Lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng văn bản pháp luật từ 15-2-2019

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Theo Thông tư, trẻ em tham gia lấy ý kiến phải bảo đảm đại diện vùng miền, dân tộc, độ tuổi, giới tính, tôn giáo; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, đây cũng phải là những trẻ em chịu sự tác động trực tiếp của văn bản phù hợp với mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ.

Về nguyên tắc, Thông tư quy định, việc lấy ý kiến của trẻ em phải bảo đảm để trẻ em tham gia tự nguyện, chủ động, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ; cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến.

Đặc biệt, phải bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em tham gia lấy ý kiến.

Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, ý kiến của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và sử dụng đúng mục đích.

Việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP  của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này.

Cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em; người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em cung cấp cho trẻ em những thông tin cơ bản sau: Mục đích, yêu cầu việc lấy ý kiến của trẻ em; nội dung cần lấy ý kiến của trẻ em; hướng dẫn, giải thích cho trẻ em những thông tin liên quan đến nội dung cần lấy ý kiến và những nội dung khác mà trẻ em quan tâm.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến của trẻ em phải bảo đảm việc kịp thời cung cấp, giải thích thông tin, hỗ trợ cho trẻ em.

Về hình thức lấy ý kiến, theo Điều 7 của Thông tư, Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thông tin, phản hồi việc tiếp thu ý kiến của trẻ em thông qua:  Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp báo; hoặc có thể thông qua điện thoại; môi trường mạng; các phương tiện thông tin đại chúng hay gửi văn bản đến trường học, cộng đồng, địa phương nơi tổ chức lấy ý kiến của trẻ em để niêm yết công khai…

Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản lấy ý kiến của trẻ em thông qua Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì gửi văn bản thông tin, phản hồi về việc tiếp thu ý kiến của trẻ em cho Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để thông tin, phản hồi cho trẻ em thông qua một hoặc các hình thức quy định như trên.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-2-2019.