Lại lo điện tăng giá?

ANTĐ - Cuối năm 2014, Tập đoàn Điện lực  Việt Nam (EVN) đã đề xuất các phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ, với mức tăng 9,5%. 

Tuy chưa có quyết định chính thức từ Bộ Công Thương, song nỗi lo tăng giá điện trong năm 2015 đang dần hiện rõ bởi đề xuất tăng giá điện được đưa ra với lý do giá mua than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn... EVN kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm bổ sung các chi phí đầu vào tăng thêm kể trên vào giá điện năm 2015. Như vậy có nghĩa là áp lực tăng giá điện trong năm 2015 là khó tránh khỏi. Giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng lên sẽ dẫn đến việc tăng giá điện trong năm 2015 khi tập đoàn này được phép điều chỉnh giá điện kịch trần đến 1.835 đồng/KWh (giá hiện tại ở mức 1.509 đồng/KWh). Bên cạnh đó, giá điện cũng được phép tăng tới 7% mà chỉ cần xin ý kiến Bộ Công thương.

Trong 3 năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xử lý xong tới 37.000 tỷ đồng lỗ, chiếm 97% tổng lỗ, lỗ cũ chưa dứt nay EVN lại tiếp tục bồi thêm khoản lỗ khủng như trên thì chưa biết khi nào mới cân bằng được. Năm 2013 EVN công bố lãi gần 5.000 tỷ đồng; kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 đã cho thấy công ty mẹ và các đơn vị của EVN đều có lợi nhuận. Tuy nhiên chỉ tiêu lợi nhuận của toàn Tập đoàn trong năm 2015 thì không được lãnh đạo EVN thông tin trong bản kế hoạch của mình.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Long, các doanh nghiệp độc quyền kêu lỗ đã trở thành một điệp khúc luôn được lặp đi lặp lại. Trong những năm gần đây, dù năm nào EVN cũng báo lỗ rồi đòi tăng giá nhưng đến cuối cùng, sau khi kiểm toán đầy đủ thì hầu như là lãi lớn. Không chỉ các chuyên gia mà dư luận cũng đều cho rằng EVN không thể báo lỗ rồi xin tăng giá bán điện! Những lý lẽ đổ lỗi cho việc tăng giá nguyên liệu đầu vào hay các loại phí phát sinh phục vụ đầu tư sản xuất này không thuyết phục.

Ngay Bộ trưởng Bộ Công thương - Vũ Huy Hoàng cùng với việc “thúc” EVN phải đẩy nhanh quá trình trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán còn yêu cầu EVN phải nhìn nhận lại cách quản lý của mình hiện nay. EVN cần khẩn trương sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tăng cường sử dụng công nghệ vào sản xuất như nhanh chóng hoàn thành việc lắp đặt công tơ điện tử tại các hộ dùng điện… nhằm giảm nhanh số lượng người lao động “ghi số, thu tiền” trong ngành. Vấn đề chính là ở chỗ đó. EVN phải xem xét tất cả các chi phí đã hợp lý hay chưa, chứ không thể cứ báo lỗ mãi. Điện sẽ không tăng giá một khi việc tính toán các khoản chi phí được tính vào giá thành sản xuất điện một cách hợp lý và phải dựa trên những số liệu chính xác, minh bạch, chứ không thể giải quyết “gánh lỗ” bằng việc: tăng giá điện!