Lắp ghép cơ học chỉ làm tăng sự nhàm chán

ANTĐ - GS. NGND Vũ Dương Ninh, nguyên Chủ nhiệm khoa Quốc tế học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Ủy viên chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã thẳng thắn và tâm huyết chia sẻ quan điểm của mình về đề xuất của Bộ GD-ĐT

Lắp ghép cơ học chỉ làm tăng sự nhàm chán ảnh 1Minh họa: Internet

- PV: Thưa GS, trả lời mới đây của lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã cho rằng việc tích hợp như đề xuất của Bộ không có nghĩa là không coi trọng môn lịch sử bởi thời gian học môn lịch sử thậm chí còn tăng lên chứ không hề bớt đi. GS nghĩ sao về ý kiến này?

- GS.NGND Vũ Dương Ninh: Đây là một lập luận có tính ngụy biện của người có trách nhiệm. Cách ghép theo kiểu cơ học như vậy sẽ làm tăng sự ôm đồm, rối loạn và chắc chắn độ nhàm chán sẽ tăng lên.

Lịch sử là một khoa học riêng biệt, có nhiệm vụ nghiên cứu quá trình phát sinh, phát triển của xã hội loài người nói chung và của từng quốc gia, dân tộc nói riêng. Khi đưa vào môn tích hợp chỉ có thể là một phần kiến thức rất nhỏ có chọn lọc, không thể thay thế cho tất cả kiến thức của môn Lịch sử được. Phải thấy rằng, lịch sử còn ghi dấu ấn của biết bao vấn đề trong quá trình kiến thiết đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, luật pháp, văn hóa, xã hội… Khai thác những kinh nghiệm về các mặt của cuộc sống mà cha ông đã từng trải chính là góp phần vào công cuộc dựng xây ngày nay. Thế hệ trẻ cần được trang bị những kiến thức đó vì họ sẽ là người đảm nhiệm trọng trách về tương lai của đất nước. Phải nói thẳng thắn rằng ngày nay, không ít chủ trương không thành công, thậm chí sai lầm chính vì thiếu hiểu biết về lịch sử, không tiếp thu được những kinh nghiệm mà lịch sử đã để lại. 

- PV: Nhiều ý kiến cho rằng lượng kiến thức môn Lịch sử cũng nên giảm tải đối với những học sinh học KHTN, vì vậy việc tích hợp là cần thiết?

- GS.NGND Vũ Dương Ninh: Nếu đã phân ban thì đương nhiên, các em chọn KHTN sẽ học nhiều về các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và ít hơn về KHXH; cũng vậy, các em chọn KHXH sẽ học nhiều về Văn, Sử, Địa… và ít hơn về KHTN. Nguyên tắc này đâu có gì mới? Vì sao không để nguyên tên môn học như nó vốn có, còn cái gọi là tích hợp chỉ ghép nó vào với nhau thì có ý nghĩa gì? Các môn học có nội dung khoa học và sứ mệnh riêng nhưng có mối liên hệ với nhau thì trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải chỉ ra hoặc gợi ý cho người học mối liên hệ đó, xưa nay vẫn vậy mà! Tôi cảm thấy rằng hình như sự lắp ghép được gọi là “tích hợp” mới dừng ở chỗ để báo cáo rằng Bộ đã chấp hành nghị quyết về đổi mới giáo dục, còn đổi mới cụ thể ra sao thì chưa rõ, lại “vừa chạy vừa xếp hàng” mặc dù chuyện đúng sai tác động đến nhiều thế hệ học sinh. Vậy có phải là có trách nhiệm hay không?

- PV: Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, khi Lịch sử được coi là một môn tự chọn, có những hội đồng thi chỉ có một vài học sinh thi môn này. Theo GS, vì đâu?

- GS.NGND Vũ Dương Ninh: Trong thời gian vừa qua, vị trí môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông ngày càng sút kém, dẫn đến học sinh không hứng thú với môn này. Nên tìm nguyên nhân từ nhiều góc độ.

Trước hết, chương trình và sách giáo khoa Lịch sử quá nặng nề, mang tính hàn lâm. Ngay những đợt xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa trước đây đã có ý kiến về việc chương trình nặng quá, kiến thức nhiều quá và cách thể hiện thiếu hấp dẫn. 

Thứ hai, do cách đối xử của Bộ đối với môn học. Từ lúc nào đó, tôi không nhớ, môn Lịch sử và môn Địa trở thành môn thi “luân phiên”, có nghĩa là năm nay thi Sử, năm sau thi Địa. Tiếp theo, môn Sử bị trở thành môn “thay thế”, nơi nào không thi ngoại ngữ mới thi Sử. Gần đây được coi là môn “tự chọn”, do vậy các em thi khối A và B hoàn toàn bỏ rơi môn Sử. Và bây giờ, dưới danh nghĩa “tích hợp”, môn Sử hoàn toàn không còn chính danh trong chương trình giáo dục phổ thông của nước nhà. 

Thứ ba, do vị trí của môn Lịch sử bị “bạc đãi” như vậy nên việc dạy và học  môn này ngày càng yếu đi. Đã là người đi học, ai cũng chủ trương “thi gì học nấy”. Và Ban giám hiệu các trường cũng vậy, các môn không thi - thường gọi là “môn phụ”, được dạy dồn trong học kỳ 1 để học kỳ 2 tập trung vào các môn thi, được coi là môn chính. Lãnh đạo Bộ vẫn nói rằng không bao giờ Bộ phân biệt môn nào chính, môn nào phụ. Nhưng thực tế là như vậy đấy.

Cuối cùng, bên cạnh nhiều thầy cô giáo có tâm huyết và năng lực giảng dạy Lịch sử, còn một số không ít giáo viên yếu kém về kiến thức và phương pháp sư phạm. Cũng phải nói thêm, do vị trí môn học bị coi nhẹ nên ở nhiều nơi, “thân phận” của giáo viên bộ môn này cũng bị coi thường, anh chị em mang nặng tâm lý chán nản, buồn tủi.

Từ những lý do trên, rất cần sự thống nhất về quan niệm và sự hợp tác trong thực tiễn từ Bộ đến trường và đến từng giáo viên cùng các nhà sử học và toàn xã hội mới có thể khắc phục để vươn tới.

Lắp ghép cơ học chỉ làm tăng sự nhàm chán ảnh 2

- PV: GS có thể minh họa về vai trò của môn Lịch sử ở một số nước khác?

- GS.NGND Vũ Dương Ninh: Chẳng nói đâu xa, nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, môn Lịch sử được giảng dạy từ bậc tiểu học cho đến trung học, nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ một cách cẩn thận, có hệ thống. Môn Lịch sử đã giáo dục niềm tự hào chính đáng về truyền thống văn minh Trung Hoa từ thời cổ đại, về công cuộc xây dựng đất nước Trung Quốc, kể cả khơi gợi nỗi nhục vì một thế kỷ bị phương Tây thống trị. Qua đó, môn Lịch sử đã thức tỉnh tinh thần dân tộc khi bước vào thời đại mới đưa đất nước lên vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Nhưng mặt khác, môn Lịch sử cũng gieo mầm tư tưởng bá quyền, nước lớn với địa vị thượng đẳng giữa các dân tộc, các quốc gia. Rất rõ ràng, môn Lịch sử  đã thực sự được sử dụng như một vũ khí tinh thần để phục vụ tiến trình “trỗi dậy”,  thậm chí là cho ý đồ bành trướng, bá quyền của Trung Quốc.

- PV: Vậy theo GS, nếu đổi mới dạy và học môn Lịch sử, nên bắt đầu từ đâu và đổi mới những gì?

- GS.NGND Vũ Dương Ninh: Đây là vấn đề rất lớn, cũng đã được thảo luận nhiều. Nhất định là phải đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử, cũng như tất cả các môn học khác. Ở phần trên, tôi đã phân tích những nguyên nhân, từ những nguyên nhân đó đã thấy được câu trả lời. Có thể tóm gọn như sau: 

Bộ GD- ĐT cần nhận thức đúng vị trí của môn Lịch sử, từ đó xác định Lịch sử là một khoa học có tính độc lập và ít nhất là có tầm quan trọng ngang bằng như các khoa học khác. Do vậy phải có chính sách đối xử đúng đắn, không thể lặp lại những sai lầm như những năm qua, không thể lắp ghép tùy tiện. 

Hãy giao cho bản thân những nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử đứng ra thảo luận và tìm ra quyết sách vì không ai hiểu vấn đề bằng bản thân những người trong nghề. Các môn khác cũng vậy. Nếu chỉ có một nhóm người “nghĩ thay” thì chẳng bao giờ đi đến nơi cả.

Dư luận xã hội đang rất sôi nổi, đó là điều đáng mừng dù có ý kiến trái chiều. Những người có trách nhiệm nên lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản bác, đừng gò ép. Một không khí thảo luận dân chủ sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất.

- Xin chân thành cảm ơn GS đã trả lời phỏng vấn!