Lắp thêm camera giám sát nhằm ngăn chặn mất cắp hành lý ở sân bay

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh nhìn nhận, khâu tuyển dụng lỏng lẻo cộng với việc chưa phân định rõ được trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong công tác phòng ngừa kém, đã khiến nạn trộm cắp hành lý ở sân bay gia tăng gần đây.

Lắp thêm camera giám sát nhằm ngăn chặn mất cắp hành lý ở sân bay ảnh 1    
- Ngành hàng không đã xác định được nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng mất cắp hành lý gia tăng trong thời gian gần đây, thưa ông?

- Qua kiểm tra, rà soát chúng tôi đã đưa ra một số nguyên nhân chủ yếu như: quy trình tuyển dụng lao động bốc xếp còn lỏng lẻo, còn tồn tại các điểm mù (không có camera an ninh) ở sân bay và đặc biệt chưa phân định rõ được trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến vận chuyển hành lý. 

- Chính vì tuyển dụng lỏng lẻo nên kẻ gian mới trà trộn vào được, thưa ông?

- Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động theo quy định hiện hành. Hồ sơ xin việc đều có sơ yếu lý lịch, có xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cũng có thể có trường hợp, lý lịch không có vấn đề gì nhưng thực chất đối tượng lại có vấn đề. Trong thời kỳ hoạt động cao điểm như các dịp lễ, Tết, lượng hành lý, hàng hóa vận chuyển rất lớn, doanh nghiệp phải sử dụng lao động thời vụ. Vì thời gian lao động ngắn nên các đơn vị dễ nới lỏng kiểm soát nhân thân. Cục Hàng không đã yêu cầu các đơn vị tuyển dụng lao động phải rà soát kỹ hồ sơ, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn phải thẩm tra lại, hoặc từ chối tuyển dụng. Đặc biệt, khuyến khích đơn vị tuyển dụng áp dụng hình thức phỏng vấn trực tiếp.

Lắp thêm camera giám sát nhằm ngăn chặn mất cắp hành lý ở sân bay ảnh 2

  Lực lượng an ninh hàng không kiểm tra các nhân viên bốc dỡ hành lý sau ca làm việc

Ngành hàng không có một đặc thù là nếu nhân viên nào lợi dụng vị trí làm việc của mình để thực hiện hành vi buôn lậu, trộm cắp thì sẽ vĩnh viễn bị đuổi khỏi ngành. Bên cạnh đó, Cục cũng khuyến cáo các đơn vị rút ngắn thời gian thử việc, nếu thấy lao động làm việc tốt có thể ký luôn hợp đồng dài hạn để lao động gắn bó với công việc, với đơn vị.

- Dư luận nghi ngờ có sự móc nối giữa nhân viên soi chiếu hành lý với các nhân viên bốc xếp, thưa ông?

- Đến nay, qua kiểm tra, rà soát có thể khẳng định không có sự móc nối giữa nhân viên soi chiếu với nhân viên bốc xếp. Việc này được triển khai rất nghiêm ngặt bởi còn liên quan đến đảm bảo an ninh hàng không. Theo quy định, nhân viên soi chiếu không được dùng điện thoại di động trong giờ làm việc. Vì vậy, nhân viên soi chiếu muốn liên lạc, “phím” cho nhân viên bốc xếp bên trong cũng không dễ. Nhân viên an ninh chỉ được sử dụng bộ đàm trong giờ làm việc, sóng trên bộ đàm được kiểm soát. 

- Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, ngành hàng không còn thờ ơ với tình trạng mất cắp, "rút ruột" hành lý nên mới có diễn biến “nóng” như vậy?

 - Thời gian vừa qua, cả ngành hàng không đã sôi sục về việc chống mất cắp, chúng tôi đề nghị lực lượng công an vào cuộc trong thời gian dài và tình hình đã được cải thiện. Hàng loạt các vụ mất cắp thời gian qua cho thấy, lỗi của chúng tôi là chưa thống kê một cách đầy đủ, có hệ thống về các vụ mất cắp. Đây là lỗi chủ quan, chưa xây dựng được hệ thống, quy trình báo cáo về mất cắp như chế độ báo cáo về an toàn hàng không; chưa phân định được rõ là mất cắp ở công đoạn nào, ở nước ngoài hay Việt Nam. Mỗi khi có vụ việc xảy ra, tất cả đều dùng từ “chắc là xảy ra ở đâu đó”.

- Giải pháp của ngành như thế nào để kiểm soát tình trạng này, thưa ông?

- Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị liên quan, khi phát hiện mất cắp hành lý phải phân định được trách nhiệm thuộc đơn vị nào quản lý. Cảng vụ Hàng không sẽ chịu trách nhiệm việc này. Khi trách nhiệm rõ ràng như vậy thì các đơn vị có liên quan cũng tự động triển khai các giải pháp để phòng chống, để minh oan cho chính mình, quy được trách nhiệm tới từng tổ đội, người giám sát nội bộ của đơn vị vận chuyển. 

- Đối với các điểm mù các camera bị khuất sẽ phải giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Các sân bay phải hoàn thiện hệ thống camera, đảm bảo hệ thống camera cố định quét hết được các điểm mù. Một số khu vực camera cố định không thể quét hết được như trong lòng container (các palet chuyển hàng ở sân bay), hầm hàng máy bay nơi người bốc xếp được quyền ra vào để xử lý hàng hóa thì sẽ gắn camera di động. Cùng với đó, phải kiểm soát nơi để đồ cá nhân của nhân viên bốc xếp, kiểm tra trực quan 100% nhân viên tham gia bốc xếp hành lý lên máy bay, nhân viên dọn vệ sinh sân bay… 

- Ngành hàng không khuyến cáo gì tới hành khách để hạn chế tối đa bị mất đồ, thưa ông?

- Chúng tôi luôn khuyến cáo và khuyến khích hành khách không để đồ có giá trị trong hành lý ký gửi. Vì, ngành hàng không đền bù thiệt hại theo cân với hành lý không kê khai giá trị. Với trường hợp kê khai là tài sản quý, có giá trị, đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển sẽ đền bù đúng giá trị hàng hóa bị mất, song giá cước vận chuyển sẽ cao hơn.