Ký ức tháng 7 của những người lính trận Vị Xuyên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ở Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên -  Hà Giang chiều ấy, tôi đã gặp rất nhiều cựu chiến binh. Chẳng ai hẹn ai, cứ tháng 7 họ lại tìm về chiến trường xưa như một điểm hẹn để gặp lại nhau, ăn cùng nhau một bữa cơm, thắp cho những người đồng đội đã hy sinh một nén hương, cùng ôn lại những câu chuyện vui buồn. Những cuộc gặp gỡ như thế bao giờ cũng có cả tiếng cười và rất nhiều giọt nước mắt. 

Ký ức tháng 7 của những người lính trận Vị Xuyên ảnh 1Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cậy thắp hương cho những người đồng đội đã không thể trở về (ảnh: Tuệ Ân)

Kỷ vật 16 nghìn đồng trợ cấp thương tật và ký ức của những người lính trận

Trong dòng người đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên tôi để ý đến một cựu quân nhân. Sau lễ dâng hương, ông đứng nghiêm trước đài tưởng niệm đưa tay chào theo đúng tác phong quân kỷ, từng giọt nước mắt lăn dài trên má. Sau này, khi bắt đầu câu chuyện với tôi, ông nói tên là Bùi Quang Nghĩa, từng là lính thông tin thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 14, Sư đoàn 313 chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên gần 40 năm về trước. Do di chứng của những trận pháo, tai trái của ông hoàn toàn mất thính lực, thành ra trước khi trò chuyện với tôi, ông cười bảo, ngồi sang bên phải và “nói gì thì nói to lên”.

Ông Nghĩa quê gốc Tuyên Quang, 18 tuổi thì nhập ngũ làm lính thông tin, chuyên “nằm” đài quan sát bám các điểm cao ở ngã ba Thanh Thủy, Vị Xuyên. Trung đội của ông có 32 người, hy sinh 8, chỉ có 2 người lành lặn trở về sau cuộc chiến, còn đâu thì đều bị thương từ nặng đến nhẹ. Ông cũng bị thương trong một lần đang liên lạc về Sở chỉ huy, pháo nã đúng điểm đặt trạm thông tin. Ngoài ông ra, trạm thông tin khi đó còn có 2 đồng chí vô tuyến, 2 hữu tuyến, 1 y tá, 1 đại đội trưởng và 1 truyền đạt.

Ông Nghĩa bị thương vào đùi trái, nằm trong hầm chẳng biết bao lâu, cũng chẳng biết chính xác mình bị thương vào ngày nào. Chỉ nhớ, sau khi được cấp cứu, được nằm trên xe cứu thương, ngẩng đầu lên nhìn qua cửa kính xe thấy bên đường có dòng chữ: “Nhiệt liệt chào mừng ngày thầy thuốc Việt Nam”. Bị thương nát cả đùi trái, tai thì ngễnh ngãng, nhưng ông không phải thương binh vì ông không làm chế độ. Hỏi vì sao không làm thì ông bảo: “Đã là lính chiến đấu ở Thanh Thủy những năm tháng đó ai cũng đều vất vả như nhau, từ bộ binh, pháo binh hay thông tin. Nhiều đồng đội tôi còn thiệt thòi hơn, có người mới nhập ngũ 6 tháng đã hy sinh. Còn tôi, nhập ngũ năm 18 tuổi, bị thương năm 20 tuổi, ra quân năm 24 tuổi, rồi đi học Cao đẳng Mỹ thuật Biên Hòa (Đồng Nai), trở thành nhà điêu khắc và sống cho tới ngày hôm nay, chẳng phải là cuộc đời này đã quá lãi rồi sao”.

Ký ức tháng 7 của những người lính trận Vị Xuyên ảnh 2Lễ an táng và truy điệu 9 liệt sỹ vừa được Đội Quy tập thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang tìm thấy ở  Thanh Thuỷ. Lễ truy điệu diễn ra vào sáng 11-7-2020 tại Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên (ảnh: CCB Trần Văn Bình)

Cuộc trò chuyện giữa tôi và ông thi thoảng phải dừng lại rất lâu. Bởi những câu hỏi của tôi đã khơi lên dòng hồi ức mà theo như lời ông là “ít khi chia sẻ cùng ai”. Tại nghĩa trang này, trên những hàng bia mộ kia, biết bao đồng chí, đồng đội của ông đang nằm đó. Người biết tên, người chưa biết tên. Ở trên kia, trong những dãy bia mộ có Liệt sỹ Nguyễn Viết Thường - một người bạn thân của ông cùng quê Sơn Dương (Tuyên Quang), cùng nhập ngũ và chiến đấu trong một đơn vị. Anh Thường trúng mảnh pháo vào ngực trong một lần đi lấy nước, mọi việc diễn ra ngay trước mắt ông. “Anh em đưa Thường lên để băng bó, câu cuối cùng mà Thường nói với chúng tôi là “thôi, đừng băng làm gì”. Mặc kệ, chúng tôi vẫn cứ băng rồi đưa đến trạm quân y, nhưng chỉ đi được khoảng 50m thì Thường hy sinh trên tay đồng đội. Vì thế, ở nghĩa trang này, coi như một phần cơ thể tôi đang nằm ở đây” - ông Nghĩa nói. 

