Lấy báo chí làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội, đẩy lùi thông tin độc hại

ANTD.VN - Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn khẳng định: Lấy báo chí làm hạt nhân để dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực là một trong những giải pháp đẩy lùi thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn trước Quốc hội được bắt đầu từ 10h sáng  17-11 cho đến hết buổi làm việc. Có tới 70 ĐBQH đã đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành TT-TT.

Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí 

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là thực trạng phát triển báo chí nước ta hiện nay, trong đó có mặt trái là những vi phạm trong hoạt động báo chí như đưa tin sai sự thật, “hù dọa” doanh nghiệp… gây nhức nhối thời gian gần đây. Trả lời câu hỏi của ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Gần đây đúng là có nhiều sai phạm trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, sai phạm đó cũng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay vẫn là dòng chủ lưu”. 

Chia sẻ với các ĐBQH rằng tình trạng sai phạm của báo chí vừa qua là nhức nhối, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, Bộ đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm và chấn chỉnh lĩnh vực này. Cụ thể, trong năm 2016, Bộ TT-TT đã kiểm tra và xử phạt gần 150 cơ quan báo chí, nhiều nhất từ trước tới nay, thậm chí có thời điểm chỉ trong một tháng xử phạt tới 70 cơ quan báo chí.

Theo Bộ trưởng, sai phạm của báo chí phổ biến là các hành vi đưa tin sai sự thật, đưa tin nửa sự thật, đưa tin thật giả lẫn lộn, bới móc đời tư, giật gân câu khách, hay nói một cách dân gian là báo chí đưa tin “cướp giết hiếp, bỏng mắt, đắng lòng, sáng đưa trưa gặp chiều gỡ”...

Về giải pháp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã đưa ra các giải pháp vừa có tính tổng thể, vừa có tính đột phá, từ rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đến có chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm. Mặt khác, trên cơ sở quy hoạch báo chí, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chủ quản kiên quyết sắp xếp lại các cơ quan báo chí để hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích. 

Với câu hỏi chất vấn của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn khẳng định: “Thực tế báo chí nước ta vừa có báo Đảng, báo của cơ quan nhà nước, báo của các bộ ngành, đoàn thể. Không chỉ có các nhà báo chuyên nghiệp mà mọi công dân đều có quyền viết bài và bày tỏ ý kiến của mình trên mặt báo. Do đó, việc không cấp phép cho tư nhân ra báo không những không hạn chế quyền tự do ngôn luận trên báo chí mà còn giúp cho nền báo chí nước ta không bị lũng đoạn”, ông Trương Minh Tuấn phân tích. Đặc biệt, Bộ trưởng nêu rõ quan điểm, ở Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí. 

Thông tin xấu, độc hại lấn lướt trên mạng xã hội

ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) bày tỏ băn khoăn trước tình trạng phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng phương tiện này để tung tin giả; xúc phạm uy tín cá nhân, tổ chức; xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước... Đây cũng là mối băn khoăn chung của đa phần ĐBQH.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn nhìn nhận: “Phải thừa nhận rằng mạng xã hội mang lại rất nhiều kiến thức, tiện ích cho con người nhưng tác hại nó đem lại không nhỏ”. Người đầu ngành TT-TT ví von: “Mạng xã hội như một con đường. Trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, người xấu, thậm chí có kẻ cướp” và nêu quan điểm “Đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu, vấn đề là ở ý thức người sử dụng”. 

Ông Trương Minh Tuấn cho biết, hiện có 53 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook, hầu hết vẫn là người tốt, chỉ có bộ phận nhỏ là xấu nhưng “năng lượng đen” của bộ phận nhỏ này lại gây ảnh hưởng rất xấu tới môi trường mạng xã hội. Điều vướng mắc là hiện chúng ta có khoảng hơn 300 mạng xã hội trong nước nhưng những người dùng mạng xã hội trong nước rất ít mà đa phần sử dụng 2 mạng xã hội nước ngoài.

Do vậy, Bộ TT-TT đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng đồng thời khi đã hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Kết quả, thời gian qua Bộ đã tác động và yêu cầu gỡ bỏ gần 5.000 clip trên Youtube có nội dung độc hại, xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân, xâm hại đến quyền của cá nhân…

Cuối cùng, giải pháp quan trọng nhất, theo người đầu ngành   TT-TT, là: “Phải lấy báo chí làm hạt nhân để dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực là một trong những giải pháp đẩy lùi thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội”. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề” 

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, đúng vấn đề, tranh luận rất đông. Trong lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nắm chắc vấn đề, làm rõ vấn đề ĐB nêu. Phần trả lời của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cơ bản làm hài lòng đại biểu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: An toàn thông tin của Việt Nam đứng ngoài top 100 thế giới

Lấy báo chí làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội, đẩy lùi thông tin độc hại ảnh 2

Tham gia giải trình thêm một số ý kiến đại biểu nêu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu quan điểm không thể không ứng dụng công nghệ thông tin nhưng nếu không đảm bảo an toàn thông tin thì nguy hại vô cùng. Về an toàn thông tin chúng ta đứng ngoài nhóm 100, tức nhóm trung bình yếu của thế giới. Còn xét về ý thức hành vi của người dân, Việt Nam nằm nhóm yếu nhất.

Cứ một giờ có 200 tỷ thư trên thế giới được phát đi, 53% số đó là thư rác trong đó có mã độc. Tỷ lệ phát tán thư rác từ Việt Nam là số 1 thế giới, đứng trên cả Mỹ và Trung Quốc. Tỷ lệ lây nhiễm qua cả thiết bị cá nhân ở Việt Nam cũng cao nhất thế giới. “Đây là điều đáng báo động nhất về an toàn an ninh thông tin của chúng ta. Và phải nhiều năm mới gỡ hết, nếu không ý thức ngay từ bây giờ thì vô cùng nguy hiểm” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo.

Ý kiến cử tri: Không thể cấm mạng xã hội thì phải làm gì?

Với câu hỏi, có cần phải cấm mạng xã hội hay không, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định không thể cấm mạng xã hội, vấn đề là làm thế nào để tăng cường mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội.

Dù đã đưa ra một số giải pháp để giải quyết tình trạng này như Bộ TT-TT phối hợp với nhiều cơ quan, nhằm xử lý các sai phạm, tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng của người dùng, yêu cầu gỡ bỏ 5.000 clip trên mạng youtube có nội dung xấu, phản cảm, sai sự thật…

Song theo tôi, những giải pháp này chưa đầy đủ và chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Điều quan trọng nhất là cần tuyên truyền tới người sử dụng mạng thấy rõ tính 2 mặt của mạng xã hội, biết chọn lọc thông tin, đồng thời sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ để có căn cứ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bộ trưởng dù đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của mạng xã hội, song giải pháp đột phá giải quyết tận gốc vấn đề còn chưa đầy đủ, thiếu trọng tâm, có lẽ một phần do áp lực về thời gian trả lời chất vấn.

Anh Hà Anh (Đường Hoàng Minh Giám, quận Thanh Xuân, Hà Nội)