Đưa hoạt động quảng cáo vào khuôn khổ:
Kỳ 1: “Loạn” biển quảng cáo
(ANTĐ) - Mặc dù đã có chế tài xử phạt khá nghiêm khắc, nhưng thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp vẫn cố tình đặt biển quảng cáo tấm lớn trái phép hoặc sai phép trên địa bàn TP Hà Nội. Nhà quản lý thì đau đầu với các sai phạm còn doanh nghiệp thì vì “cơm, áo, gạo, tiền” nên nghĩ ra đủ trăm phương ngàn kế nhằm “lách luật”.
Nhắm mắt làm liều
Một trong những khu vực được Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội coi là điểm nóng trong lĩnh vực quảng cáo trái phép là tuyến đường Thăng Long - Nội Bài. Theo ông Lê Sơn Hà - Phó Chánh thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Từ cuối năm 2008, lực lượng thanh tra đã tiến hành tập trung cưỡng chế toàn bộ những biển quảng cáo tấm lớn không phép, sai phép và không đúng quy hoạch trên tuyến đường này.
Đã có tổng cộng 67 biển các loại bị dỡ bỏ. Đây là tuyến đường lớn, lại nối với cảng hàng không quốc tế Nội Bài nên là vị trí khá đắc địa cho nhiều doanh nghiệp tham gia dựng biển quảng bá sản phẩm tại đây. Những tấm biển quảng cáo nói trên được dựng với mức độ dày đặc, cao thấp khác nhau nên rất xấu gây ảnh hưởng đến mỹ quan cả khu vực. Bên cạnh đó cũng phải nói tới nhiều biển xây dựng khá cẩu thả, chất lượng kết cấu không đảm bảo dẫn đến mất an toàn cho người đi đường.
Biển quảng cáo sai phép đã bị xử lý (ảnh do Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội cung cấp) |
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2009 Thanh tra Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm và tháo dỡ khung biển quảng cáo trái phép, bóc, xóa các quảng cáo rao vặt trên tường, bảng chỉ dẫn, gốc cây, cột điện, tháo dỡ các băng rôn, cờ phướn làm mất mỹ quan đô thị. Kết hợp đồng bộ biện pháp xử phạt hành chính và đề xuất tạm ngừng cung cấp giấy phép thực hiện quảng cáo đối với những doanh nghiệp chây ỳ, cố tình vi phạm, vừa xử lý các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, vừa xử lý cả doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo trái phép.
Tuy nhiên theo ông Hà, công tác xử lý hiện nay còn nhiều khó khăn bởi thanh tra văn hóa chỉ có trách nhiệm xử lý về mặt nội dung của biển quảng cáo, còn phần chân biển lại phải phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Bởi vậy, có thể thấy ở nhiều khu vực, các biển quảng cáo tấm lớn vi phạm đều đã được dỡ bỏ, nhưng phần chân là những trụ sắt đen xì vẫn ở lại. Thậm chí, không ít đơn vị làm dịch vụ quảng cáo biết là dựng sai vì không có giấy phép, thế nhưng, lợi nhuận thu được từ những hợp đồng quá lớn nên họ vẫn nhắm mắt làm liều. Đến khi thanh tra phát hiện thì lẳng lặng bỏ trốn bởi số tiền phải bỏ ra cho chi phí tháo dỡ quá cao.
Cần xử lý kiên quyết
Chính vì nhu cầu quảng cáo hiện nay quá lớn, trong khi các điểm quảng cáo lại quá ít nên đã có không ít doanh nghiệp bằng đủ mọi cách đánh bài liều chỉ cốt dựng xong biển, thu xong tiền của khách hàng rồi… sống chết mặc bay. Điển hình như hồi đầu tháng 3-2009 lực lượng thanh tra văn hóa đã phát hiện Công ty cổ phần Quảng cáo và truyền thông Thành Công có trụ sở tại P1103 nhà M3-M4 số 91 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội có dấu hiệu giả mạo giấy phép thực hiện quảng cáo.
Biển quảng cáo vi phạm đã được dỡ bỏ, nhưng phần chân cột vẫn... trơ trơ |
Trước đó, công ty này đã có nhiều hoạt động vi phạm hành chính trên lĩnh vực quảng cáo như treo dựng biển trái phép trên địa bàn huyện Đông Anh, Sóc Sơn và một số tuyến phố trong nội thành Hà Nội gây tác động xấu tới xã hội. Nhiều lần cơ quan quản lý các cấp phải xử phạt và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các biển quảng cáo do công ty này dựng nên.
Tuy nhiên vừa qua công ty này lại tiếp tục thực hiện quảng cáo trái phép cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ tại 520 Đê La Thành và 132-134 Nguyễn Chí Thanh. Công ty Thành Công đã giả mạo giấy phép thực hiện quảng cáo số 253 ngày 20-10-2008 và 255 ngày 13-10-2008 do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp. Chỉ vì lợi nhuận trước mắt, doanh nghiệp đã dám làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức Nhà nước.
Một chiêu khác của các doanh nghiệp làm dịch vụ quảng cáo là đăng ký trụ sở tại một địa điểm, nhưng sau đó lại âm thầm chuyển trụ sở đến địa chỉ khác. Đây là một cách trốn tránh cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra khi doanh nghiệp bị phát hiện dựng biển quảng cáo trái phép.
Chính vì vậy, có lẽ Sở VH-TT&DL cần kiến nghị với thành phố về phân cấp quản lý biển quảng cáo tấm lớn, sau khi quy hoạch nên để cấp quận, huyện thực hiện. Với loại hình quảng cáo tấm nhỏ thì Sở VH-TT&DL quản lý vì với loại hình quảng cáo loại này có thể thực hiện ở nhiều nơi, tốn nhiều thời gian, trong khi quảng cáo tấm lớn ít phức tạp hơn.
(Còn nữa)
N.Long