Ký ức tháng 7 của những người lính trận Vị Xuyên ảnh 3Cựu chiến binh  Bùi Quang Nghĩa trò chuyện cùng phóng viên ANTĐ (ảnh: VT)

Những ai chưa từng kinh qua chiến trường, chưa từng chứng kiến những trận pháo địch nã rầm rập trên đầu, những sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc thì chưa thể hiểu được tình đồng chí, đồng đội thế nào. Nó gắn bó với nhau còn hơn cả tình cảm gia đình, hơn cả anh em ruột thịt. Bây giờ thì cuộc sống của ông Nghĩa đã ổn, con cái phương trưởng, ông sống bằng nghề điêu khắc nghệ thuật, cái nghề mà ông đã được học sau khi xuất ngũ. Khiếu hội họa ngấm vào ông từ bé, cứ có bút và có giấy là vẽ, vào chiến trường rảnh cũng vẽ.

Ông vẽ kín cả cuốn nhật ký, người ta viết nhật ký bằng chữ thì ông viết bằng hình ảnh. Thậm chí ông còn vẽ cả núi non trùng điệp của biên giới đất nước vào trong bức thư gửi về cho mẹ. Ở trên chốt thì lấy đâu ra mà sướng, nhưng vẫn viết thư gửi về quê cho mẹ yên lòng. Nội dung đại khái là ở đây con được ăn ngon, được đá bóng mỗi chiều, được xem phim mỗi tối. Rồi ông bị thương, cũng chẳng báo cho gia đình. Người anh trai làm bác sĩ tình cờ qua nguồn nọ nguồn kia kể lại mới biết em mình đang phải điều trị trong bệnh xá quân y liền nói với mẹ ông. Thế là bà cụ giận, giận đến khi ông ra quân rồi mà 1 năm sau mới thèm nói chuyện với con trai.

Can trường khi ra trận và hào sảng trên thương trường

Tôi hỏi ông Bùi Quang Nghĩa, những ngày ở chiến trường khốc liệt như vậy, ông sợ nhất điều gì? Không trả lời vào trọng tâm câu hỏi, ông kể, cái khoảnh khắc sau khi bị thương nằm trong căn hầm tối ông chỉ nghĩ về mẹ. Mẹ ông từng tham gia dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi hòa bình lập lại, bà tham gia công tác xã hội ở địa phương và thường được phân công mang giấy báo tử đến cho các gia đình trong xã. “Bây giờ, nếu như tôi chết ở đây, sẽ có người đưa giấy báo tử về cho mẹ tôi. Lúc đó, liệu mẹ sẽ như thế nào? Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Nhưng hình ảnh đó cứ trở đi trở lại trong đầu. Tôi chỉ sợ mẹ khóc, có thế thôi!”.

Trầm ngâm một lát rồi ông tiếp, “khi chiến tranh xảy ra, những người lính lăn xả ngoài chiến trường để bảo vệ non sông bờ cõi, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Khi hòa bình, chúng tôi lăn xả vào thương trường, lựa chọn ở lại Hà Giang để lập nghiệp, coi Hà Giang là quê hương thứ 2 của mình. Bây giờ, kinh tế cũng tạm gọi là ổn, chúng tôi cũng có điều kiện để tìm lại những đồng đội cũ, để anh em mỗi năm gặp nhau dăm lần và quan trọng hơn là còn để đỡ đần nhau trong cuộc sống”.

Nói rồi, ông đưa cho tôi xem một vài bức ảnh ông chụp lại cuốn nhật ký của mình. Trong cuốn nhật ký ông lưu lại những đồng tiền đã cũ, tổng cộng là 16 nghìn đồng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là tiền trợ cấp thương tật ông nhận được khi đang ở trên chốt, mà ở trên chốt thì tiêu làm sao được. Ông viết vào đó đôi dòng kỷ niệm đúng ngày 26-7. Rồi tiền trượt giá, chẳng tiêu được nữa. Nhưng ông vẫn cứ giữ, vì đó là một kỷ niệm của cuộc chiến đời mình. 

Ký ức tháng 7 của những người lính trận Vị Xuyên ảnh 6Thả hoa đăng trên dòng sông Lô (ảnh: VQ)

Cựu binh Nguyễn Văn Cậy đã từng có thời gian dài, chiến đấu giữ cao điểm 685. Cựu binh Nguyễn Văn Cậy là người dân tộc Tày chính gốc Hà Giang.

Ông nhập ngũ năm 19 tuổi, bị thương năm 21 tuổi, sau một thời gian điều trị ở bệnh xá và trạm điều dưỡng Sư đoàn 313 ông được ra quân. Bây giờ, hỏi về vết thương cũ, ông bảo bình thường thôi, thấm tháp gì so với những người không được trở về. Rồi ông nhìn về phía những hàng bia mộ, mắt đỏ hoe: “Mấy anh em ngã xuống có người chẳng còn lành lặn, còn tôi trở về lập gia đình, sinh con đẻ cái. Con tôi giờ đã lớn, dựng vợ gả chồng cả rồi, còn mong gì hơn nữa”.

Nhà ông Cậy cách Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên chừng 25km. Ông bảo, 1 năm lên đây mấy lần thắp hương cho đồng đội, rồi đi khắp các cao điểm từng là nơi đóng quân. Chẳng làm được gì thì cũng thắp dăm nén hương cho những người đồng đội ấm lòng.

Năm 1984, khi xảy ra sự kiện ngày 12-7, cựu chiến binh Đặng Ngọc Mạnh đang thuộc biên chế Sư đoàn 323. Trước đó ngày 28-4, ông là Đại đội trưởng dẫn một đại đội cắm chốt ở cao điểm. Sau đó ông bị thương và được điều về làm cán bộ tiểu đoàn của một đơn vị huấn luyện cho đến năm 1991 mới ra quân. Ông Mạnh có 17 năm công tác trong quân đội thì có đến 10 năm làm lính trận.

Trước khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979 nổ ra, ông từng thuộc biên chế của Sư đoàn 968. Năm 1974, sư đoàn này được điều sang thay Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 ở mặt trận Gia Lai - Kon Tum để quân ta rút về giải phóng Buôn Mê Thuột. Sau giải phóng miền Nam, ông tham gia tiễu trừ Fulro ở Tây Nguyên rồi đi học trường Sĩ quan Lục quân 2, tốt nghiệp năm 1978. Rồi khi nổ ra  cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, ông được điều làm cán bộ khung Sư đoàn 323 từ 1979-1991.

Bây giờ về nghỉ chế độ, là thương binh hạng 4/4, hỏi nguyện vọng bây giờ thì ông bảo, chỉ mong những đồng đội của mình giờ vẫn nằm ở hang núi, khe sâu được tìm thấy, được quy tập về nghĩa trang này, để mỗi năm anh em còn được gặp nhau, được thắp cho nhau nén hương. Để cả nghĩa trang này trở thành một “địa chỉ đỏ”, một địa điểm du lịch tâm linh. Ông cũng mong tiếp tục có những chế độ chính sách hợp lý hơn nữa đảm bảo đời sống cho thương bệnh binh và thân nhân. “Trông vậy thôi mà nhiều gia đình cựu chiến binh còn vất vả lắm. Nhưng chúng tôi mang bản chất bộ đội cụ Hồ, dù khó khăn anh em chúng tôi cũng sẽ giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua” - ông nói.

Ra quân với thẻ thương binh hạng 4/4, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đệ quê tận Nghệ An vẫn chọn ở lại Vị Xuyên để lập nghiệp. Năm 1979, ông nhập ngũ đóng quân ở Hoàng Liên Sơn. Tháng 6-1984 đơn vị ông được điều về Thanh Thủy, Vị Xuyên cắm chốt ở bình độ 1100, rồi bình độ 300 của cao điểm 400. Ông nhớ lại những ngày chiến tranh ác liệt, ta và địch quần nhau, giành giật từng cao điểm. Bây giờ anh em trong đơn vị vẫn gặp nhau hàng năm. Quãng chục năm gần đây Ban liên lạc Sư đoàn 356 được thành lập, thông tin liên lạc thông suốt, đời sống anh em thế nào đều nắm được cả. Hỏi ông mong muốn điều gì nhất bây giờ, ông nói, chỉ mong muốn làm thật tốt công tác rà phá bom mìn ở những nơi xưa là chiến trường. Rồi tìm được hài cốt những người đã hy sinh, quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, những thương bệnh binh mất mát giấy tờ thì cần có phương án giải quyết để họ được hưởng chế độ xứng đáng.                           

Mong muốn của những cựu chiến binh như ông Nguyễn Xuân Đệ, Đặng Ngọc Mạnh hay Nguyễn Văn Cậy… cũng là mong muốn chung của những người lính đã từng cầm súng bảo vệ khắp dải biên cương của Tổ quốc. Nói như cựu binh Bùi Quang Nghĩa, mỗi khi Ban liên lạc đơn vị gặp mặt, được mặc lại bộ quân phục năm xưa ông thấy tự hào lắm. Ông bảo: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của một người lính bảo vệ Tổ quốc, rồi tôi lại lăn xả vào thương trường. Lúc ra quân, tôi không nghĩ sẽ gắn bó với Hà Giang vì tại đây tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu đau thương. Nhưng rồi tôi đã ở lại để xây dựng nó. Tôi không có gì phải xấu hổ khi đối diện với anh linh những người bạn đã nằm lại chiến trường”.

Ký ức tháng 7 của những người lính trận Vị Xuyên ảnh 7Nghĩa trang Vị Xuyên những ngày tháng 7  (ảnh: VQ)

Đưa các đồng đội trở về

Cũng là tình cờ, hôm tôi đến Vị Xuyên cũng vừa hay Đội quy tập liệt sỹ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang tìm thấy 9 hài cốt của liệt sỹ ở Vị Xuyên. Sáng 11-7-2020 các anh đã được đưa về an nghỉ với những người đồng đội của mình ở Nghĩa trang liệt sỹ. Từ hôm tìm được các anh, những cựu binh Vị Xuyên cũng đi lại luôn giữa thành phố và nơi tập kết - nhà chờ Nà Toong - cùng với các cơ quan, đơn vị chức năng chuẩn bị các công việc có liên quan. Cựu binh Trần Văn Bình bảo, công việc của đội quy tập diễn ra thường xuyên, hễ có thông tin gì từ các cựu chiến binh thì nhanh chóng xác minh rồi tìm kiếm. Những cựu binh ở Hà Giang như ông Trần Văn Bình và các anh em trong Ban Liên lạc các sư đoàn cũng chung tay, có khi là cùng tham gia, có khi ở tuyến sau ủng hộ công tác hậu cần, việc gì họ cũng làm miễn là tìm được đồng đội.

Cựu binh Trần Văn Bình vốn quê gốc Nam Định, tham gia mặt trận Vị Xuyên những ngày đầu của cuộc chiến trong biên chế của Sư đoàn 313. Tôi chỉ lên đỉnh núi phía xa hỏi có phải đó là nơi bộ đội ta cắm chốt ngăn quân xâm lược? Ông cười bảo, đỉnh đó ăn thua gì. Rồi ông liệt kê những cao điểm như 1509, 1673, 468  hay là 685, những đỉnh núi mà để leo lên được mũi phải chạm đầu gối. Cứ cắm chốt trên đó, quân lương tự gùi, lương khô, gạo sấy, thịt hộp, cá mắm… có khi thời gian cắm chốt là 12 ngày, có khi 1 tháng, 3 tháng. Lính ta trên đó lấy tối làm ngày, lấy sáng làm đêm.

Cuộc chiến kết thúc, ông Bình ra quân về làm cho Công ty Điện lực Hà Giang. Quãng độ gần chục năm trước, khi ông nghỉ chế độ, vợ chồng ông tích cực tham gia các công tác của Ban liên lạc cựu chiến binh sư đoàn cũng như của mặt trận Vị Xuyên. Bây giờ, cứ có thông tin từ các cựu chiến binh là đội quy tập xác minh, rồi tổ chức tìm kiếm chẳng cứ  mùa đông hay mùa hè. Bởi lẽ, các cựu chiến binh giờ có tuổi, nhớ được ra vị trí nào thì báo cho Đội quy tập xác minh và tìm kiếm ngay. Vì thế, từ năm 2013 cho tới nay, Đội quy tập cũng đã tìm thấy khoảng hơn 200 hài cốt liệt sỹ. Riêng từ đầu năm 2020 tới nay có khoảng hơn 20 hài cốt liệt sỹ đã được tìm thấy và đưa về Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên.

Buổi chiều tháng 7, trên dòng sông Lô chảy qua thành phố Hà Giang, một lễ thả hoa đăng được tổ chức. Những người lính già xúc động châm nến, thả đèn, cầu cho hương linh những người đồng đội của họ đời đời yên nghỉ. Nói trong ào ạt tiếng gió thổi dọc bờ sông, cựu chiến binh Trần Văn Bình bảo, tôi và những người đồng đội còn được may mắn trở về để hôm nay có mặt bên bờ sông này, sẽ dành cả cuộc đời còn lại của mình hỗ trợ một phần nhỏ bé trong công cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Đưa được các đồng đội còn rải rác nằm đâu đó nơi hang sâu, khe suốt trở về, thỉnh thoảng tới thắp cho anh em một nén hương thơm. Đó là mong ước của tất cả những người lính trận.