, tôi chỉ ngồi ở nhà, nghe người ta đi hội về tường thuật lại cũng đủ… ớn người rồi.

- Các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đã vào cuộc, ra quân “thanh lọc” lễ hội, tôi nghĩ xuân này phải tốt đẹp hơn chứ?

- Mấy bà vừa đi trẩy hội Lim kể, tốt thì có nhưng chưa đẹp. Các liền anh liền chị trên thuyền hát cả nhạc trẻ, nhạc xanh và vẫn “ngửa nón xin tiền” như mọi năm.

- Quan họ chỉ ngả nón mời trầu têm cánh phượng, chứ ai lại “mơi khách” phản cảm thế!

- Những cảnh phản cảm đó còn diễn ra nhan nhản. Ngay ở chốn non thiêng Yên Tử, người ta vẫn chen lấn, quyết liệt “lấy linh khí” chùa Đồng bằng cách mài tiền, mài đô la, khăn áo, mài cả chứng minh nhân dân…

- Dư luận đã lên tiếng cảnh tỉnh văn hóa tâm linh đang bị bôi bẩn, con người quá trần tục, quá thực dụng, không hiểu sao nhiều người vẫn không tỉnh giấc, không ngộ ra?

- Khó lắm ông ơi, ở các lễ hội đã huy động lực lượng công an, CSGT rồi dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, quản lý thị trường… mà ở chùa Hương vẫn tái diễn nạn rải tiền lẻ, mâm lễ đầy ắp. Ở hội chợ Viềng huy động hàng trăm công an nhưng khó dẹp được bói toán, cờ bạc, xin tiền, “chặt chém”.

- Tôi có ngó lên ti vi mà rùng mình thấy trai tráng như đi “khinh công” trên đầu đám đông, dùng gậy gộc choảng nhau để cướp phết.

- Mặt trái nhếch nhác phản văn hóa của lễ hội ai cũng thấy, nhưng không hiểu vì sao cứ tái diễn?

- Nạn này đã bàn nát ra rồi! Một số chuyên gia “hiến kế”: quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, người đứng đầu tổ chức lễ hội.

- Quá đúng! Lễ hội là “món ăn” tinh thần càng phải sạch như thực phẩm sạch. Để lễ hội phản cảm cũng giống như “đầu độc” người dân nên phải xử phạt thật nặng tay.