Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Liên bang Nga Denis Manturov:

Ký kết hiệp định thương mại tự do: Có lợi cho cả đôi bên

ANTĐ - Đi cùng chuyến bay trên chiếc chuyên cơ chở đoàn tháp tùng Thủ tướng Liên bang Nga D. Medvedev thăm Việt Nam, phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Liên bang Nga ngài Denis Manturov (ảnh dưới) xung quanh những vấn đề nóng đang được hai nước quan tâm.

Ký kết hiệp định thương mại tự do: Có lợi cho cả đôi bên ảnh 1
- An ninh Thủ đô: Hiện tại có 17 dự án đầu tư trọng điểm với trị giá hơn 20 tỷ USD đang được Ủy ban Liên Chính phủ Việt - Nga triển khai, với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên gấp 2,5 lần vào năm 2020. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mục tiêu này? Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan sắp được ký kết, điều này có ý nghĩa như thế nào với hoạt động thương mại giữa hai nước?

- Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Liên bang Nga Denis Manturov: Chúng tôi đã có các cuộc đàm phán liên quan đến khu vực tự do mậu dịch với Việt Nam. Kim ngạch hiện nay giữa hai nước Liên bang Nga và Việt Nam đạt 3,7 tỷ USD, con số này thấp quá. Như bạn đã biết, Chính phủ hai nước đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 nâng mức kim ngạch lên 10 tỷ USD. Con số 10 tỷ cũng chưa phải là giới hạn cuối cùng vì tiềm năng của hai quốc gia còn rất lớn. Con số này rất có thể tăng thêm nữa. Khi Việt Nam ký hiệp định tham gia Liên minh kinh tế Á-Âu thì sẽ có rất nhiều cơ hội, bao gồm việc đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế các nước trong Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ thuận lợi hơn, gia tăng nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển. Thương mại hai chiều, ba chiều, song phương đa phương trong nhóm này cũng sẽ gia tăng, do đó các con số đề ra ban đầu hoàn toàn khả thi và chắc chắn sẽ đạt được.

Về hợp tác kinh tế, Việt Nam và Nga có rất nhiều dự án ưu tiên chung gồm nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô. Đồng thời, chúng tôi biết Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhẹ, như: dệt may, da giày… Trong khi, lĩnh vực này ở nước Nga trước đây cong rất non kém. Hiện tại, chúng tôi cũng quan tâm và sẽ tổ chức khu vực công nghiệp nhẹ ở nước Nga phải phát triển hơn nữa. Chúng tôi cũng nhìn thấy tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Nga với việc Việt Nam có thể đầu tư vào Nga trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ.  Như vậy sẽ có lợi cho cả đôi bên, hơn nữa đó cũng là lợi thế của Việt Nam. Về vấn đề này, chúng tôi đã đối thoại với Việt Nam nhiều tháng nay và chuyến thăm Của Thủ tướng Nga tới Việt Nam lần này  cũng đã đề cập đến.

Tôi muốn nhắc lại một lần nữa, giữa Nga và Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư ưu tiên trị giá 20 tỷ USD. Ngày 6-4, tôi cũng đã trao đổi với các đồng sự tại Bộ Công thương Việt Nam. Nga sẽ theo dõi giám sát tiến trình đầu tư các dự án và trong số 17 dự án ưu tiên này có 2 dự án đã sẵn sàng triển khai đó là dự án titan. Một công ty dày dặn kinh nghiệm của Nga về làm giàu mỏ, làm giàu quặng cũng đã bắt tay vào triển khai đầu tư tại Việt Nam. Về phía Nga, các đơn vị cũng đã sẵn sàng bỏ vốn đầu tư trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, mỏ.

- Bộ trưởng vừa đề cập đến dự án quặng titan. Vậy, xin hỏi việc khai thác này  ảnh hưởng đến môi trường ra sao? Nga áp dụng công nghệ nào tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường?

- Bộ trưởng Denis Manturov: Mỗi quốc gia đều có tiêu chuẩn về môi trường và sinh thái, với những dự án này, công nghệ của chúng tôi sẽ đáp ứng đủ tiêu chuẩn và quy định môi trường của Việt Nam. Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam sẽ theo dõi sát vấn đề này và cho đến nay không có vấn đề gì. Nga là nước sản xuất titan lớn nhất thế giới. Chúng tôi cung ứng các sản phẩm titan này cho Airbus, Boeing… 60% thành phẩm từ titan mà Boeing mua chính là từ Nga. Cho nên, đối với lĩnh vực khai thác titan, tiêu chuẩn của Nga rất chặt chẽ. Tất nhiên bất kỳ ngành khai thác khoáng sản thiên nhiên nào cũng có vấn đề nhất định với môi trường. Trong quá trình sản xuất titan sẽ có khí clo tỏa ra môi trường nhưng chưa có trường hợp nào tại Nga vi phạm tiêu chuẩn môi trường, vì chúng tôi áp dụng công nghệ lọc rất hiện đại.

60% thành phẩm từ titan mà Hãng máy bay Boeing mua chính là từ Nga (ảnh minh họa)


- Ở Việt Nam một thời, những chiếc ôtô U oát (hãng UAZ - Ulyanovskiy Avtomobilnyi Zavod), hay xe tải Kamaz, vốn rất phổ biến và quen thuộc do Liên Xô sản xuất. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về các dòng ô tô Nga dự định tiếp cận thị trường Việt Nam?

- Bộ trưởng Denis Manturov: Hôm qua 6-4, chúng tôi đã có tổ chức các cuộc đối thoại với một số công ty sản xuất, chế tạo và lắp ráp ô tô của Nga là đối tác với Việt Nam. Như các bạn cũng biết, xe UAZ của Nga đã trở thành một thương hiệu mà Việt Nam đã biết rất rõ. Vấn đề đặt ra không chỉ là cung ứng những mẫu ô tô này sang Việt Nam mà phải tổ chức lắp ráp ở Việt Nam nhắm làm tăng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam càng ngày càng cao lên. Hay với thương hiệu xe Kamaz, hướng phát triển sản phẩm này của Nga tại Việt Nam cũng không chỉ là bán ô tô vận tải Kamaz mà còn phải tổ chức lắp ráp, bảo hành, bảo dưỡng ở Việt Nam nữa. Ngoài ra, các dòng Nissan Nga (liên doanh tại Nga), chúng tôi cũng tính đến khả năng đưa Nissan Nga vào hợp tác liên kết với Việt Nam để phát triển mặt hàng này ngay tại Việt Nam.

                                   Ô tô Kamaz, một thương hiệu nổi tiếng của Nga

-  Theo Bộ trưởng, sau khi Việt Nam gia nhập Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan thì ngành nghề nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?

- Bộ trưởng Denis Manturov: Trước hết là những ngành công nghiệp quy mô lớn. Bởi quy mô lớn ở thị trường lớn sẽ có khối lượng sản xuất lớn, nhiều sản phẩm, lượng đầu tư lớn hơn và cùng đó doanh thu lớn. Điều quan tâm giữa hai nước là làm sao tổ chức sản xuất trực tiếp tại Việt Nam và các sản phẩm không chỉ bó gọn ở Việt Nam mà sẽ trở thành thương hiệu chung có thể xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á và thậm chí là khu vực rộng hơn nữa.

Còn đối với những ngành nghề truyền thống của Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang nước khác như nông nghiệp (rau, củ...); với việc khu tự do mậu dịch hình thành, Việt Nam sẽ có lợi hơn vì thị trường được mở rộng. Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang Nga mà còn xuất khẩu sang các nước khác như Kyrgyzstan, Armenia, Belarus, Kazakhstan (các nước cũng thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu). Cơ hội xuất khẩu, miễn thuế hoặc thuế thấp đối với Việt Nam là rất lớn.

- Thủ tướng Nga Medvedev đã nhấn mạnh: "Xin nói thẳng, đối với chúng tôi đó là thực tế rất hiếm có khi mời gọi đối tác nước ngoài tham gia khai thác trên lãnh thổ Liên bang Nga, ... nhưng đây là ngoại lệ, là phương án đặc biệt mà chúng tôi chuẩn bị dành cho đối tác Việt Nam của mình”. Vậy, Bộ trưởng có thể cho biết thêm về dự án thành lập khu công nghiệp nhẹ Việt - Nga trên lãnh thổ Liên bang Nga, nơi hiện có khoảng 80.000 người Việt đang sinh sống? Nga sẽ có những ưu đãi gì qua dự án này?

- Bộ trưởng Denis Manturov: Chúng tôi đã đề nghị với Việt Nam 3 nơi có thể xây dựng khu công nghiệp nhẹ là Viễn Đông, Primorsko, tỉnh Matxcơva (ngoại ô Thủ đô Matxcơva). Những địa điểm này đều thuận tiện giao thông, hạ tầng, xã hội… Khu công nghiệp này sẽ chủ yếu chú trọng ngành dệt may và đóng giày.

- Các khu công nghiệp nhẹ Việt - Nga có chính sách sử dụng người lao động người Việt ở Nga không?

- Bộ trưởng Denis Manturov: Về lao động, tôi cho rằng tại những cơ sở này sẽ có cả lao động Nga và Việt.

- Kinh tế hai nước Nga – Việt sẽ được lợi gì khi việc thanh toán trực tiếp bằng tiền đồng và tiền rúp diễn ra?

- Bộ trưởng Denis Manturov: Việc này cần sự phối hợp của Chính phủ hai nước. Khi thanh toán trực tiếp bằng tiền đồng và tiền rúp, thì kinh tế và giá trị đồng nội tệ của mỗi nước sẽ vững lên. Hiện chúng tôi đã thanh toán đồng nội tệ với Ấn Độ và Trung Quốc. Việt Nam và Liên bang Nga sẽ tiến dần đến việc thanh toán trực tiếp này.

- Cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn An ninh Thủ đô!