Lắng nghe tiếng… thở dài

ANTĐ - Tôi để ý thấy ông rất hay thở dài. Liệu ông có đếm được một ngày thở dài bao nhiêu lần không?

- Ông đúng là rỗi hơi, thiếu gì chuyện đáng nói mà lại lôi chuyện thở ngắn, thở dài.

- Đây là chuyện khoa học nghiêm túc và thú vị, ông nên lắng nghe, có khi vận vào mình mà không biết. Các chuyên gia của trường ĐH California và Stanford bên Mỹ vừa rút ra kết luận nghiên cứu rằng, thở dài không phải lúc nào cũng chứng tỏ cơ thể lẫn tinh thần mệt mỏi, chán nản.

- Nghe ra cũng có lý. Vậy họ giải thích ra sao?

- Lý thú, kỳ diệu lắm! Phổi con người có diện tích tương đương một sân tennis, được xếp lại bên trong lồng ngực, với khoảng 500 triệu túi phổi nhỏ để đưa đủ lượng oxy vào máu.

- Đúng là tạo hóa kỳ diệu thật, nhưng tôi chả thấy dính dáng gì tới chuyện thở dài cả.

- Ông cứ thở dài vài cái đi rồi tôi nói tiếp. Các nhà khoa học cho biết, nếu con người không thể thở dài, các túi phổi chẳng thể bơm căng lồng ngực, thì não sẽ thiếu oxy nên không kích hoạt được 400 dây thần kinh để tiết ra các chất gây hưng phấn, hành động.

- Khoa học rắc rối thật. Tôi chỉ hiểu thô thiển là khi căng thẳng, bức xúc chuyện gì đó thì cần thở dài, thở sâu. Chẳng hạn mấy bữa nay, dân tình thở dài về việc ông xăng dầu “ăn” chênh lệch thuế nhập khẩu hàng trăm tỷ đồng từ túi của người tiêu dùng.

- Tôi cũng nghe nhiều người thở dài vì giá cước phí đường BOT sắp bị chủ đầu tư “quát” lên cao ngất.

- Dân tình thở dài thườn thượt. Nhưng quan trọng là, họ có nghe thấy không, có cùng nhịp thở với dân hay không. Thở dài giúp não bộ không rơi vào trạng thái trơ lì, vô cảm, xơ cứng.