Chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV:

Làm rõ địa chỉ trách nhiệm đối với vi phạm trật tự xây dựng

ANTD.VN - Hôm qua 5-7, HĐND TP Hà Nội dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về các nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm, trong đó nổi lên vấn đề vi phạm trật tự xây dựng.

Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 4, HĐND TP đã dành phiên làm việc buổi sáng để tái chất vấn 3 nhóm vấn đề được chất vấn qua nhiều kỳ họp, song đa số cử tri vẫn quan tâm đó là phòng cháy chữa cháy, quản lý đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Làm rõ địa chỉ trách nhiệm đối với vi phạm trật tự xây dựng ảnh 1Các trạm trộn bê tông tại huyện Hoài Đức gây ô nhiễm môi trường

Vi phạm dai dẳng, vì sao chưa dứt điểm?

Bước vào phần chất vấn trực tiếp, đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) nêu số liệu 985 công trình xây dựng vi phạm chưa được xử lý dứt điểm mặc dù thanh tra xây dựng đã lập hồ sơ vi phạm chuyển đến các cấp chính quyền. Ví dụ như khu đất nông nghiệp tại phường Định Công, quận Hoàng Mai; các trạm trộn bê tông xây dựng không phép tại huyện Hoài Đức, Đông Anh; công trình nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh.

Đại biểu Vũ Ngọc Anh đề nghị: “UBND TP cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của chính quyền các cấp và giải pháp thời gian tới của UBND TP để giải quyết dứt điểm vi phạm và không để tiếp tục xảy ra các vi phạm nghiêm trọng như vậy?”.

Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ Thường Tín) chất vấn về việc vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công diễn biến phức tạp, một số công trình vi phạm chưa được xử lý dứt điểm và có chiều hướng gia tăng ở địa phương ví dụ như ở huyện Mê Linh, huyện Thanh Trì, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn... “Trách nhiệm của chính quyền quận, huyện, xã, phường như thế nào?”, đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng đặt câu hỏi. 

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế - HĐND TP Hà Nội chất vấn về vi phạm trật tự xây dựng tại khu đô thị, xây dựng sai mật độ, chuyển đổi công năng công trình phụ trợ thành nhà ở... khiến người dân bức xúc: “Vậy trách nhiệm của UBND TP, của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng ở đâu? Làm sao giải quyết dứt điểm những tồn tại cũ và cách nào để không tái phát?”. 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công còn có sự biến tướng của khâu dồn điền đổi thửa, một loạt các khu xây dựng là trang trại sinh thái đang biến thành các lô biệt thự để sang nhượng. “Chúng ta phải giải quyết tình trạng này như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Hoài Nam hỏi. 

Kiên quyết xử lý nghiêm

Trả lời chất vấn về xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết, do những nguyên nhân trong quá trình phát triển cùng với việc quản lý Nhà nước ở một số thôn, xóm còn yếu kém đã dẫn đến những vi phạm. Ông Phạm Văn Châm thừa nhận, có thời điểm, chính quyền đã buông lỏng quản lý, khi phát hiện sai phạm không xử lý dứt điểm.

Thông tin cụ thể hơn về những sai phạm tại xã Hải Bối, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, trách nhiệm trực tiếp thuộc về chính quyền cơ sở, huyện đã có kiểm điểm trách nhiệm. Cùng với đó, UBND huyện cũng có trách nhiệm trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm. “UBND huyện xin rút kinh nghiệm và sẽ tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại này trong thời gian tới”, ông Phạm Văn Châm nói.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho hay, số liệu thanh tra xây dựng huyện thống kê được có 59 công trình nằm rải rác ở 16 xã, thị trấn có vi phạm. “6 tháng đầu năm, chúng tôi đã giải quyết 38 công trình, trong đó 30 công trình người dân tự tháo dỡ và 8 hộ xử lý cưỡng chế trong 2-3 ngày. Trong 21 hộ đang xử lý, việc làm nhà trên đất ruộng có 7 hộ. Việc xây trái phép trong quá trình dồn điền đổi thửa là có xảy ra và chúng tôi đã ngăn chặn kịp thời”, ông Đoàn Văn Trọng cho biết. 

Liên quan tới những vi phạm về trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho rằng, vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, tạo ra những nguy cơ đối với công tác quản lý trật tự đô thị của thành phố. Tình trạng vi phạm khắc phục chưa triệt để dù đã có cố gắng, tập trung giải quyết.

Ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, cần nhận dạng, đánh giá chính xác về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, vùng ngoại ô, vùng nông thôn; hành lang an toàn đê điều, hành lang an toàn điện.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, hiện nay, các quy định về xử lý vi phạm đã rất đầy đủ. Do đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý, nhất là bộ máy ở cơ sở. Cần sàng lọc, xây dựng bộ máy để quản lý chặt chẽ, kiên quyết xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm….