Lãng phí nguồn nhân lực trở về từ Nhật Bản

ANTĐ - Phát biểu tại hội thảo “Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam” - ông Katsuro Nagai, Công sứ kinh tế (Đại sứ quán Nhật Bản) cho biết, hiện có 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Những doanh nghiệp này đều đang thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật. 

Lãng phí nguồn nhân lực trở về từ Nhật Bản ảnh 1Những thực tập sinh Việt Nam trở về từ Nhật Bản là nguồn vốn quý

Chưa sử dụng hiệu quả

Những năm gần đây, số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản gia tăng một cách mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2014, có hơn 16 nghìn thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Năm 2015, con số này tăng lên hơn 27 nghìn người.

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Nguyễn Lương Trào cho rằng, thực tập sinh Việt Nam từ Nhật Bản trở về đã có nhiều tiến bộ về cả kỹ năng nghề, thái độ tác phong lao động và trình độ ngoại ngữ. Dưới góc độ phát triển nguồn nhân lực, đây chính là một bộ phận nguồn lao động trẻ đáng quý cần được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả. Đặc biệt, khi làn sóng đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất chế tạo từ Nhật Bản vào Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ.

Ông Katsuro Nagai nhận định, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ còn tăng lên. Nhu cầu của các doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đang là vấn đề đáng quan tâm.

Theo một khảo sát của Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Nhật Bản, có đến 80% doanh nghiệp được khảo sát trả lời họ đang thiếu công nhân có trình độ kỹ thuật. Việt Nam đang có một đội ngũ lao động tiềm năng, đó là những cựu tu nghiệp sinh từ Nhật Bản. Tuy nhiên, một phần không nhỏ trong số đó không phát huy được những kỹ năng và kinh nghiệm đã được học gây nên lãng phí nguồn nhân lực.

Phải kết nối với các doanh nghiệp 

Các chuyên gia lao động cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực trên là do sự kết nối thông tin giữa người lao động và các doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự bất cập về phân bố ngành nghề sử dụng lao động đã tạo ra sự mất cân đối về nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ thực tập sinh chưa có chí hướng và quyết tâm trong quá trình tu nghiệp ở Nhật Bản để nâng cao trình độ của mình. Những người này khi trở về chắc chắn sẽ gặp khó khăn để tìm được việc làm thích hợp, phát triển nghề nghiệp.

Theo ông Nguyễn Lương Trào, để phát huy tối đa năng lực của thực tập sinh khi hoàn thành hợp đồng về nước, cần phải chuẩn bị phát triển tương lai nghề nghiệp và năng lực cho thực tập sinh từ trước khi xuất cảnh và ngay trong quá trình tu nghiệp ở Nhật Bản. Bởi nếu có sự định hướng ngay từ đầu thì tỉ lệ thực tập sinh có trình độ, năng lực khi trở về càng cao. Bản thân một thực tập sinh có năng lực toàn diện càng tốt thì điều kiện và hiệu quả phát huy năng lực sẽ lớn hơn rất nhiều.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần nhân lực LOD Phạm Ngọc Dũng cho rằng, để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Việt Nam thông qua chương trình thực tập sinh, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần làm tốt công tác tư vấn việc làm sau khi về nước.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần phải phối hợp chặt chẽ với các trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, cung cấp thông tin về các vị trí công việc thích hợp nhất cho việc phát huy năng lực của người lao động. Bên cạnh đó, cần tổ chức đào tạo một số kỹ năng mềm và hỗ trợ xin việc làm cho lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cần lao động có tay nghề, trình độ.