Ký ức hào hùng của Công an Hà Nội

ANTD.VN - Ngày 31-1-2018 vừa qua, Công an Hà Nội vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp (12/1946-10/1954). Báo ANTĐ xin được cùng bạn đọc ôn lại những ký ức hào hùng ấy của Công an Hà Nội; những ký ức đã và đang là động lực để CBCS Công an Thủ đô hôm nay hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Ký ức hào hùng của Công an Hà  Nội ảnh 1

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gắn huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lên Lá cờ truyền thống của CATP Hà Nội

Từ cuối tháng 11/1946, tình hình ở Thủ đô Hà Nội căng thẳng tột độ, chiến tranh giữa ta và Pháp có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Ngày 17/12/1946, giặc Pháp tàn sát dã man nhân dân ta ở phố Hàng Bún (ngõ Yên Ninh), giết chết 43 người. Ngày 18/12, chúng bao vây trụ sở Công an quận Hàng Đậu, đánh chiếm trụ sở Bộ Tài Chính, Bộ Giao Thông Công Chính và gửi tối hậu thư đòi làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở Hà Nội thay thế lực lượng Công an. Sáng 19/12/1946, chúng gửi tối hậu thư yêu cầu ta phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, đòi tước vũ khí của lực lượng vũ trang.

Thực hiện quyết định lịch sử của Trung ương và lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch; 20 giờ ngày 19/12/1946 đèn điện phụt tắt, hiệu lệnh chiến đấu bắt đầu. Hơn 400 chiến sỹ Công an Hà Nội cùng quân dân Thủ đô tiến công các mục tiêu và ổ tác chiến của Pháp nằm xen ở các khu dân cư; các tổ trinh sát tỏa đi truy bắt bọn Việt gian phản động.

Địch tập trung lực lượng tấn công Công an quận Hàng Trống, bị lực lượng CA xung phong chống trả quyết liệt, diệt 18 tên giặc Pháp, đốt cháy 2 xe bọc thép, thu 4 súng tiểu liên, giữ vững vị trí suốt đêm 19/12 đến sáng hôm sau (đồng chí Tập chiến sĩ bắn súng máy và đồng chí Tính ném bom xăng hi sinh).

Trung đội Cảnh sát và Công an xung phong quận Hàng Đậu cùng bộ đội và lực lượng tự vệ chiến đấu chặn đứng cánh quân của Pháp từ Cửa Bắc định tiến lên chiếm lấy đầu cầu Long Biên, ta diệt 70 tên địch, phá hủy 2 xe tăng, buộc chúng phải rút lại vào Thành.

Cuộc chiến đấu giữa quân dân Thủ đô với Pháp ngày càng ác liệt. Sau những ngày đầu bị động, quân Pháp đã dồn lực lượng tấn công mãnh liệt vào các vị trí phòng thủ của ta ở nội ô, thu hẹp phạm vi Liên khu 1 và tiến công đánh chiếm ra ngoại thành.

Đầu tháng 1/1947, địch được lực lượng tăng cường từ Hải Phòng lên, quyết tâm đánh chiếm nhanh. Liên khu 1 đã bị thu hẹp, giao thông liên lạc giữa Liên khu 1 với bên ngoài đã bị cắt đứt. Đồng chí Nguyễn Tài (Phó Giám đốc Công an Khu 11, sau này là Trưởng Ty Công an Hà Nội) đã chỉ đạo 2 trinh sát (anh Tô Văn Hổ và anh Minh) từ Tứ Liên (nay thuộc quận Tây Hồ) bám theo ven Sông Hồng chui qua gầm cầu Long Biên vào bắt liên lạc được với Ban Chỉ huy Liên khu 1.

Con đường giao thông huyết mạch này được một đơn vị Cảnh sát xung phong phối hợp với đội du kích Hồng Hà bảo vệ. Qua con đường này, ngày 10/1/1947, đồng chí Trần Quốc Hoàn phó Bí thư Xứ ủy Bắc Bộ dẫn đầu một phái đoàn đại diện Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy, Đảng ủy Mặt trận và Ủy ban kháng chiến Hành chính Khu 11 vào động viên chiến sỹ Trung đoàn Thủ Đô, đồng chí Lê Giản Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương cũng theo con đường này vào kiểm tra công tác và động viên lực lượng Công an chiến đấu. Đêm 17/02/1947, toàn bộ Trung đoàn Thủ Đô cũng theo đường giao thông này rút an toàn ra vùng tự do tiếp tục kháng chiến.

Địch đánh rộng ra ngoại thành lập hội tề, bịt các đường vào nội thành. Chỉ 2 ngày sau khi Trung đoàn Thủ Đô rút khỏi Liên khu 1, đội Giao liên Bát Sắt của Công an quận 6 do anh Nguyễn Xuân Sinh (Võ Thương) phụ trách, được sự giúp đỡ của nhân dân đã mở đường giao liên từ phía nam xâm nhập nội thành theo đường bán hợp pháp.

Đặc biệt đội Bát Sắt có một giao liên là chú Sâm Lé 12 tuổi, tháng 5/1947 đã mang thư của Hồ Chủ Tịch vào nội thành đưa tận tay tướng Alexandri để chuyển cho Cao ủy Bollaert.

Đội còn nhiều lần chuyển thư của một số lãnh đạo Chính phủ ta (Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Tùng...) gửi một số trí thức bị kẹt lại trong thành phố (Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bác sỹ  Phạm Biểu Tâm, Trần Văn Lai, Luật sư Nguyễn Mạnh Hà, Bùi Trường Chiểu, Vũ Văn Hiền...) vận động họ tham gia công tác kháng chiến trong vùng địch chiếm hoặc ra hậu phương tham gia kháng chiến, nếu không thì cố giữ vai trò trung lập.

Mọi đường vào nội thành theo đường hợp pháp là anh Nguyễn Văn Trung, Công an quận 6 (năm 1946 là cán bộ Công an quận Hàng Trống) nắm tên lý trưởng Phương Liệt lấy giấy tờ của Ngụy quyền ra vào nội thành (sau anh Trung về công tác ở đội anh Hoàng Mạc, bị địch bắt đưa đi đày ở Côn Đảo đến tháng 7/1954 mới được địch trao trả). Tháng 7/1947, anh Minh Đông, giao liên trạm anh Ngọc Nhuôm của Công an quận 6 là người đầu tiên lấy được giấy thông hành (laissez - paser) của Sở Mật thám Liên bang, tạo điều kiện cho ta làm giấy tờ giả để cán bộ xâm nhập nội thành.

Tháng 8/1947, Công an quận 6 đã đưa gia đình ông Nguyễn Khắc Hòe (đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ), Đặng Phúc Thông (Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính) và hai anh em Giáo sư Lương Trọng Bái, Dương Đại Đồng ra vùng tự do tham gia kháng chiến (Đội Bát Sắt của Công an quận 6 đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2013).

Do đường giao liên bí mật giữa nội ngoại thành ra căn cứ thông suốt, cán bộ điệp báo xâm nhập nội thành được nhân dân giúp đỡ, nuôi nấng, bảo vệ đã xây dựng được một số cơ sở nội tuyến trong các cơ quan do thám của địch như Phòng Nhì, Sở Mật thám Liên bang, Phủ Cao ủy...Nhờ đó ta biết được nội dung bài diễn văn của Cao ủy Bollaert sẽ đọc tại thị xã Hà Đông tháng 9/1947 (không điều đình, không đình chiến, đòi ta đầu hàng), âm mưu đón Bảo Đại từ Hồng Kông về chuẩn bị lập Ngụy Quyền và tập trung lực lượng tinh nhuệ để thực hiện kế hoạch "Lén" đánh lên căn cứ Việt Bắc thu đông 1947.

Khi giặc Pháp mở chiến dịch tấn công Việt Bắc, ngày 7/10/1947, Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các Khu ủy, Quân Khu ủy tăng cường mọi mặt đánh phá địch, phối hợp với chiến trường Việt Bắc. Ngày 10/10/1947 hai đồng chí cán bộ Công an quận 6 (Đặng Đình Kỳ tức Quốc, Trần Văn Tích tức Bình được cơ sở cung cấp tin tức chính xác đã dùng lựu đạn diệt tên Trương Đình Tri (Chủ tịch Hội đồng an dân Hà Nội) gây ảnh hưởng vang dội trên cả nước (ngày 23/4/1949, Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh số 32/SL tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho 2 đồng chí Kỳ và Tích. Sau khi bị xử tử, đồng chí Tích được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng            vũ trang nhân dân). Cũng trong dịp này Công an quận 4 diệt tên Tô Chân Nho, tay sai đắc lực của Phòng Nhì ngay tại trước cửa nhà y ở 90 phố Quán Thánh.

Thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 15/10/1947 phải phát triển hoạt động sau lưng địch, phối hợp với chiến trường Việt Bắc; trong tháng 11 và 12/1947 Công an quận 4, quận 5, quận 6 phối hợp với quân dân du kích tiến hành tổng phá tề lần đầu tiên, bắt hơn 100 tên, thu 40 súng, diệt một số tên tề ác ôn như Lý trưởng ở Vạn Phúc, bắt sống trung đội Bảo An ở Thanh Diễm (Đan Phượng), ở Cổ Điển (Thanh Trì) làm cho hàng ngũ tề ở ngoại thành hoang mang, dao động.

Sau Chiến dịch Việt Bắc thất bại, âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của địch bị phá sản, địch chuyển sang chiến lược "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt" đưa tên Nghiêm Xuân Thiện làm Tổng trấn Bắc Phần, Bác sỹ Đặng Hữu Chí làm Chủ tịch Hội đồng an dân Hà Nội.

Đến đầu năm 1948 chúng đã lập được 3 phòng tuyến bao quanh Hà Nội với 32 đồn bốt, có hơn 3000 lính chính quy, thường xuyên càn quét, khủng bố ác liệt từng khu vực nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến ở ngoại thành, ngày tuần tra đêm phục kích trên các ngả đường giao thông, chụp bắt giao liên và cán bộ xâm nhập nội ngoại thành.

Có trường hợp địch bắt được cán bộ ta, đã cắt cổ, treo xác để uy hiếp tinh thần nhân dân và phục kích đánh ta khi đến lấy xác (như trường hợp anh Tín đội phó đội Chi Lăng bị treo xác ở điếm canh đê Khuyến Lương, anh Đắc nhân viên đội anh Bùi Đức Việt bị treo xác ở Ba Hàng - Thanh Trì). Dựa vào thế địch, bọn tề phản động, lực lượng Bảo An, Hương Dũng ra sức o ép nhân dân ở các thôn xã.

Ở nội thành, địch tập trung vận động cho con bài Bảo Đại thăm dò, mua chuộc, lôi kéo nhân sĩ trí thức đẻ xây dựng Ngụy quyền Trung ương, trao trả quyền hành chính thành phố cho bù nhìn, trong đó có Ty cảnh sát do tên Trung úy Dương Quý Phan phụ trách, thành lập 34 khu phố do các trưởng khu phụ trách kèm dân, khuyến khích các đảng phái phản động như: Đại Việt, Việt Quốc... phục hồi và phát triển, cho tay sai lập thêm một số tổ chức phản động mới như: Liên hiệp quốc gia Bắc Phần, Thanh Niên Diệt Cộng, Mặt trận quốc gia Bài Cộng, Việt Nam Xã nông lao công đại chúng... để lôi kéo nhân dân vùng tạm chiếm ủng hộ bọn Ngụy quyền.

Đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ  (19/5/1948) tổ 3 người ( Khâm, Quang, Sĩ Vân) của Công an quận 6 đã treo cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa, Hồ Hoàn Kiếm gây ảnh hưởng kháng chiến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Thủ Đô. Từ tháng 5 đến tháng 8/1948 ta đã tiến hành 20 đợt phá tề ở 3 quận ngoại thành, diệt và bắt 300 tên ngụy quyền. Ở quận 6 tề bị phá đi phá lại nhiều lần, trừng trị các tên lý trưởng gian ác ở Quỳnh Lôi, Hoàng Mai, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung, Cổ Điển...thu tiền vũ khí; diệt tên quản dưỡng phó đồn Đông Trạch, diệt tên Đỗ Thế Sử, Ân tức Sơn tay sai của Tây lùn bốt Vọng. Ở quận 4 ta bắt, xử lý nhiều tên ngụy quyền, chỉ điểm gian ác như: Khánh Sẹo, An Sơn...

Ở nội thành, các đội hành động (Đội Z) đã trừng trị nhiều tên tay sai gian ác như: Nguyễn Ngọc Trân - khu trưởng Thái Hà ấp, Nguyễn Hữu Kỳ - Trưởng phố Hàm Long, Lê Hữu Bá Kế - Chỉ huy lính Bảo An thuộc Hội Đồng An dân Bắc Việt.

Cuối năm 1948, đầu 1949 Công an Hà Nội phối hợp với dân quân du kích và chính quyền kháng chiến sở cơ sở tiến hành tổng phá tề theo Chỉ thị của Trung ương Đảng và Liên khu ủy III làm cho hàng ngũ ngụy quyền ở ngoại thành luôn không ổn định, nhiều tên hội tề sợ hãi bỏ chạy vào nội thành hoặc tìm cách liên lạc với kháng chiến như ở Triều Khúc, Yên Phúc, Yên Sở, Kim Lũ, Định Công Thượng, Khương Trung, Thành Công, Thổ Quan, Đại Từ, Cổ Điển, bốt Chùa Thông, Đông Trạch...

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ IV (họp từ 26/2/1949-4/3/1949 ở  Việt Bắc), Công an Hà Nội được tuyên dương vì những đóng góp tích cực cho sự lớn mạnh của phong trào kháng chiến ở Thủ Đô, đã dũng cảm kiên cường, mưu trí sáng tạo, xây dựng được các tuyến giao thông đầu tiên phục vụ cấp ủy, chính quyền, đưa cán bộ các ngành về hoạt động trong lòng địch, được nhân dân tin yêu giúp đỡ mọi mặt, xây dựng được mạng lưới cơ sở có chất lượng, hoạt động có hiệu quả cao. Đồng chí Tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam đã trao cho đồng chí Nguyễn Tài, Trưởng Ty Công an Hà Nội bức chân dung của Chủ Tịch Hồ Chí Minh có chữ  đề tặng của Người để tặng thưởng cho Công an Hà Nội.

Năm 1949 địch đẩy mạnh âm mưu "Dùng người Việt hại người Việt", ký thỏa ước Elysé 8/6/1949 đưa Bảo Đại về nước, ra sức củng cố ngụy quyền từ Trung ương đến cơ sở, triệt phá hạ tầng cơ sở của kháng chiến. Tháng 5/1949, phái tướng Revers Tổng tham mưu Trưởng quân đội Pháp sang nghiên cứu  tình hình Đông Dương vạch kế hoạch mới: "Coi Bắc Bộ là chiến trường chính, tăng cường lực lượng chính quy, khóa chặt biên giới Việt - Trung, mở rộng chiếm đóng vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, củng cố phát triển ngụy quyền, xúc tiến xây dựng ngụy quân làm nhiệm vụ chiếm đóng để rút quân Âu phi lập những binh đoàn ứng chiến cơ động. Hà Nội vẫn là địa bàn chiến lược, là đại bản doanh của Bộ Chỉ huy quân Pháp ở chiến trường Bắc Bộ, nơi tập kết quân đội và thiết bị chiến tranh để tiếp viện các mặt trận, là cứ điểm phòng thủ chính trong hệ thống phòng ngự của đồng bằng Bắc Bộ.

Địch tiến hành chính sách an dân bình định, Bảo Đại chỉ định Nguyễn Hữu Trí, Đại Việt Quốc Dân Đảng thân Mỹ làm Hiến pháp Bắc Việt, lập "Quốc gia Bảo Chính Đoàn" đóng đồn ở các làng cùng với tề kèm kẹp dân. Tính đến tháng 8/1949, địch đã tái lập tề trên một nửa các xã ngoại thành, tổ chức càn quét khốc liệt ở ngoại thành trên 512 trận, bắt 3000 thanh niên, giết 113 cán bộ cơ sở trong đó 1/3 là công an xã và du kích.

Tại nội thành địch đóng tới 66 vị trí lớn nhỏ, mở rộng mạng lưới do thám chỉ điểm (riêng Sở Mật thám có tới trên 1000 mật vụ); ngụy quyền thành lập nha Công an Cảnh sát Bắc Việt, thành lập cơ quan đặc vụ do Vũ Đình Lý - Đại Việt quốc dân đảng phụ trách, tăng số cảnh sát lên 1600 tên, sử dụng bọn phản bội đưa đến các trạm hồi cư, các tuyến đường ra vào nội thành nhận diện, chỉ điểm bắt cán bộ.

Ngày 1/5/1949 Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 97-CT/TW về chuẩn bị chiến trường, khẳng định vị định vị trí chiến lược của Hà Nội. Ngày 11/5/1949 Chủ Tịch nước Sắc lệnh đặt Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội trực thuộc Trung ương. Đến ngày 28/2/1950 theo Quyết định của Trung ương Đảng sáp nhập Chi cục tình báo Hà Nội (bí danh tiểu đoàn 610A), một bộ phận của Ty điệp báo Trung ương vào Ty Công an Hà Nội trở thành Công an Đặc khu Hà Nội trực thuộc Nha Công an Trung ương chỉ đạo.

Được tăng cường lực lượng, Công an Hà Nội đẩy mạnh hoạt động điệp báo và phản gián, xây dựng được nhiều cơ sở nội, ngoại thành, cung cấp được nhiều tin tức có giá trị về hoạt động quân sự, hoạt động của bọn ngụy quyền và đảng phái phản động.

Thấy địch in bản đồ miền núi biên giới Bắc Bộ, cơ sở anh Minh Đông đã lấy được một số bản đồ chuyển qua trạm Diên An (Công an Hà Nội ở phía Bắc) lên Việt Bắc phục vụ kịp thời chiến dịch Biên Giới 1950. Ngày 20/10/1949, Công an Hà Nội diệt tên Lý Thái, trưởng khu phố Cầu Gỗ. Ngày 17/1/1950 Công an Hà Nội trừng trị tên Đặng Trần Học, Phó Giám đốc Công an bù nhìn Bắc Việt gây ảnh hưởng chính trị lớn làm rung động hàng ngũ của bọn tay sai.

Đặc biệt phán đoán đúng ý đồ chiến lược của định, ta đã phái 1 tổ điệp báo (A13) vào trong hàng ngũ địch với vai trò những người đại diện "lực lượng quốc gia" trong vùng kháng chiến nên được Bảo Đại phong làm Quốc Vụ Khanh, tiếp xúc với Bảo Đại và bọn đầu sỏ đảng phái phản động các loại, gây mâu thuẫn trong nội bộ bọn tay sai, giữa các tên cầm đầu tôn giáo, đảng phái phản động, phá âm mưu tập hợp lực lượng của địch.

Sau hơn 1 năm hoạt động trong lòng địch, tổ A13 đã kết thúc nhiệm vụ bằng trận đánh phối hợp giữa Công an Hà Nội với Công an tỉnh Thanh Hóa đánh đắm Thông báo hạm Amyot d'Inville có hơn 100 sĩ quan và lính Pháp vào sáng ngày 27/9/1950, bắt sống 3 tên cốt cán của Đại Việt, Việt Quốc tay sai Phòng Nhì là Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Văn Nho (người đưa quả mìn 30kg ở giữa biển Sầm Sơn trên Thông báo Hạm và cắt kíp mìn là đồng chí Chu Duy Kính, bí số A15, sau này là trung tướng Tư lệnh quân khu Thủ Đô. Chị Nguyễn Thị Lợi đóng vai phu nhân Quốc Vụ Khanh hy sinh trên Thông Báo Hạm nên được Chủ Tịch nước truy tặng Huân chương Quân công hạng 3 và danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân).

Chiến công kể trên là một đòn đau giáng trực tiếp vào cơ quan tình báo phản gián của Pháp, gây rung động hàng ngũ Ngụy Quyền và đảng phái phản động, làm nội bộ địch nghi ngờ, mâu thuẫn nhau rất lớn; đồng thời là 1 đòn đánh phối hợp với chiến dịch biên giới 1950.

Thất bại ở biên giới, Pháp phải rút khỏi Cao Bằng, Lạng Sơn để bảo vệ Hà Nội, địch tập trung lực lượng để càn quét ngoại thành, thúc đẩy bọn cảnh sát ngụy hoạt động, sử dụng bọn đầu hàng phản bội, bọn chỉ điểm truy theo dấu vết anh em ta nên trong năm 1950-1951 đội ngũ cốt cán của Công an Hà Nội hoạt động trong nội thành bị tổn thất, hao hụt khá lớn như anh Phan Khắc Trình, phó điệp báo bị địch bắt tra tấn đến chết; anh Vũ Tá Ngọc, phó quận trưởng nội thành bị địch bắn gẫy chân; bắt sống anh Lê Nghĩa, phó quận trưởng nội thành bị địch bắn thủng ruột, bắt giam ở nhà thương Phủ Doãn (sau ta cứu được), anh Trần Thế Tông (tức Đặng) phó ban Phản phán bị địch bắn chết; các anh Kim Tấn (trưởng Ban phản gián), Minh Đông, Minh Việt, Minh Hùng, Đỗ Tấn, Long Qoắt, Hoàng Nam, Nguyễn Văn Hoạch, Chi Mờ,... bị địch bắt giam vào Hỏa lò, Thanh Liệt hoặc đưa đi Côn Đảo.

Hội nghị Thành ủy tháng 4/1951 kiểm điểm và đề ra chủ trương mới hoạt động trong nội thành. Đồng chí Nguyễn Tài, Thành ủy viên, Giám đốc CAHN được cử vào trong nội thành hoạt động liên tục từ 1951 đến 1952 đã chấn chỉnh lại phương thức hoạt động của Công an và kiểm tra các đoàn thể, chỉ đạo, uốn nắn hoạt động theo phương châm " tích trữ lực lượng, tạo đón thời cơ".

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Tài, các đội điều tra trong nội thành đã đổi mới tổ chức và hoạt động, có hệ thống giao thông riêng hợp pháp kết hợp bí mật bất hợp pháp, bố trí 1 điện đài ở nội thành để liên lạc về căn cứu trong trường hợp thật cần thiết. Nhờ đó, giao thông liên lạc nội thành về căn cứ đảm bảo được yêu cầu bí mật, an toàn, nhanh chóng, chính xác, kịp thời (Tại Đại Hội chiến sỹ thi đua toàn thành phố Hà Nội năm 1953, đồng chí Nguyễn Tài được Đại Hội bầu là chiến sỹ thi đua toàn thành phố Hà Nội và năm 2002 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).

Được sự giúp đỡ, bảo vệ của nhân dân, có nhiều cơ sở gắn bó sống chết với kháng chiến, với cán bộ ta, điển hình như chị Phạm Thị Kính là người đã lấy giấy tờ hợp pháp cho anh Minh Đông, là nơi ăn ở cho nhiều cán bộ chủ chốt của ta như anh Nguyễn Tài, Ngọc Nhuôm, Kim Tấn... là nơi đã nuôi giấu, chữa trị cho anh Lê Nghĩa sau vụ vượt ngục khỏi phòng giam tại nhà thương Phủ Doãn cho đến ngày khỏi bệnh ra vùng tự do tiếp tục công tác; như bà Hương ở Triều Khúc là giao liên hợp pháp nhiều lần đưa cán bộ cốt cán của ta từ nội thành qua bao đồn bốt địch ra vùng ven, vùng du kích từ năm 1947 cho đến ngày giải phóng Thủ đô...; nhờ đó phong trào dần hồi phục, cơ sở điệp báo phát triển có chất lượng đúng mục tiêu đối tượng, công tác phản gián đã điều tra và bắt giữ hơn 10 vụ nội gián như vụ Hải Cao, Trung Sơn cán bộ Mặt trận Quân sự Hà Nội làm tay sai cho địch, tên Tuyến điệp viên của Công an Hà Nội quay phản làm tay sai cho Công an Ngụy, tên Văn ở Cổ Nhuế được Công an Ngụy tổ chức chui sâu vào Công an Ngoại thành, Thị Toàn nhân viên tiểu đoàn 802 bị địch mua chuộc làm tay sai cho Công an Ngụy chỉ điểm cho địch bắt giao liên của tiểu đoàn 802, Vụ Ái Việt gián điệp Nhật,...

Năm 1953 tình hình diễn ra rất khẩn trương, Kế hoạch Nava được thực hiện một cách quyết liệt, các mặt hoạt động tình báo, gián điệp được tăng cường. Nhiệm vụ bảo vệ chính trị đặt ra cho lực lượng công an trong tình hình mới rất nặng nề.

Ngày 16/2/1953 Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an thành Thứ Bộ Công an và đến tháng 8/1953 Chính Phủ thành lập Bộ Công an do đồng chí Trần Quốc Hoàn, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng khóa II là Bộ trưởng.

Công an Hà Nội triển khai Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 7 chấn chỉnh lại tổ chức, tập huấn về các mặt công tác nghiệp vụ chuyên sâu và cải tiến lề lối làm việc của toàn lực lượng. Đồng thời cử toàn bộ cán bộ sơ, trung, cao cấp đi dự Chỉnh Đảng theo phân cấp của Trung ương và tổ chức chính huấn chính trị toàn cơ quan (Chỉnh cơ).

Sau đợt chỉnh Đảng, cán bộ chiến sỹ Công an nâng cao lập trường giai cấp, ý chí chiến đấu vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc, kiên trì bám trụ, bám sát đối tượng địa bàn, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc hoạt động trong hậu địch nên đã xây dựng được thêm nhiều cơ sở điều tra có chất lượng, cung cấp địch tình lên Thành ủy và Trung ương Đảng phục vụ đánh bại kế hoạch Nava, bảo vệ tổ chức Đảng và chính quyền các cấp ở trong vùng địch tạm chiếm.

Mạng lưới cơ sở bí mật của công an phát triển ở các xã ngoại thành và các khu phố nội thành, trong các tầng lớp nhân dân, chú trọng xây dựng cốt cán trung kiên làm hạt nhân qua đó phát triển tổ chức.

Các nguyên tắc bí mật về nơi ở, địa điểm liên lạc và hình thức phát triển các tiểu tổ bí mật, hoạt động đơn tuyến được cán bộ Công an và cốt cán trung kiên tuân thủ chặt chẽ. Một số cơ sở của Công an đi sâu được vào các cơ quan của Ngụy quyền, Phòng Nhì, Mật thám, Công an Cảnh sát Bắc Việt tiếp cận được bọn đầu sỏ và các Đảng phái phản động.

Nhờ đó, Công an Hà Nội đã phát hiện kịp thời được một số tên của Công an Ngụy, của phản gián Pháp (BCE) tìm cách chui vào nội bộ các đoàn thể của ta, vào Quận ủy Nội thành; đã cung cấp nhiều tin tức về các đầu mối Địch đánh ra vùng tự do điều tra các đơn vị bộ đội (cấp sư đoàn, trung đoàn), mua chuộc lôi kéo một số cán bộ ta; đã cung cấp nhiều tin góp phần xác định vụ án Liên tôn chống cộng ở Thanh Hóa.

Bước vào năm 1954, quân ta giành được những chiến thắng mới. Nava quyết biến Điện Biên Phủ thành một cứ điểm chiến lược để thu hút, tiêu diệt chủ lực ta. Ở Hà Nội các tổ chức mật thám, gián điệp, Công an cảnh sát Ngụy thường xuyên phối hợp với nhau kiểm soát, quây ráp, sục sạo hòng bắt thanh niên đi lính, phá cơ sở ta, tặng cường tuyển mộ nhân viên, chỉ điểm, huấn luyện cấp tốc ngắn ngày tung ra vùng du kích, vùng tự do hoạt động.

 Để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ và tấn công địch, Công an Hà Nội đã xây dựng mạng lưới điều tra nội, ngoại tuyến tập trung vào cơ quan phản gián Pháp (BCE), An ninh không quân (SA), Cao ủy phủ (SSHC) và công an cảnh sát Ngụy, nhất là nhân lúc địch thất bại liên tiếp ở Điện Biên Phủ, tinh thần địch hoang mang, giao động từ trên xuống dưới, phong trào nhân dân ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cách mạng, phát triển sâu rộng, mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, ta tranh thủ thời cơ tác động, lôi kéo, thuyết phục, khống chế các phần tử trong hàng ngũ Địch, đi sâu, leo cao, chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài.

Ta đã phát triển được mạng lưới cơ sở mật có chất lượng, thu thập được nhiều tin tức có giá trị như mâu thuẫn giữa Mỹ- Pháp, mâu thuẫn giữa các Đảng phái phản động, kế hoạch phòng thủ của địch ở Hải Phòng - Hòn Gai, tin tức về các kho tàng, sân bay của địch phục vụ cho Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội tiến hành các mặt công tác phá hoại trong lòng địch, góp phần vào trận đánh Sân bay Gia Lâm ngày 3-3-1954 đốt cháy 18 máy bay địch (10 ngày trước khi ta mở màn đánh Điện Biên Phủ).

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi ngày 7/5/1954. Cả Hà Nội xôn xao, Hải Phòng, Sài Gòn chấn động, địch phải rút bỏ 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam.

Ngày 20/7/1954 hiệp định Giơnevơ được ký kết. Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày là mục tiêu số 1 mà kẻ địch nhằm vào để thực hiện âm mưu phá hoại, trước mắt là không thực hiện nghiêm chỉnh việc trao trả tù binh và tù chính trị, tìm cách thủ tiêu hoặc di chuyển vào miền Nam những tù nhân là cán bộ trung kiên cốt cán của ta, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam, mang hồ sơ tài liệu, phương tiện kỹ thuật vào Nam hoặc phá hoại máy móc, thiết bị các ngành điện, nước, giao thông, bưu điện; đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý, tuyển mộ huấn luyện cơ sở cài cắm ở lại phục vụ kế hoạch hậu chiến.

Tình hình chuyển biến vô cùng khẩn trương, để thực hiện và hoàn thành khối lượng công tác rất lớn, Công an Hà Nội phải chạy đua với thời gian, "vét" hầu hết những cán bộ lâu nay vẫn công tác ở vùng du kích, căn cứ, thậm chí cả một số đồng chí mới rút ở nội thành ra chưa được bao lâu do bị lộ nay cũng huy động vào nội thành làm nhiệm vụ phục vụ tiếp quản.

Công an Hà Nội đã phát hiện gián điệp Mỹ tuyển mộ tay sai trong các Đảng phái phản động đưa ra các đảo ở Thái Bình Dương của Mỹ mở 2 lớp huấn luyện; biết tin một tình báo cao cấp của CIA (Desvoirier) đến Hà Nội giúp Hoàng Cơ Bình Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Bắc Việt củng cố tổ chức, cùng với bọn Đại Việt Quốc Dân Đảng thành lập "Trung đoàn Thủ Đô", tuyển "Ngự lâm quân", thành lập các đội phá hoại ngầm; phát hiện mâu thuẫn nội bộ của bọn chúng, chúng vừa phá ta vừa cắn xé lẫn nhau nên Hoàng Cơ Bình lấy danh nghĩa Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Bắc Việt ra lệnh tống giam cựu Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí buộc tên này phải chạy trốn vào Sài Gòn và bị hạ sát ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Được Mỹ đồng tình, Hoàng Cơ Bình tổ chức nhiều cuộc biểu tình tuần hành vũ trang củng cố lực lượng quân sự Đại Việt, Việt quốc hòng gây rối ta khi về tiếp quản Thủ đô (do mâu thuẫn Mỹ - Pháp và khí thế cách mạng lên cao, tướng Cogny Tư Lệnh quân đội Pháp ở miền Bắc đã ra lệnh giải tán các đoàn biểu tình, bắt một số tên cầm đầu, chỉ huy lực lượng vũ trang, tước vũ khí của "Trung đoàn Thủ đô" ngụy).

Công an Hà Nội đã kịp thời cung cấp cho phái đoàn ta đấu tranh thắng lợi với phái đoàn Pháp ở Hội Nghị Phủ Lỗ về danh sách toàn bộ tù binh, tù chính trị ở các trại giam Hỏa Lò, Nhà Tiền, Thanh Liệt, Gia Lâm....âm mưu hoạt động tháo gỡ máy móc chuyển vào Nam, âm mưu dùng bọn phản động phá hoại khi ta về tiếp quản. Ngoài ra Công an Hà Nội còn vận động được 650 cảnh binh ngụy ra ngoài vùng tự do huấn luyện để trở về giữ trật tự giao thông khi ta vào tiếp quản.

Ở ngoại thành từ cuối tháng 9/1954 địch rút bỏ một số đồn bốt quan trọng như Cầu Diễn, Nhổn, Cầu Mới, Đông Trì,...Công an xâm nhập về các xã ngoại thành móc nối lại các cơ sở kháng chiến cũ chuẩn bị cho việc thành lập chính quyền xã sau khi quân địch rút quân theo thời hạn quy định. Nhờ đó ta sớm phát hiện âm mưu địch tổ chức cho các tay sai lập các tổ văn nghệ giả danh kháng chiến như tổ: "Hùng Sơn", "Hùng Tiến", "Nhân Mỹ" hoạt động ở các xã Nhân Chính, Khương Thượng, Cầu Mới, Kim Lũ để xuyên tạc bôi nhọ kháng chiến. Phát hiện tổ "Việt Nam độc lập" của tên Hoàng Diệp do Phòng nhì chỉ đạo tập hợp một số tù chính trị được tha, ngụy quân, ngụy quyền định xâm nhập các đoàn thể quần chúng ở ngoại thành, Công an ngoại thành phá vụ án này thu được 36 súng, hàng trăm lựu đạn, nhiều giấy tờ giả mạo danh các cơ quan của Liên Khu 3, Thành phố Hà Nội.

Ngày 5/10/1954 đội trật tự gồm 158 cán bộ và công an trật tự có vũ trang vào nội thành gặp đối phương làm các thủ tục chuẩn bị nhận bàn giao các quận đồn cảnh binh cơ quan công an cảnh sát ngụy quyền.

Ngày 9/10/1954 đợt tiến quân thứ nhất của bộ đội theo 5 hướng vào tiếp quản thành phố do các tổ tự vệ - Công an nội thành dẫn đường. Cùng ngày ta tiếp quản trụ sở Nha công an cảnh sát Bắc Việt, 87 Trần Hưng Đạo, đổi thành Sở Công an Hà Nội.

Sáng 10/10/1954 đợt tiến quân thứ 2 theo đội hình diễu binh của đại đoàn quân tiên phong (F308) theo 2 hướng gặp nhau ở trung tâm thành phố là Hồ Hoàn Kiếm. Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, 20 vạn nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề đẹp như ngày hội, tay cầm cờ hoa đứng chật hai bên đường vẫy tay đón mừng chính quyền và quân đội cách mạng. Công an Hà Nội đã kịp thời phát hiện âm mưu địch định gây tiếng nổ, bảo vệ an toàn cuộc hành quân và tiếp tục giữ vững trật tự trị an Thủ đô.

Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp xâm lược, được sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, được nhân dân tận tình giúp đỡ bảo vệ, Công an Hà Nội vừa chiến đấu vừa xây dựng từ lãnh đạo đến cán bộ điệp báo phản gián, giao thông đã dũng cảm kiên cường là lực lượng đi tiên phong mở đường xâm nhập vào nội thành Hà Nội bị địch tạm chiếm, kiên trì bám địa bàn địch chiếm đóng lâu dài, vượt qua biết bao gian khổ ác liệt tổ chức giao thông liên lạc giữa nội, ngoại thành (vùng bị địch chiếm đóng) với vùng tự do thông suốt trong mọi tình huống; mưu trí sáng tạo, dũng cảm bám sát đối tượng, hoạt động diệt trừ một số tên việt gian đầu sỏ ngụy ngay tại sào huyệt của chúng, phá rã ngụy quyền làm cho hậu phương của địch luôn luôn mất ổn định.

Thành tích đặc biệt xuất sắc của Công an Hà Nội là các hoạt động điệp báo phản gián đi sâu vào đầu não các cơ quan công an cảnh sát, gián điệp của Pháp và Ngụy quyền thu thập được nhiều tin tức chiến lược và âm mưu hoạt động phá hoại của địch phục vụ sự chỉ đạo kháng chiến của Trung ương Đảng, bảo vệ các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các ngành ở nội ngoại thành trong vùng địch tạm chiếm; kết hợp chặt chẽ với Công An Liên Khu III, Liên Khu IV, và công an các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, phát động quần chúng phòng gian bảo mật, tổ chức các trạm canh gác, trạm cảnh giới bảo vệ an toàn căn cứ Thành Ủy và UBKCHC Hà Nội.

Đánh thắng kẻ thù đầy mưu mô xảo quyệt hơn hẳn ta về lực lượng, tiền bạc, phương tiện kĩ thuật, Công an Hà Nội hoạt động trong vùng địch tạm chiếm đóng lâu dài, nơi tập trung cơ quan đầu não của địch đã biết dựa vào dân, được nhân dân giúp đỡ, bảo vệ, gắn bó sống chết với dân, khắc phục biết bao khó khăn gian khổ ác liệt, tổn thất biết bao xương máu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lập nên những chiến công vang dội (Đội giao liên Bát Sắt và Ban Chính Trị Ty Công an Hà Nội được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).

Hơn 200 cán bộ chiến sỹ Công an Hà Nội đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” được Nhà nước truy tặng liệt sỹ, trong đó có 4 đồng chí được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (liệt sỹ Dương Xuân Ngô tức Phan Khắc Trình, liệt sỹ Trần Văn Tích tức Bình, liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi, Liệt sỹ Mai Thị Du); 16 đồng chí được tặng thưởng Huân chương các loại; hàng trăm cán bộ bị tù đày thương tật vẫn kiên cường, dũng cảm chiến đấu với địch, sẵn sàng hy sinh vì Độc Lập Tự Do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.

Với những thành tích, chiến công oanh liệt kể trên, ngày 26/1/2018, Công an Hà Nội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 31/1/2018, các đồng chí trong Ban Giám đốc CATP, thay mặt các thế hệ CBCS Công an Thủ đô đã đón nhận danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại buổi lễ do Bộ Công an tổ chức.

Cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội ngày nay luôn ghi nhớ, khắc sâu những công lao to lớn, những chiến công oanh liệt, hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAHN trong đó có những nhân viên điệp báo, giao liên...trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; tiếp tục nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững ANCT, bảo vệ trật tự ATXH trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống.