Lại một trường hợp bị... trao nhầm con 29 năm trước

ANTĐ - “Hơn 20 năm sống cùng bố mẹ, được chăm sóc, yêu thương hết mực, chưa bao giờ tôi nghĩ mình không phải là con ruột của ông bà. Nên khi biết mình mang dòng máu khác, tôi đã vô cùng tuyệt vọng, còn bố mẹ tôi thì lúc nào cũng thấp thỏm lo âu”…

Lại một trường hợp bị... trao nhầm con 29 năm trước ảnh 1

Chị Lê Thanh Hiền và bà Phan Tuyết Hoa

Bị trao nhầm khi đưa con đi tắm?

Trên đây là chia sẻ của chị Lê Thanh Hiền (SN 1987), ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội với phóng viên ANTĐ. Chị Hiền cho biết, có lẽ với chị, quãng thời gian gần 3 năm qua dường như dài đến vô tận. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày hy vọng được thắp lên rồi lại nhanh chóng vụt tắt.

Chị kể, ngay từ nhỏ, chị đã có ngoại hình khác biệt so với bố mẹ. Nếu bố mẹ chị có dáng người nhỏ nhắn, da ngăm đen và mắt hai mí thì chị lại có nước da trắng, dáng cao to và mắt một mí. Do đó, họ hàng, làng xóm mỗi khi nhìn thấy chị hay trêu đùa: “Con mà chẳng giống bố mẹ chút nào, chắc con nuôi rồi”! Tuy vậy, bố mẹ chị Hiền vẫn không chút mảy may nghi ngờ, thậm chí còn rất tự hào vì cho rằng chị đã được thừa hưởng những nét đẹp nhất của hai bên nội, ngoại. 

Đến khi chị Hiền sinh con, do phải làm thủ tục xét nghiệm máu nên chị mới biết mình thuộc nhóm máu B, trong khi mọi người trong gia đình mang nhóm máu O, chị bắt đầu nghi ngờ. Chị đã tham khảo ý kiến của khá nhiều bác sỹ thì được biết, bố mẹ mang nhóm máu O thì việc sinh ra con có nhóm máu B là điều rất khó xảy ra.

Do vậy, chị Hiền đã bí mật lấy mẫu tóc của bố mẹ và bản thân đi giám định ADN. “3 ngày chờ đợi kết quả là 3 ngày tôi lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Tôi luôn cầu mong kết quả không giống như tôi vẫn linh cảm. Nhưng cuối cùng thì điều gì đến đã đến. Cầm tờ giấy trên tay với kết luận tôi không phải con ruột của bố mẹ, tôi có cảm giác đất dưới chân mình như sụp xuống” - chị Hiền nghẹn ngào.

Sau một tuần suy nghĩ, chị Hiền quyết định nói với mẹ toàn bộ sự thật. Trong một buổi hai mẹ con đi dạo, chị Hiền đã hỏi mẹ: “Mẹ nói thật đi, có phải mẹ xin con làm con nuôi không”. Mẹ chị quả quyết: “Mẹ khỏe mạnh bình thường sao phải xin con nuôi. Mẹ mang nặng đẻ đau con thế nào, mọi người trong gia đình đều biết”. Nghe mẹ nói vậy, chị Hiền đã đưa ra tờ kết quả xét nghiệm ADN. Rồi hai mẹ con cùng ôm nhau khóc. 

Sau đó, mẹ chị Hiền đã kể lại khá chi tiết cái đêm bà đi sinh tại nhà hộ sinh Đống Đa ở ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên, Hà Nội.

“Mẹ tôi đến nhà hộ sinh khoảng 1h đêm 12-12-1987, đến 4h35 sáng thì sinh tôi. Tuy vậy, đến gần 4 giờ đồng hồ sau, mẹ tôi mới được nhận con. Trong thời gian đó, bố tôi đã giao em bé cho nhân viên y tế tắm rửa, thay tã. Mẹ tôi nghi ngờ tôi bị trao nhầm trong khoảng thời gian này nên đã cùng tôi quay trở lại nhà hộ sinh tìm kiếm thông tin. Tôi đã được xem lại quyển sổ ghi lại những ca đẻ trong ngày hôm đó, trong đó có ca của mẹ tôi cùng 2 trường hợp khác cũng sinh con gái, song địa chỉ sản phụ ghi rất chung chung, lại không có số chứng minh nhân dân nên rất khó tìm kiếm” - chị Hiền cho biết.

Vừa đau lòng vừa thương con

Hơn 3 năm nay, chị Hiền lặng lẽ đi tìm cha mẹ ruột của mình. Chị không dám công khai thông tin này hay nhờ đến sự giúp đỡ của ai vì sợ sẽ làm xáo trộn cuộc sống của nhiều gia đình. Mỗi khi xem một chương trình truyền hình hay một bài báo nào đó viết về mẹ, về những trường hợp bị thất lạc gia đình, chị lại âm thầm gạt nước mắt.

“Dù tôi không phải là con ruột của bố mẹ, nhưng điều đó không làm thay đổi tình cảm của tôi dành cho họ, thậm chí tôi còn yêu thương và biết ơn bố mẹ tôi hơn nhiều. Bởi, họ dù không sinh ra tôi nhưng luôn chăm sóc tôi như con ruột. Tôi muốn tìm lại người sinh ra mình, cũng là muốn tìm lại con ruột cho bố mẹ tôi, để họ được an yên lúc tuổi già” - chị Hiền bày tỏ mong muốn.

Về hoàn cảnh éo le của gia đình mình, bà Phan Tuyết Hoa (SN 1963), ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình - người mẹ nuôi mà từ trước đến nay chị Hiền vẫn ngỡ là mẹ ruột kể lại, ngay sau khi nhận được con vào sáng ngày 12-12-1987, khi thấy số ghi ở chân con hơi mờ, bà thắc mắc với chồng thì được ông giải thích “chắc do y tá tắm rửa làm mờ số” nên bà không mảy may nghi ngờ gì.

Trong suốt hơn 20 năm ở bên con, vợ chồng bà luôn nghĩ chị Hiền là con ruột, dù ngoại hình có hơi khác so với bố mẹ và cô em gái. 

“Chỉ đến khi biết cả nhà cùng nhóm máu O, mình cháu Hiền mang nhóm máu B thì tôi mới có chút băn khoăn. Rồi đến khi Hiền cho tôi xem kết quả ADN, tôi vẫn không muốn tin vào những gì mình đang thấy. Vậy là chỉ trong nháy mắt, đứa con tôi nuôi nấng bú mớm, nâng niu chăm sóc từ nhỏ bỗng chốc thành con nuôi, còn đứa con dứt ruột đẻ ra thì đang lưu lạc phương nào không biết. Điều này khiến vợ chồng tôi vừa thương con vừa rất đau lòng. Dù tình cảm của vợ chồng tôi dành cho cháu Hiền mãi mãi không thay đổi, nhưng từ tận đáy lòng, tôi luôn muốn tìm lại người con ruột của mình, để biết con hiện sống ra sao, có hạnh phúc không. Tôi cũng cầu mong trời Phật giúp Hiền sớm tìm lại bố mẹ ruột của con. Đến lúc đó chúng tôi mới sống than thản được” - bà Hoa chia sẻ.

Nhiều hệ quả pháp lý 
Về sự việc trên, theo luật sư Nguyễn Thành Trung - Đoàn Luật sư Hà Nội, do sự việc xảy ra đã khá lâu, cách đây gần 30 năm, những người làm việc tại Nhà hộ sinh Đống Đa hiện đã không còn công tác tại đó, hồ sơ lưu trữ thông tin sơ sài nên việc xác định trách nhiệm pháp lý của cá nhân, tổ chức liên quan không hề đơn giản.

Khi gặp những trường hợp nghi ngờ không phải con của mình, các bậc cha mẹ có thể đến các cơ sở y tế giám định ADN hoặc yêu cầu cơ sở hộ sinh, trạm xá, bệnh viện kiểm tra lại thông tin, đồng thời đăng tin tìm con trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu đánh tráo trẻ sơ sinh thì có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan công an.

Trong các trường hợp bị trao nhầm, nếu con tìm lại được bố mẹ ruột hoặc ngược lại thì cần tiến hành các thủ tục xác nhận về pháp lý. Việc trao nhầm con dẫn đến nhiều hệ quả pháp lý và xã hội phức tạp, đặc biệt là trong vấn đề thừa kế. Do đó, để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, ngay từ bây giờ, các cơ sở y tế cần tiến hành kiểm tra tổng thể và siết chặt quy trình về giao nhận trẻ sơ sinh.