Sa thải người lao động tại Quảng Ninh:
Kỳ 2: Rạch ròi vụ việc để bảo vệ nhân phẩm người lao động
(ANTĐ) - “Nếu sai sót ngay trong khu vực tôi quản lý, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng với quá trình di chuyển gần 100km đường biển của tàu giao nhận than mà quy trách nhiệm cho tôi - giám định viên tại Cảng Bến Cân là điều không chấp nhận được. Làm sao mà tôi theo dõi, kiểm tra trong suốt hành trình vận chuyển của tàu có thêm bớt than hay không?” - ông Mạc Văn Độ rất bức xúc trước quyết định sa thải của Công ty cổ phần Giám định KTV.
Với vali chứa đơn thư kêu cứu, ông Mạc Văn Độ cầu cứu khắp nơi |
Bùng nhùng quy trình kiểm định
Ngày 10-8-2008, cơ quan công an đã trưng cầu Chi nhánh Công ty Giám định khử trùng FCC (Công ty FCC) thực hiện việc giám định lại khối lượng than trên đoàn phương tiện. Công ty FCC chỉ đo mớn dầm và đo độ ẩm (kết quả độ ẩm than sau mưa bão là 11,88%, trước đó là 9,64%) mà không đo mớn nổi. Đã thế, việc giám định lại được thực hiện ở địa điểm và không gian khác và Công ty FCC còn “bổ sung” kết quả đo mớn nổi lấy từ kết quả đo ban đầu của chính giám định viên Mạc Văn Độ!
Theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm VN và đồng thời theo quy trình giám định than do TKV ban hành, thì trước hết phải đo “mớn nổi” (là số đo khi sà lan chưa có hàng), sau đó đo “mớn dầm” (là số đo khi sà lan đã nhận hàng), rồi kết hợp với đo độ ẩm than rồi tính trọng lượng than.
Để tìm hiểu sự việc, nhóm phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã trao đổi với ông Đào Quang Tuấn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giám định và khử trùng FCC. Ông Tuấn đã xác nhận việc chỉ đo mớn dầm và lấy mớn nổi ban đầu của Công ty cổ phần Giám định KTV! Ông Tuấn khẳng định: “Đó chỉ là nguyên tắc của quy trình giám định, nhưng trong những trường hợp đặc biệt, thì không cần phải làm đúng quy trình đó…”.
Cho dù là “trường hợp đặc biệt” nào thì Công ty FCC cũng đã vi phạm quy trình giám định số lượng than. Việc “giám định tắt” như trên đã khiến cho số lượng than “thừa ra” đến 35,53 tấn! Và chính từ kết quả kiểm định của FCC mà 4 nhân viên - trong đó có giám định viên Mạc Văn Độ đã bị sa thải vì tội “sai lệch quá tỷ lệ cho phép >2%…” theo quy định của tập đoàn.
Hơn nữa, trong số những người cùng liên kết để “thông đồng trộm cắp than” theo như kết luận của ông Lê Chí Phúc, chỉ những thủy thủ thuộc đoàn phương tiện TĐ 72-4 HP 0165 là “may mắn” không bị sa thải do công ty vận tải của họ không thuộc tập đoàn TKV. Và đương nhiên, họ không hề phải gánh chịu hậu quả từ kết luận thanh tra của ông Lê Chí Phúc ngày 3-9-2008.
Hòa giải không thành
Sau hai lần gửi đơn khiếu nại lên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vào tháng 9 và tháng 10-2008 nhưng không thành, ông Độ đã làm đơn kêu cứu khắp nơi. Ông Mạc Văn Độ một mực khẳng định, trong quá trình thực hiện việc giám định than khi rót xuống đoàn sà lan tại Cảng Bến Cân là tuân thủ đúng quy trình giám định khối lượng hàng hóa trên phương tiện thủy nội địa bằng phương pháp giám định theo mớn nước được quy định tại Quyết định 2982 ngày 29-12-2006 của TKV. Do vậy, ông Độ không chấp nhận kết quả đo trên của Công ty Giám định khử trùng FCC, cũng như không chấp nhận việc khối lượng than tăng thêm 35,53 tấn trên đoàn tàu đẩy nói trên.
Càng vô căn cứ khi quy kết ông cùng 3 ông Dân, Thịnh, Chít thông đồng để lấy cắp than, dẫn đến việc sa thải vì trong hợp đồng giao nhận hàng do Công ty Kho vận đá bạc và Công ty Vận tải thủy số 4 ký kết nêu rõ: …phương tiện phải chịu trách nhiệm bảo vệ than cả về chất lượng và số lượng trong quá trình vận chuyển. Nếu trong quá trình vận chuyển chất lượng than bị sai lệch như tăng độ ẩm, độ tro, giảm phẩm cấp than thì bên B (Công ty Vận tải thủy số 4) phải chịu trách nhiệm…”.
Ông Độ cương quyết: “Tôi sẽ phải làm rạch ròi vụ việc này. Đó không chỉ là công việc mà còn là danh dự, nhân phẩm của tôi. Tôi không trộm cắp mà đi đâu người ta cũng xì xào, bàn tán. Nếu đúng theo như kết luận của Công ty CP Giám định KTV về việc tôi và một số người khác thông đồng trộm cắp than, tôi sẽ đề nghị cơ quan công an cho khởi tố vụ án để làm rõ vụ việc và những người liên quan!”.
Hiện tại, ông Mạc Văn Độ cũng đã khởi kiện Công ty CP Giám định TKV, có trụ sở tại TP Hạ Long lên TAND thành phố Hạ Long vì cho rằng công ty đã dựa vào những căn cứ không phù hợp để sa thải ông. Ngày 25-3-2009 vừa qua, TAND TP Hạ Long đã tiến hành hòa giải lần đầu giữa ông Độ với Công ty CP Giám định TKV nhưng không thành. Dự kiến đến ngày 24-4-2009, TAND thành phố Hạ Long sẽ tiếp tục hòa giải lần 2 theo đúng trình tự luật định.
Nhóm PV