Chiến lược xuất khẩu lao động ở Philippines:
Kỳ 2: Ứng phó với suy thoái kinh tế
(ANTĐ) - Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã có tác động mạnh đến thị trường lao động nói chung và hoạt động XKLĐ nói riêng. Với Philippines, cuộc suy thoái này tạo ra những khó khăn và bộc lộ những nghịch lý vốn có nhưng cũng là cơ hội để nước này tái cơ cấu thị trường, đào tạo lại lao động hướng tới những thị trường tiềm năng.
>>> Kỳ 1: Kinh nghiệm và những bài học
Y tá là ngành XKLĐ chủ lực của Philippines |
Khó khăn và nghịch lý
Do khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp nhiều nước cắt giảm nhân công nên phải đóng cửa với lao động nước ngoài để cứu vãn tình trạng thất nghiệp trong nước. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... các ngành công nghiệp ôtô gần như đều phải cắt giảm nhân công trong nước.
Bản thân ngay trong thị trường Đông Nam á, nếu trước đây xây dựng, đóng tàu và sản xuất từng là những ngành công nghiệp “nóng” ở Singapore, tuyển dụng đến gần 800.000 lao động nhập cư trong năm 2007 nhưng khi kinh tế rơi vào suy thoái, nhu cầu lao động bắt đầu giảm mạnh, nhiều dự án lớn bị hủy hoặc hoãn, dẫn đến những vụ sa thải hàng loạt lao động. Hay như Malaysia - nước thu nhận nhiều lao động nhập cư nhất khu vực đã đóng cửa thị trường với hàng loạt kế hoạch giảm số lao động nhập cư đến cuối năm 2010.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong năm 2009, toàn thế giới sẽ cắt giảm khoảng 210 triệu chỗ làm. Philippines, quốc gia XKLĐ lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và ấn Độ lo ngại trường hợp xấu nhất xảy ra là 800.000 người có thể mất việc năm 2009. Nhiều quốc gia khác như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam cũng không tránh khỏi các tác động tiêu cực tương tự.
Lao động mất việc trở về, họ rơi vào tình trạng mất thu nhập, khó tìm việc, nhiều người còn là con nợ tại quê nhà bởi đã chạy vạy vay tiền để có tiền đi XKLĐ. Những người chọn cách ở lại nước ngoài thì mang thân phận lao động phi pháp, chấp nhận làm những công việc có thu nhập rẻ mạt và những nghề mang tính rủi ro cao. Bởi vậy, theo phân tích của nhiều chuyên gia về lao động nhập cư của các tổ chức quốc tế, suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của nó đến lao động nhập cư cho thấy họ dễ bị tổn thương, bởi họ là những người được tuyển dụng cuối cùng và bị sa thải đầu tiên.
Thời kỳ kinh tế khó khăn, dường như những mặt trái của các chính sách tăng cường XKLĐ bộc lộ rõ ràng hơn. Không thể phủ nhận những lợi ích từ nguồn nhân lực xuất khẩu này nhưng có tác động xã hội mà Philippines phải trả giá: Đó là nạn lao động bị đối xử bất công, thậm chí tồi tệ mà không có ai bênh vực và nạn buôn người, nhất là những phụ nữ bị lừa đi làm người giúp việc nhưng lại rơi vào nhà chứa. Không kể số tiền lớn gửi về từ nước ngoài làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo trong nước, rồi nhiều tổ chức xã hội đã lên tiếng cảnh báo về hạnh phúc của những gia đình có người đi làm xa lâu ngày.
Một nghịch lý khác rất dễ nhận thấy là tình trạng chảy máu chất xám, mà trường hợp Philippines - “cường quốc” về XKLĐ ở Đông Nam Á khá điển hình. Bộ Y tế Philippines cảnh báo 85% trong tổng số 165.000 y tá của nước này đang làm việc tại ít nhất 46 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó Philippines là nguồn cung cấp y tá nước ngoài hàng đầu cho Mỹ. Những năm gần đây, 3 trường y phải đóng cửa do số sinh viên đầu vào quá thấp, trong khi đó nhiều sinh viên đã tốt nghiệp, thậm chí một số lượng lớn các bác sĩ đã chuyển qua học nghề y tá để có cơ hội đi nước ngoài với thu nhập cao hơn nhiều lần.
Người lao động mất việc do suy thoái kinh tế tham gia các lớp học kinh doanh nhỏ do Nhà nước tổ chức |
Giải pháp và tín hiệu lạc quan
Lao động mất việc ở một số thị trường truyền thống tạo ra cơ hội mới cho việc cung ứng lao động sang những thị trường tiềm năng khác, với Philippines thì đó là những hợp đồng mới ở Qatar, Saudi Arabia, Canada, Australia và Nhật Bản. Chính phủ đã chịu khó tìm kiếm hợp đồng mới bằng nỗ lực “tiếp thị” cho lao động Philippines, chủ yếu sang Trung Đông để mang thêm kiều hối về nước. Gần đây, họ đã bàn thảo vấn đề này với giới chức Arab Saudi tại Riyadh, nơi có hơn 1 triệu nhân công Philippines đang làm việc và cũng đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm lao động xuất khẩu sang Iraq, nơi đang tìm kiếm 10 triệu lao động.
“Chúng tôi sẽ đưa “siêu giúp việc” ra nước ngoài”, đó là phát biểu của Tổng thống Philippines Gloria Macapagal-Arroyo về chương trình đào tạo mới nhằm giúp những lao động vừa trở về. Chương trình do Cơ quan Phát triển kỹ năng và giáo dục Philippines thực hiện, người giúp việc giờ đây không chỉ biết dọn dẹp, nấu ăn mà còn có kỹ năng sơ cứu ban đầu và sơ tán trong trường hợp hỏa hoạn.
Nước này hy vọng rằng sau khi được trang bị những kỹ năng mới, lao động của họ có thể tìm được việc với mức lương cao hơn. Cùng với đó là việc sắp xếp lại thị trường lao động trong nước, tạo cơ hội cho người lao động phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình hay hỗ trợ các gia đình di dân lao động để giảm sự lệ thuộc vào nguồn ngoại tệ gửi về bởi tỷ lệ thất nghiệp trong nước không phải là nhỏ.
Theo thống kê mới nhất, bất chấp khủng hoảng kinh tế, lượng kiều hối gửi về Philippines tháng 5-2009 đạt kỷ lục mới là 1,48 tỷ USD, nâng tổng số ngoại tệ thu về trong 5 tháng đầu năm là 6,98 tỷ USD. Trước đó, năm 2008 là một năm Philippines có nguồn kiều hối đạt kỷ lục chưa từng có: 16,4 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm trước. Số LĐXK của Philippines trong năm 2008 cũng tăng 27,8%, tương đương hơn 1,3 triệu người.
Con số tăng trưởng này vẫn được duy trì do nhu cầu lao động có kỹ năng và chuyên nghiệp vẫn tăng cao, nhất là ở một số thị trường như Canada, Bulgaria, Australia, UAE và Qatar với các ngành năng lượng - điện, khách sạn - du lịch, nhà đất… Những tín hiệu lạc quan ở Philippines cho thấy, nhu cầu về lao động vẫn đang rộng mở, nhất là khi kinh tế thế giới đang từng bước phục hồi. Hoạt động XKLĐ thời kỳ suy thoái kinh tế này sẽ vẫn khởi sắc nếu biết khai thác thị trường và thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ.
Hải Yến
(Tổng hợp)