Lao động nữ phải được quan tâm từ nhiều góc độ

(ANTĐ) - Câu chuyện phía sau cuộc sống của những nữ công nhân trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), đã được nhiều phương tiện đại chúng quan tâm, thậm chí có nhiều cuộc điều tra xã hội học rất cơ bản và có những kết quả nằm ngoài suy nghĩ của nhiều người. Chúng ta đang hướng tới chăm sóc toàn diện cho cuộc sống của người lao động nói chung, nữ công nhân lao động nói riêng, vì vậy rất cần sự quan tâm và đồng thuận của nhiều cấp để cuộc sống của họ bớt đi những nhọc nhằn, được hưởng những quyền lợi tối thiểu như những người phụ nữ bình dị khác.

Lao động nữ phải được quan tâm từ nhiều góc độ

(ANTĐ) - Câu chuyện phía sau cuộc sống của những nữ công nhân trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), đã được nhiều phương tiện đại chúng quan tâm, thậm chí có nhiều cuộc điều tra xã hội học rất cơ bản và có những kết quả nằm ngoài suy nghĩ của nhiều người. Chúng ta đang hướng tới chăm sóc toàn diện cho cuộc sống của người lao động nói chung, nữ công nhân lao động nói riêng, vì vậy rất cần sự quan tâm và đồng thuận của nhiều cấp để cuộc sống của họ bớt đi những nhọc nhằn, được hưởng những quyền lợi tối thiểu như những người phụ nữ bình dị khác.

Đã không ít lần các phương tiện truyền thông đại chúng đặt vấn đề về nữ công nhân tại các KCN, KCX hiện nay cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn vì thu nhập thấp, điều kiện ở nghèo nàn, công việc thường xuyên phải tăng ca nên gần như không có điều kiện kết bạn và xây dựng gia đình. Tình trạng “gá tạm” với nhau trở nên phổ biến, để cùng nhau thuê nhà, nấu cơm chung bớt đi những khoản sinh hoạt phí. Suy cho đến cùng, đó cũng là điều không ai mong muốn, nhưng vẫn có nhiều người lựa chọn để cuộc sống bớt đi phần nhọc nhằn và buồn tẻ. Nhưng chính từ những “gia đình gá tạm” đó, nhiều đứa trẻ cũng không mong muốn được chào đời. Và cũng bắt đầu từ đây, nhiều vấn đề nảy sinh.

Đó là những cái thai bị phá, và nếu như quá lớn thì đứa trẻ được sinh ra, song không có may mắn được lớn lên, không ít trong số đó đã bị bỏ rơi, thậm chí ngay từ khi mới chào đời. Có trẻ sống sót, nhưng cũng có trẻ không có được niềm hạnh phúc đó. Lý giải cho tình trạng này, có thể đưa ra một số nguyên nhân như thứ nhất đó là quan niệm á đông về người phụ nữ không chồng mà lại có con, sẽ ảnh hưởng đến uy tín và danh dự gia đình, dòng họ. Thứ 2, nữ công nhân tại các KCN, KCX hiện nay, phần lớn là xuất thân từ gia đình nông thôn, những hiểu biết về sức khỏe sinh sản rất hạn chế, đến khi biết mình mang thai thì đã quá muộn, lại không nhận được sự đồng tình của người bạn trai nên phải bỏ con. Thứ 3 đó là do chế độ thai sản tại một số doanh nghiệp không được tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp, quyền lợi của người phụ nữ ít được quan tâm nên có người sinh con ra, do sợ mất việc mà cũng đành ngậm ngùi bỏ con.

Trong khuôn khổ diễn đàn nhỏ này, chúng tôi không đề cập nhiều đến vấn đề nguyên nhân và thực trạng của tình trạng này, mà muốn nói nhiều hơn đến việc cần phải làm thế nào cho cuộc sống của người nữ công nhân trong các KCN, KCX, bớt đi phần nào khó khăn, được thực hiện quyền thiêng liêng của người phụ nữ, sinh con, nuôi con, và các trung tâm bảo trợ xã hội không phải đón những đứa trẻ đến từ các KCN, KCX.

Theo Thạc sỹ Phạm Thu Hiền, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, thực tế của Hà Nội cho thấy, công nhân nữ là một bộ phận quan trọng trong thực hiện các chính sách phát triển của đất nước và Thủ đô Hà Nội. Họ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nơi đang làm việc, cũng như những đóng góp kinh tế cho gia đình và người thân. Thực tế đó đang đặt ra cho Nhà nước phải quan tâm đặc biệt đến nhóm xã hội đặc thù này, đưa ra các chính sách phù hợp để giải quyết những bất ổn hiện nay. Cần chú trọng nhiều hơn nữa đến lao động nữ làm việc trong các KCN, KCX.

Việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân nữ và hoàn thiện môi trường xã hội trong các khu công nghiệp phải bắt đầu từ chính sách xây dựng hạ tầng dịch vụ xã hội cho các khu này. Hoạt động của tổ chức công đoàn, ban nữ công trong nhiều doanh nghiệp cần phải đổi mới để bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích của lao động nữ. Đồng thời, cần có những giải pháp để nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự hiểu biết về pháp luật từ phía lao động nữ. Các giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và lao động nữ có thể tạo ra nền tảng vững chắc, bảo đảm cuộc sống của công nhân nói chung và công nhân nữ ngoại tỉnh nói riêng, góp phần phát triển lực lượng lao động này.

Còn trên khía cạnh sức khỏe sinh sản, cũng cần có những trung tâm tư vấn, thăm khám thường xuyên sức khỏe của nữ công nhân, tuyên truyền các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Hãy coi những gia đình “gá tạm” là những gia đình đặc biệt, để có những chính sách, cách tuyên truyền đúng cách, đúng vấn đề mà họ quan tâm để họ có những hiểu biết nhất định. Không chỉ vậy cần nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức của một bộ phận thanh niên hiện nay, nhiều nữ công nhân sống buông thả, không theo một khuôn phép của đạo đức truyền thống, đến khi xảy ra hậu quả thì không có con đường nào khác là phải đánh rơi hòn máu của mình.

Để cuộc sống của nữ công nhân tại các KCN, KCX bớt đi phần nào khó khăn và tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi xung quanh các khu này không còn đòi hỏi sự tổng lực của nhiều cấp nhiều ngành đặc biệt là sự quan tâm của giới chủ đối với công nhân nữ. Tuy chưa phải là một vấn đề xã hội, mới chỉ là hiện tượng không phổ biến, nhưng cũng cần có sự cảnh báo, để nó không trở thành vấn đề nổi cộm trong cộng đồng công nhân nữ đang có quá nhiều câu chuyện đáng bàn.

Hà Châu  

Cần có môi trường sống lành mạnh

Quá trình phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất đã và đang hình thành những cụm dân cư mới. Thời gian đầu, nói chung người lao động chỉ hướng đến mục tiêu chung là tạo ra sản phẩm để kiếm thu nhập, nên cuộc sống “bên ngoài hàng rào” của họ chỉ là những nhu cầu sống tối thiểu, giản đơn và có phần tạm bợ. Nhưng để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, họ cần có cơ sở vật chất tối thiểu nhằm phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình sau thời gian lao động trong doanh nghiệp. Vì vậy, người sử dụng lao động cần có trách nhiệm với cuộc sống “bên ngoài hàng rào” của người lao động bằng cách phối hợp với Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và sự đóng góp của bản thân người lao động để xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho người lao động. Với mục tiêu hướng tới là xây dựng đời sống văn hóa cụm dân cư  bên ngoài doanh nghiệp nhằm tổ chức đáp ứng các yêu cầu về văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú của dân cư ở đây, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng phát triển tốt nhất về nhân cách, đồng thời phải hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống con người, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc, của cộng đồng được dân cư từ các nơi mang đến trong quá trình hội nhập trở thành văn hóa chung tiêu biểu cho cộng đồng dân cư mới.

Bà Phạm Nguyên Cường

Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh Xã hội

Hệ lụy của việc thiếu mục đích sống lâu dài

Có một thực tế đáng buồn là công nhân nữ (tại các khu công nghiệp, khu chế xuất) xa nhà, thiếu thốn tình cảm, tiền lương thấp, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, hiểu biết về sức khỏe sinh sản hạn chế nên nhiều chị em đã quyết định thuê nhà ở chung với bạn trai và để lại những hậu quả đau lòng. Song cũng phải nhắc đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề này, họ chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc mà thiếu đi sự quan tâm đến đời sống của công nhân. Hiện nay, các chế độ đối với công nhân nói chung và công nhân nữ nói riêng tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn quá hạn chế, chế độ thai sản chưa được đảm bảo... Điều này khiến công nhân nữ không có tư tưởng gắn bó với doanh nghiệp, và hệ lụy là không có mục đích sống lâu dài.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, trong đó có lao động nữ. Chúng tôi đang cố gắng trong việc tuyên truyền đến giới chủ sử dụng lao động về các chế độ, chính sách với công nhân, đồng thời kết hợp với họ trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, hiểu biết về sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng

Phó ban Nữ công - Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

 Doanh nghiệp và chính quyền cần quan tâm hơn

Thâm niên nhiều năm làm tư vấn chương trình sức khỏe sinh sản cho các bạn trẻ trên đài phát thanh, thông qua các cuộc điện thoại đã cho tôi thấy sự hiểu biết về giới tính của các bạn là rất hạn chế. Phần lớn trong số các cuộc điện thoại gọi đến chương trình là của các bạn nữ công nhân, đôi khi cả nam công nhân đang làm việc trong các KCN, KCX. Các bạn có những thắc mắc tôi cho rằng ngô nghê ở độ tuổi của mình, chứng tỏ các bạn chưa hề được tuyên truyền, giáo dục một cách triệt để, và không ít trường hợp xảy ra hậu quả nhưng không biết xử lý ra sao. Tôi không đồng tình với quan niệm nói nhiều về giới tính là vẽ đường cho hươu chạy mà theo tôi cần phải vẽ đường để hươu chạy đúng vì nếu chúng ta không giáo dục chính thống thì các bạn trẻ sẽ có hành động bừa bãi qua những trang sách đen và như thế, hậu quả để lại còn lớn hơn. Để nữ công nhân lao động có cuộc sống bình ổn như những người phụ nữ khác, tôi nghĩ, sự quan tâm của doanh nghiệp còn chưa đủ mà là các cấp chính quyền nơi tập trung đông các khu nhà của công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, cần có phát huy trách nhiệm của mình, tổ chức những lớp tập huấn, tuyên truyền, đặc biệt nêu cao ý thức đạo đức với mỗi nữ công nhân, không để tình trạng sinh hoạt của nữ công nhân nghèo nàn như hiện nay.

Bác sỹ Nguyễn Thu Giang

Trung tâm tư vấn Ngôi nhà tuổi trẻ, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh