Ngày thi đại học đầu tiên
Kỷ luật thi được siết chặt
(ANTĐ) - Cái nắng gay gắt suốt ngày 4-7 như càng làm cho không khí thi cử trở nên nóng bỏng hơn với hơn 650.000 thí sinh dự thi đợt I kỳ thi tuyển sinh ĐH 2010. Tuy nhiên, tỉ lệ thí sinh dự thi đạt hơn 74%, tăng 6,2% so với năm 2009, là một điều đáng mừng cho nhiều trường. Dẫu vậy, hầu hết Chủ tịch các Hội đồng thi đều cho rằng vẫn cần có biện pháp để giảm tỷ lệ hồ sơ “ảo”, một hiện tượng gây lãng phí, tốn kém cho cả thí sinh lẫn các trường.
Trao đổi sau giờ thi môn Toán (Ảnh chụp tại trường THCS Chu Văn An - điểm thi số 5 Đại học Mỏ - Địa chất, Thụy Khuê, Hà Nội) |
Lỗi phổ biến: Mang điện thoại vào phòng thi
Sau buổi thi đầu tiên là môn Toán, theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, cả nước có 83 trường ĐH, học viện tổ chức thi với số thí sinh (TS) dự thi là 653.532 trong tổng số hơn 861.000 thí sinh đăng ký, tăng khoảng 6,2% so với năm 2009. Tỷ lệ đến dự thi cao nhất thuộc về khối trường an ninh (trên 93%) và quốc phòng (trên 84%)… Cuối ngày, Bộ cho biết có 71 TS vi phạm quy chế thi, trong đó Hội đồng coi thi phải ra quyết định đình chỉ 51 TS, phần lớn mang điện thoại vào phòng thi, 17 TS bị khiển trách và 3 TS bị cảnh cáo. Có một cán bộ coi thi bị đình chỉ vì đã làm rách bài thi của thí sinh và một cán bộ bị khiển trách. Do lỗi của cán bộ coi thi nên bài thi bị rách vẫn được chấm như các bài thi bình thường.
Bộ GD-ĐT đánh giá, đề thi năm nay được bảo mật tuyệt đối, nội dung đề nằm trong chương trình THPT, không có sai sót; công tác coi thi được tăng cường, kỷ luật trường thi được siết chặt.
Chú ý khi đi thi! Theo nhiều hội đồng thì không còn xảy ra sai sót gì ở hồ sơ của thí sinh, nhưng các thí sinh vẫn gặp nhiều trục trặc nhỏ do quên giấy tờ, rơi giấy tờ. Tại điểm thi Đại học Công đoàn, khi chỉ còn 10 phút nữa là mở đề thi, mẹ của 1 thí sinh hớt hải cầm cả tập hồ sơ chạy vào khu vực thi nhờ cán bộ đưa hộ cả bộ giấy tờ cho con vì bà cũng không biết con mình quên loại giấy tờ gì. Tại điểm thi Đại học Thủy lợi, đội ngũ tình nguyện viên làm nhiệm vụ ở cổng trường cũng cho biết trong ngày làm thủ tục thi và sáng 4-7 đã có vài trường hợp thí sinh làm rơi chứng minh nhân dân và các bạn đều giúp tìm lại được. Chủ tịch Hội đồng thi điểm thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội Đoàn Văn Vệ cho biết: Các thí sinh thường hay mất bình tĩnh, hay xảy ra sơ sót không đáng có. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi cho các em, giám thị vẫn thường xuyên nhắc nhở thí sinh về những vật dụng không được phép mang vào phòng thi, nhất là điện thoại di động. Ngay trước khi bóc đề, giám thị lại nhắc nhở thí sinh một lần nữa, tránh trường hợp đáng tiếc. |
Tuy nhiên, mặc dù đã được lưu ý rất nhiều lần nhưng vẫn có những TS bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi. Ông Phạm Duy Hoà - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng cho biết, theo báo cáo từ hội đồng thi trường THCS Tam Hiệp (Thanh Trì), thí sinh Nguyễn Chí T., đến từ Sơn La đã bị đình chỉ thi vì giấu theo điện thoại trong… ống quần. Giám thị phát hiện hành vi này khi điện thoại của thí sinh đổ chuông sau khi làm bài thi được mấy phút. Một thí sinh khác tại điểm thi trường ĐH Phương Đông của trường ĐH Thủy lợi cũng bị đình chỉ thi sau khi phát đề được 10 phút vì lỗi vi phạm tương tự.
Cũng trong buổi thi Toán, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại Hà Nội, ông Bùi Xuân Nhàn, cho biết đã có tới 8 TS của trường bị đình chỉ thi. Trong đó có 6 TS mang điện thoại di động vào phòng thi, một trường hợp bị phát hiện ghi công thức Toán trong máy tính, một trường hợp mang tài liệu vào phòng thi. Thông tin từ Hội đồng thi trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, 1 thí sinh thi tại điểm thi trường THPT Trương Định bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Toán dễ thở - Lý khó nhằn
Chỉ mới hết 2/3 thời gian làm bài môn Toán, trước cổng Học viện Ngân hàng đã lác đác có thí sinh rời điểm thi. Giữa gần chục sĩ tử ra khỏi phòng thi sớm với khuôn mặt buồn bã vì không làm được bài, thí sinh Lê Phương Uyên đến từ Bắc Ninh lại khá hồ hởi. Cô cho biết: Độ khó của đề thi năm nay tương đương như năm ngoái, khó nhất vẫn là câu bất phương trình. Em làm được khoảng hơn 90%. Thí sinh Nguyễn Công Minh ở điểm thi trường Tiểu học Dịch Vọng A của trường ĐH Giao thông vận tải thì nhận xét: Đề thi năm nay khó nhưng không đến mức đánh đố, đặc biệt câu tích phân lại rất dễ. Em và phần lớn thí sinh làm được khoảng 70% bài thi.
Sau buổi thi môn Toán, số thí sinh bỏ thi môn Vật lý ở Hội đồng thi Học viện Ngân hàng là 53. Ở môn này, nhiều thí sinh than là “khó nhằn” hơn môn Toán, bài tập khó nhất liên quan tới kiến thức về điện xoay chiều.
Giảm thí sinh “ảo” nhưng vẫn lỗ nhiều
Theo phản ánh của nhiều trường ĐH trên địa bàn Hà Nội, tỉ lệ thí sinh dự thi năm nay đã có xu hướng tăng lên. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có số thí sinh đến làm thủ tục đạt gần 60%, tăng gần 10% so với năm ngoái. Trường ĐH Giao thông vận tải có hơn 15.400 thí sinh (69%) thí sinh có mặt trong tổng số hơn 22.000 hồ sơ đăng ký, tăng 8% so với năm 2009. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội có 11.632 thí sinh tới dự thi, đạt 77,47%, cao hơn 10% so với kỳ tuyển sinh trước. Nhiều người cho rằng việc tăng lệ phí và yêu cầu nộp lệ phí cùng hồ sơ đăng ký đã giúp tỉ lệ thí sinh ảo giảm bớt. Tuy nhiên, theo Phó Hiệu trưởng trường ĐH Dược Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Học: “Các trường vẫn phải căn cứ vào số TS đăng ký rồi tính ra số phòng thi để thuê địa điểm thi. Tỉ lệ thí sinh dự thi dù có tăng lên, song không đáng kể và không làm vợi bớt gánh nặng tài chính cho các trường”. Trường ĐH Dược năm nay có tỉ lệ dự thi hơn 62% với 1.612 thí sinh, cao hơn chút ít so với năm ngoái (60%).
Duy Anh
2 Thứ trưởng đi kiểm tra đột xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra lưu động đột xuất do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đến Viện Đại học Mở Hà Nội và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển dẫn đầu đến Học viện Kỹ thuật mật mã, Thanh Xuân, Hà Nội. Sau khi đi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng 2010, TS. Nguyễn Vinh Hiển đã nhận xét: Nhìn chung, buổi thi đầu tiên đã diễn ra trong không khí yên tĩnh và trật tự, kỷ luật thi được siết chặt. Các trường, trong đó có Học viện Mật mã đã chuẩn bị kỹ càng cho kỳ thi ở tất cả mọi khâu như: hướng dẫn thí sinh làm thủ tục chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi về ăn nghỉ cho thí sinh, tập huấn cho tất cả cán bộ coi thi, thanh tra thi... Học viện Kỹ thuật mật mã tổ chức cho tất cả các thí sinh ăn, nghỉ tại trường và chỉ thu 25.000 đồng tiền điện, nước. Chỉ cao 1,1m vẫn quyết tâm thi Chiều cao “khiêm tốn” không làm Thảo tự ti, ngược lại em vẫn rất quyết tâm và hào hứng dự thi ngành Công nghệ thông tin mơ ước của mình. Sau buổi thi thứ nhất, Thảo vui vẻ cho biết em sinh ra ở thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam ), trong một gia đình có bố là giáo viên THCS, mẹ là nông dân nên hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Thảo là con đầu trong nhà có hai chị em. Về chiều cao hạn chế của mình Thảo cho biết em bị lùn bẩm sinh từ nhỏ. Trường hợp của em Thảo thêm một minh chứng về chuyện dáng vóc, kích thước cơ thể không bao giờ là hạn chế của khát vọng, trí tuệ. (Theo TTXVN) |