Làm tất cả để bệnh nhân hài lòng

ANTĐ - Ngành y tế đang triển khai những hành động cụ thể để thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Cuối tuần qua, sau khi Hà Nội yêu cầu 100% bệnh viện ký cam kết thực hiện đổi mới thái độ phục vụ, Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng ra quân triển khai chiến dịch tiếp sức người bệnh quy mô lớn.

Cấm y bác sĩ “gợi ý” tiền quà

GS Đỗ Tất Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Vinmec chia sẻ, muốn người bệnh hài lòng thì điều đầu tiên bệnh viện phải đảm bảo cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị thuận tiện cho việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Cùng với đó, công tác nắm bắt những phản ánh của người bệnh cần phải được chú trọng. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, không phải bệnh viện nào cũng có điều kiện để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhất, do đó để đảm bảo sự hài lòng của người bệnh cần có những giải pháp phù hợp với từng bệnh viện.

Làm tất cả để bệnh nhân hài lòng ảnh 1

Năm nay sẽ có 3.000 tình nguyện viên tham gia tiếp sức người bệnh tại các bệnh viện

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, ông Vũ Đình Hưng – Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, ngày 20-5 vừa qua, Bệnh viện đã tổ chức ký cam kết với các khoa phòng, yêu cầu thực hiện phương châm “lấy bệnh nhân làm trung tâm”. Bên cạnh đó, Bệnh viện khuyến khích các khoa phòng tự giác khai báo các sự cố y khoa tới Phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện để cùng tìm ra phương án khắc phục. Bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, mời chuyên gia đến nói chuyện để nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho nhân viên y tế, tăng cường mối quan hệ giữa bệnh viện – bệnh nhân.

Cuối tuần qua, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu 100% bệnh viện của thành phố phải triển khai ký cam kết về việc nâng cao, đổi mới thái độ phục vụ người bệnh. Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi triển khai một thời gian, các bệnh viện nhất thiết phải đạt được thay đổi rõ rệt. Muốn vậy, từng cán bộ, nhân viên y tế phải niềm nở đón tiếp, tận tình hướng dẫn bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân; tuyệt đối không vụ lợi từ người bệnh, người nhà người bệnh; không có biểu hiện ban ơn, gợi ý tiền quà, không phân biệt đối xử dưới mọi hình thức.

“Tiếp sức người bệnh” trong bệnh viện

Ngày 4-7, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Bộ Y tế đã tổ chức Lễ ra quân Chương trình “Tiếp sức người bệnh”, nhằm giúp đỡ, chỉ dẫn, hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà tại các bệnh viện tiếp cận nhanh với các dịch vụ, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh; giảm tải được 30% công tác của điều dưỡng viên, nhân viên hành chính; giảm được 80 - 90% tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện; góp phần làm giảm tình trạng “cò” bệnh viện…

Bác sĩ Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, trong năm 2015, chương trình sẽ được tổ chức tại 30 bệnh viện ở 5 thành phố: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ với gần 3.000 tình nguyện viên tham gia. Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế đầu tiên triển khai chương trình này. Từ năm 2016 đến năm 2020, chương trình sẽ được tổ chức ở 90 bệnh viện trên toàn quốc với hơn 10.000 tình nguyện viên tham gia. Thanh niên tình nguyện sẽ tham gia tiếp đón, giúp đỡ bệnh nhân và người nhà tới khám ngay từ cổng bệnh viện, hướng dẫn thủ tục nhập viện, lấy phiếu khám; quy trình xin cấp các giấy tờ cần thiết; nhắc nhở bệnh nhân và người nhà không hút thuốc lá trong bệnh viện... 

Hà Nội mở phòng khám miễn phí 

Ngày 5-7, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bác sĩ gia đình TP Hà Nội đã chính thức đưa vào hoạt động Phòng khám chữa bệnh nhân đạo. Phòng khám sẽ định kỳ hoạt động vào ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 300-400 người dân theo các chuyên khoa.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, “Tiếp sức người bệnh” là một trong những hoạt động trọng tâm của kế hoạch triển khai Đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dù ngành y đã có nhiều nỗ lực song trong điều kiện hiện nay, tai biến y khoa vẫn luôn rình rập, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực, là “những con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người cán bộ y tế. “Đề án chính là giải pháp mang tính đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện cách nghĩ, cách làm của từng cán bộ y tế khi phục vụ người bệnh” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.