Làm gì để phản ánh đúng chất lượng

(ANTĐ) - Có thể nói việc xếp hạng các trường Đại học và Cao đẳng là một trong những giải pháp của Bộ GD&ĐT nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên cho đến nay biện pháp này hoàn toàn mới ở Việt Nam cả về lý luận lẫn thực tiễn. Có những câu hỏi vẫn còn có sự tranh luận như: nội dung cần được xếp hạng, các tiêu chí và trọng số để xếp hạng, cách thức thu thập thông tin, dữ liệu để xếp hạng, ai sẽ đứng ra đảm nhiệm công việc này và ai là người công bố kết quả xếp hạng…

Xếp hạng các trường ĐH&CĐ:

Làm gì để phản ánh đúng chất lượng

(ANTĐ) - Có thể nói việc xếp hạng các trường Đại học và Cao đẳng là một trong những giải pháp của Bộ GD&ĐT nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên cho đến nay biện pháp này hoàn toàn mới ở Việt Nam cả về lý luận lẫn thực tiễn. Có những câu hỏi vẫn còn có sự tranh luận như: nội dung cần được xếp hạng, các tiêu chí và trọng số để xếp hạng, cách thức thu thập thông tin, dữ liệu để xếp hạng, ai sẽ đứng ra đảm nhiệm công việc này và ai là người công bố kết quả xếp hạng…

Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Nghiên cứu phát triển giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội sau nhiều năm nghiên cứu đã đưa ra các tiêu chí để xếp hạng các trường Đại học và Cao đẳng (ĐH&CĐ) Việt Nam. Các tiêu chí xếp hạng này được đúc rút qua những ưu điểm từ các mô hình xếp hạng của nhiều nước trên thế giới nhưng phản ánh được bản sắc của Việt Nam. Việc xếp hạng các trường ĐH&CĐ được áp dụng trên 2 lĩnh vực là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, mỗi lĩnh vực đều có 7 tiêu chí. Trên cơ sở của những tiêu chí này, Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Nghiên cứu phát triển giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm xếp hạng các trường Đại học Việt Nam. Song, do mới chỉ là nghiên cứu thử nghiệm nên những kết quả này vẫn chưa được công bố chính thức.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Phạm Thị Ly - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen - TP Hồ Chí Minh, thực tế trên thế giới cho thấy việc xếp hạng ĐH&CĐ sẽ có những tác động lớn đến việc giáo dục đại học cũng như đối với các bên liên quan (Nhà nước, nhà trường, giảng viên, sinh viên…). Trước hết nó ảnh hưởng đến uy tín của các trường và cá nhân những người lãnh đạo các trường đó. Kết quả xếp hạng cũng sẽ tác động đến việc phân bổ ngân sách cho giáo dục và ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của các sinh viên. Ngoài ra kết quả xếp hạng đại học cũng ảnh hưởng đến quyết định chọn nơi làm việc của các nhà khoa học, các giảng viên. Còn đối với nhiều nhà tuyển dụng, kết quả xếp hạng của các trường cũng có tác động đến quyết định của họ khi chọn người làm việc.

Có một thực tế ở nước ta hiện nay, tuy chưa có một bảng xếp hạng chính thức nào song lại tồn tại một bảng xếp hạng đại học “ngầm” dựa trên điểm thi đầu vào. Trên cơ sở tiêu chí này, người ta ngầm hiểu các trường đại học ở Việt Nam gồm có 3 loại: loại 1 gồm các trường đại học có điểm đầu vào từ 24 điểm trở lên, loại 2 điểm trung bình giữa loại 1 và điểm sàn và loại 3 là điểm sàn.

Ngoài ra theo PGS.TS Nguyễn Chí Hòa, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng đào tạo (Trường Đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) có một số nguyên nhân làm khó cho việc phát triển đại học nói chung và xếp hạng đại học Việt Nam nói riêng mà trước hết là độ chính xác của các số liệu được cung cấp. Do tâm lý “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại” nên người xếp hạng sẽ khó lấy được các số liệu chính xác vì dữ liệu do các trường cung cấp nhiều khi chưa có độ tin cậy cao. Còn nếu căn cứ vào các thông số trên bảng báo cáo thành tích hay các website thì ai sẽ là người kiểm tra các thông số này? Bên cạnh đó, việc chọn bộ tiêu chí nào để xếp hạng các đại học Việt Nam cũng chưa có một quan điểm thống nhất.

Số liệu của Vụ Đại học và Sau Đại học - Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 8-2009 trên cả nước có 226 trường Cao đẳng, 150 trường Đại học và 71 Viện nghiên cứu có đào tạo sau đại học. Trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục đại học, không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc xếp hạng các trường đại học. Tuy nhiên, làm thế nào để tránh việc đánh giá kiểm định nói chung và xếp hạng nói riêng trở thành việc thuần túy để khoe thành tích hơn là sự nỗ lực tìm kiếm những mặt còn hạn chế để cải tiến vươn lên vẫn còn là câu hỏi đang chờ sự giải đáp.

