Lạm phát, thiểu phát

(ANTĐ) - Lạm phát chưa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện hai chữ “thiểu phát”. Nói nôm na, đây là “căn bệnh” của nền kinh tế, cả hai đều khó chữa. Lạm phát ví như bị huyết áp cao, dễ bị đột quỵ. Thiểu phát ví như bị huyết áp thấp cứ xỉu dần.

Lạm phát, thiểu phát

(ANTĐ) - Lạm phát chưa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện hai chữ “thiểu phát”. Nói nôm na, đây là “căn bệnh” của nền kinh tế, cả hai đều khó chữa. Lạm phát ví như bị huyết áp cao, dễ bị đột quỵ. Thiểu phát ví như bị huyết áp thấp cứ xỉu dần.

Theo từ điển kinh tế, lạm phát là sự mất giá của đồng tiền, hay giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng cao. “Cơ thể” kinh tế Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã trải qua ba đợt lạm phát đáng nhớ. Đợt 1, tốc độ tăng giá tiêu dùng lên tới 146,3%. Đợt 2, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 13,5%.

Đợt 3, năm 2007-2008 với tốc độ tăng giá bình quân 18,2%, trong đó ước tính năm 2008 tăng 24%. Thiểu phát là sự lên giá của đồng tiền, hay giá cả hàng hóa và dịch vụ giảm. Nước ta cũng đã “nếm trải” ba đợt thiểu phát, giá tiêu dùng chỉ tăng 5,2%, thậm chí chỉ còn 1,44%.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát và thiểu phát xuất hiện theo một quy luật. Sau thời kỳ lạm phát cao thường có một năm hoặc một vài năm thiểu phát. Vậy thì ai phải gánh chịu hậu quả của hai căn bệnh này? Khi lạm phát, đương nhiên là người tiêu dùng, nhất là người nghèo, sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng mạnh nhất. Cùng một đồng tiền nhưng mua được ít hơn do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao.

Khi thiểu phát thì người tiêu dùng lại được hưởng lợi. Vấn đề đáng bàn là cả lạm phát và thiểu phát đều khiến người sản xuất kinh doanh lao đao, khốn đốn. Khi lạm phát thì chi phí đầu vào tăng, nếu giá cả đầu ra tăng cao hơn thì có lãi, còn đầu ra tăng thấp hơn thì sẽ lỗ. Nếu tính toán không giỏi, tưởng rằng lãi lại hóa ra lỗ. Lạm phát cao, tiền tệ sẽ bị thắt chặt, khi đó người sản xuất kinh doanh khó chạm tới vốn vay.

Mặc dù kinh tế nước ta chưa “đổi màu” từ lạm phát sang thiểu phát, song đã “lấp ló” dấu hiệu thiểu phát. Dấu hiệu này lại cộng hưởng với nhập khẩu thiểu phát của thế giới. Dưới con mắt của các nhà kinh tế, khi thiểu phát, chi phí nguyên vật liệu và chi phí vốn vay giảm, nhưng khâu tiêu thụ còn giảm hơn. Có hai điểm cần cảnh báo trong thời kỳ thiểu phát.

Một là người tiêu dùng có tâm lý thắt chặt “hầu bao” chờ đợi giá cả giảm xuống nữa nên không mạnh tay chi tiêu khiến cho nhu cầu sản xuất giảm. Hai là hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ gia tăng và sẽ càng tăng mạnh nếu trên thế giới cũng xuất hiện thiểu phát. Khi đó, hệ lụy tất yếu là nhập siêu sẽ gia tăng, nhưng đây là nhập siêu giảm phát dẫn đến sản xuất trong nước trì trệ.

Lạm phát hay thiểu phát, rõ ràng không phải là chuyện “lựa chọn”. Cái khó của các nhà hoạch định chính sách vĩ mô là: Khi lạm phát thì phải thắt chặt tiền tệ, hạn chế tiền ra lưu thông. Khi thiểu phát lại phải nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng. Có ý kiến cho rằng, không nên dùng “ưu tiên kiềm chế lạm phát” mà nên ưu tiên chống nguy cơ suy thoái kinh tế trong mục tiêu và giải pháp năm 2009.

Đan Thanh