Lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Hà Nội

ANTD.VN - 15h ngày 10-10-1954, trong không khí tưng bừng của đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, có một buổi lễ đặc biệt diễn ra ngay sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ), đó chính là Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng.

Lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Hà Nội ảnh 1Đoàn quân giải phóng làm lễ chào cờ tại sân Cột Cờ (sân Đoan Môn) - Hoàng thành Thăng Long năm 1954 (ảnh tư liệu)

Thành phố rực màu cờ

Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng vạn đồng bào. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng, hân hoan trong niềm vui giải phóng. Ngày 10-10-1954 trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

65 năm sau, cũng tại sân Cột Cờ (nay thuộc khu di tích Hoàng Thành Thăng Long) một lễ chào cờ với vẹn nguyên ký ức mùa thu cách mạng sẽ được tái hiện vào sáng 6-10. Lễ chào cờ sẽ gồm các hoạt động rước ảnh tưởng niệm của các nhân chứng lịch sử và gia đình nhân chứng; chương trình văn nghệ “Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử”. 

Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại hồi ức của 65 năm về trước, ngày Đại đoàn 308 tiến vào Hà Nội và lễ chào cờ lịch sử: 5h ngày 10-10-1954 lệnh giới nghiêm vừa hết, cả thành phố náo nhiệt hẳn lên. Nhà nhà mở cửa đón chào ngày mới, ngày Giải phóng Thủ đô, đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. 8h, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo. Họ bước đi giữa một rừng cờ hoa, trong sự đón mừng nồng nhiệt của đồng bào. Anh hùng Nguyễn Quốc Trị - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô cùng Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 Trần Đông dẫn đầu đội hình bộ binh tiến từ khu vực Mai Dịch, qua ô Cầu Giấy, Kim Mã, Hàng Đẫy, vườn hoa Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc vào thành Hà Nội.

Từ phía Nam, một đội hình bộ binh khác do Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tu Vũ chỉ huy từ Việt Nam học xá lần lượt tiến qua Bạch Mai, phố Huế ra Tràng Tiền rồi vòng về khu vực Đồn Thủy. Tiến sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới. Hơn 100 xe mô-lô-tô-va sơn màu lá mạ, cảnh cửa in phù hiệu sao vàng trên nền đỏ, nối đuôi nhau vào nội thành… Đoàn quân đi đến đâu là tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Đường phố rực màu cờ, chật ních người. Những gương mặt rạng rõ, nụ cười, ánh mắt, vẫy tay, trong niềm vui chiến thắng.

Thời khắc thiêng liêng

Chiều 10-10-1954 diễn ra lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Trời thu Hà Nội xanh ngắt, trên sân vận động Măng-gianh (sau này gọi là sân Cột Cờ), các đơn vị tham dự lễ chào cờ đã tập hợp thành từng khối nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, đại diện Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304). Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 Quyết tử quân Hà Nội mùa đông năm 1946 được cử làm Tổng trực chỉnh đốn đội ngũ, báo cáo với Tham mưu trưởng Đại đoàn Vũ Yên. Đứng sau đội hình bộ binh là cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ, bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Xung quanh sân vận động, nhân dân các khu phố kéo đến rất đông. Ai cũng muốn có mặt trong lễ chào cờ lịch sử đó.

Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Toàn thành phố hướng về Cột Cờ. Đứng chủ Lễ chào cờ là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội và bác sĩ Trần Duy Hưng. Đoàn quân nhạc do nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy cử Quốc thiều. Những ánh mắt tự hào nhìn lên lá quốc kỳ tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ  bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Mở đầu lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải rời xa khỏi Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn ở cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn kể”.

Trong lời kêu gọi, Bác hỏi thăm thân mật đồng bào và căn dặn: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống thời bình sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng chính phủ cố gắng, quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì nhất định chúng ta vượt được mọi khó khăn và đạt được mục tiêu chung là làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”.

Lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Hà Nội ảnh 2Đoàn quân giải phóng từ các cửa ô tiến về Hà Nội (ảnh tư liệu)

Ra đi để trở về

Ông Phùng Đệ (phố Phan Đình Phùng - Hà Nội) nhớ lại: “Là một người con Hà Nội, tôi đã được đi trong đoàn quân chiến thắng trở về. Giữa sự tưng bừng náo nhiệt ấy, lòng tôi dâng lên một cảm giác hạnh phúc và tự hào. Hà Nội của mùa thu 65 năm trước rực rỡ cờ hoa, tiếng reo hò vang trời của nhân dân mừng đón: “Hoan hô các anh đã về! Hoan hô các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô về giải phóng Hà Nội! Hồ Chủ Tịch muôn năm! Hòa cùng đó là tiếng hát vang bản hùng ca bất hủ Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao”.

Từ cái đêm lịch sử 17-2-1947, Trung đoàn Thủ đô đã lặng lẽ vượt vòng vây quân Pháp để ra vùng tự do, cuộc rút lui ấy được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “cuộc rút lui thần kỳ”. Và giờ đây họ đã trở về với nhân dân. Dưới dự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Trung đoàn Thủ đô đã liên tiếp tham gia 12 chiến dịch, từ chiến dịch Việt Bắc đến Cao Bắc Lạng, Trung du, Đồng bằng, vùng biển Đông Bắc và 3 chiến dịch Tây Bắc, kết thúc là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Để rồi, ngày 10-10-1954, Trung đoàn đã trở về Hà Nội trong rừng cờ, hoa. Ở lễ chào cờ đó, đã có rất nhiều người rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc lần đầu tiên trong lịch sử tung bay trên Cột Cờ của Hoàng thành Thăng Long.