Hoàng Việt Hà

Có thể thực hiện nếu các trường tham gia nghiêm túc

H iện nay, Việt Nam cần thiết nên có một bảng xếp hạng các trường ĐH. Bộ tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại các trường ĐH đã được xây dựng lần đầu tiên cách đây 3 năm, nhưng tiêu chuẩn này chưa trọn vẹn, nó vẫn pha trộn giữa đánh giá về hành chính và học thuật. Các trường ĐH cũng muốn phân ngôi trong làng ĐH Việt Nam. Nếu bảng xếp hạng được lập ra, người ta cũng e dè về tính khách quan, các trường cũng chưa sẵn sàng cho việc xếp hạng, vì họ chưa công bố đầy đủ những thông tin liên quan đến các khía cạnh của bảng xếp hạng. Theo tôi, những tiêu chí cơ bản để đánh giá xếp loại các trường ĐH nên là: Đánh giá về số lượng học sinh, giáo viên, tỷ lệ giữa học sinh và giáo viên; Chi phí đơn vị để đào tạo ra một sinh viên tốt nghiệp; Điều kiện cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm...; Kết quả nghiên cứu khoa học... Ví dụ như số đề tài, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản phẩm khoa học ứng dụng trong đời sống... Đó là những tiêu chí cơ bản, ngoài ra còn rất nhiều những tiêu chí khác. Và có thể thực hiện được bảng đánh giá xếp hạng nếu như các trường ĐH tham gia nghiêm túc.

Tiến sĩ Lê Đông Phương
 Giám đốc  Trung tâm nghiên cứu giáo dục và nghề nghiệp (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)

Cần đầu tư cho công tác xếp hạng trường ĐH

Xếp hạng các trường ĐH&CĐ tại Việt Nam là một cách tiếp cận để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng, công khai các nguồn lực và sản phẩm đầu ra với xã hội. Nó không chỉ để bảo vệ lợi ích “khách hàng” của các cơ sở giáo dục ĐH mà còn để bảo vệ chính quyền lợi của các trường, những trường có thứ hạng cao sẽ đủ minh chứng thuyết phục cho việc khai thác và tìm kiếm các nguồn đầu tư, các dự án. Nhưng nếu việc xếp hạng không phản ánh được hai hoạt động chính là “giảng dạy” và “nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ” thì đông đảo các tầng lớp trong xã hội có thể không hiểu hết được “chất” thực sự của các cơ sở giáo dục ĐH.

Kết quả xếp hạng sẽ phản ánh đúng hơn “chất” của từng trường, nếu như việc xếp hạng được thực hiện bởi những tổ chức học thuật có chuyên môn về đo lường đánh giá. Về phía các trường ĐH, lãnh đạo các trường nên có những đầu tư nhất định cho trung tâm/ bộ phận đảm bảo chất lượng để họ có đủ năng lực và các nguồn lực để hàng năm triển khai các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng của trường, đồng thời cập nhật kịp thời các số liệu thống kê toàn diện về nhà trường và chia sẻ các số liều này để nhóm nghiên cứu thực hiện việc xếp hạng các trường ĐH&CĐ.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga
Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Nghiên cứu phát triển giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Không nên chạy theo các tiêu chuẩn quốc tế

Trên thế giới hiện nay có nhiều tổ chức xếp hạng các trường đại học, tuy nhiên mỗi tổ chức lại có những tiêu chuẩn xếp hạng khác nhau. Chúng ta không nên chạy theo các tiêu chuẩn quốc tế này mà trước mắt cần tập trung làm tốt việc đánh giá, kiểm định chất lượng của các trường đại học. Sau khi làm công tác đánh giá, kiểm định cần công khai hóa các kết quả này để biết được các trường mạnh gì và yếu gì để có phương hướng khắc phục. Trên cơ sở đó mới có thể tiến hành việc xếp hạng.

Tuy nhiên trên thực tế cho đến nay tính khoa học của xếp hạng các trường đại học tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải được quan tâm. Ngoài ra việc xếp hạng các trường đại học rất phức tạp vì kết quả xếp hạng sẽ vô tình tạo ra áp lực cho các trường, mặt khác một số trường vì “bệnh thành tích” sẽ chạy theo các tiêu chuẩn xếp hạng mà không quan tâm đến đặc điểm của trường và yêu cầu xã hội.

GS.TS Trần Hồng Quân
Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập

Còn nhiều bất cập

Hiện nay có hai bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, một cho các trường ĐH và một cho các trường CĐ. Tuy nhiên, theo tôi nội dung của hai bộ tiêu chuẩn này không có sự khác biệt cơ bản... Bộ tiêu chuẩn còn rườm rà và dàn trải quá. Không tập trung làm nổi bật các mục tiêu cuối cùng là dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Nên nghiên cứu những bộ tiêu chuẩn mới gọn ghẽ hơn, tập trung vào những mục tiêu chất lượng nổi bật của từng loại trường ở các cấp độ khác nhau.

Về quy trình tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay khá nặng nề, tốn kém nhiều công sức và thời gian (quy trình có 4 bước: tự đánh giá, đánh giá ngoài, Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định lại, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định công nhận (hoặc không công nhận) trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Nên giao việc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cho một cơ quan độc lập ngoài Bộ GD&ĐT phụ trách. Điều này có thể dựa vào xã hội dân sự (đang dần hình thành trong xã hội ta) để việc kiểm định được khách quan, làm cho giáo dục gắn với nhu cầu kinh tế xã hội hơn, tăng tính cạnh tranh của các trường hơn.

PGS.TS Nguyễn Đức Phong
Ủy viên Hội đồng quản trị Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM