“Kinh tế”... vỉa hè

(ANTĐ) - Không hẹn mà gặp cả Hà Nội và TP.HCM, trong nhiều năm qua hết sức lúng túng, tìm cách tháo gỡ tình trạng rắc rối, phức tạp trong hoạt động kinh doanh buôn bán trên vỉa hè. Cuối cùng, chính quyền hai thành phố đều chấp nhận “kinh tế” vỉa hè khi ban hành quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè. 

“Kinh tế”... vỉa hè

(ANTĐ) - Không hẹn mà gặp cả Hà Nội và TP.HCM, trong nhiều năm qua hết sức lúng túng, tìm cách tháo gỡ tình trạng rắc rối, phức tạp trong hoạt động kinh doanh buôn bán trên vỉa hè. Cuối cùng, chính quyền hai thành phố đều chấp nhận “kinh tế” vỉa hè khi ban hành quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè. 

Chưa có ai “tính tuổi” kinh tế vỉa hè với hàng vạn người dân sống bám vào vỉa hè làm chốn mưu sinh. Mới đây, một viện kinh tế đã công bố đề tài nghiên cứu khoa học hết sức nghiêm túc về “kinh tế” vỉa hè. Kết quả được khảo sát tại một số điểm “đậm đặc” kinh doanh trên các tuyến phố trọng điểm cho thấy, có gần 500 buôn bán “di động”, 2.100 trường hợp buôn bán thường xuyên và hơn 5.000 trường hợp các hộ mặt tiền lấn chiếm vỉa hè buôn bán.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhóm buôn bán “di động” đa phần là người dân ngoại thành và ngoại tỉnh, còn lại buôn bán cố định trên vỉa hè đa số là dân thành thị. Có khoảng 33% kinh doanh hàng ăn uống, 44,3% kinh doanh các loại dịch vụ và 22,7% kinh doanh khác. Theo khảo sát, hầu hết người buôn bán trên vỉa hè xem đây là “mảnh đất” kiếm sống phù hợp, chỉ có 4% cho rằng vì chưa tìm được việc làm.

Gần 85% người kinh doanh trên vỉa hè cho biết họ đã từng bị “giải tán” nhưng sau đó lại hoạt động như cũ theo kiểu “bèo tan lại hợp”. Đặc biệt, hơn 60% người làm ăn trên vỉa hè cho rằng, việc siết chặt quản lý vỉa hè làm cho họ mất khách quen; 41% người kinh doanh lưu động sợ ngồi chỗ cố định sẽ phải đóng phí và họ khẳng định vẫn tiếp tục buôn bán và mong muốn được yên ổn làm ăn.

Nhóm nghiên cứu đã ra một kết luận rất đáng để các nhà quản lý quan tâm là, do đường nhỏ hẹp, dân số và phương tiện giao thông xe máy ngày càng tăng, cộng với thực trạng thiếu chỗ đỗ xe ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dẫn đến tâm lý người đi xe máy thường dừng lại bên lề đường, vỉa hè để mua hàng, tạo cơ hội cho kinh doanh vỉa hè phát triển.

Trên thực tế, hầu hết các đô thị ở Việt Nam đều thừa nhận sự tồn tại của kinh tế vỉa hè như một tất yếu đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận dân cư cũng như thói quen buôn bán, sinh hoạt “tiểu thương” của dân ta. Trước mắt, phải “vui vẻ” chấp nhận sự tồn tại và duy trì “kinh tế” vỉa hè, tức là chấp nhận mức sống còn quá thấp của nhóm dân cư đô thị.

Chấp nhận không có nghĩa khuyến khích, cổ vũ và để cho nó “sống” dai dẳng. Giải quyết nghịch cảnh giữa mỹ quan, trật tự đô thị và nhu cầu mưu sinh duy nhất của một bộ phận thị dân phụ thuộc vào “kinh tế” vỉa hè rất cần nhiều thời gian. Cái khó là phải từng bước sắp xếp và quản lý, cùng lúc phải thay đổi dần thói quen mua bán, ăn uống, sinh hoạt trên vỉa hè.

Theo ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố và các nhà xã hội học, kết quả nghiên cứu về “kinh tế” vỉa hè chỉ ra một thực trạng để các cấp chính quyền quan tâm khi thực hiện quy định về quản lý và sử dụng vỉa hè là: Nếu không tạo ra được việc làm cho người dân sống chủ yếu vào vỉa hè mà cấm họ buôn bán thì chưa ổn.

Cần tiến hành từng bước sắp xếp lại một cách thận trọng vì đụng đến miếng cơm manh áo của bộ phận dân cư có thu nhập thấp chính là cái “gốc” của kinh tế vỉa hè. Mọi quy định cụ thể đều phải xuất phát từ thực tế ở từng địa bàn quận, phường, không nên áp đặt khiên cưỡng, máy móc nhưng cũna không thể thả lỏng hoặc tùy tiện theo chủ quan.

Đan Thanh