Kinh tế Thủ đô năm 2018: Tăng trưởng đạt mức cao nhất trong 3 năm

ANTD.VN - Báo cáo về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019 tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội Khóa XV, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,37%, là mức cao nhất trong 3 năm gần đây.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nôi Nguyễn Doãn Toản cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua (Ảnh: Phú Khánh)

Theo báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019, tất cả 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,37%, cao hơn các năm trước (năm 2016 là 7,15%; 2017 là 7,31%); trong đó ngành dịch vụ tăng 7,23%; công nghiệp-xây dựng tăng 8,23%; nông-lâm-thủy sản tăng 3,33%.

Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Trong 3 năm (2016-2018), Hà Nội thu hút gần 13,25 tỷ USD, bằng hơn 2 lần giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thành phố đẩy mạnh. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 83,9%, về đích sớm 2 năm. Có thêm 3 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới là Gia Lâm, Quốc Oai và Thạch Thất.

Cùng với phát triển kinh tế, thành phố chú trọng đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 ước còn 1,19%, giảm 0,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra và hoàn thành trước 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5% dân số, vượt 1,2% kế hoạch.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực được tổ chức thường xuyên tạo sức hút cho du lịch; nhiều kỹ thuật mới được áp dụng trong chữa trị, chủ động kiểm soát dịch bệnh; quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo.

Các lĩnh vực khác đều có chuyển biến tích cực như: Thu ngân sách liên tục tăng qua các năm và vượt dự toán, cơ cấu chi ngân sách dịch chuyển tích cực theo hướng tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên; quản lý đô thị được đẩy mạnh, công tác chiếu sáng, chỉnh trang đường phố được đổi mới, quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì tốt; ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, từng bước hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, UBND thành phố đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tượng ùn ứ giao thông, úng ngập khi mưa to vẫn xảy ra, nhất là tại các tuyến phố có công trình đang thi công, các tuyến xuyên tâm, tuyến tập trung các khu đô thị, cơ quan, trường học.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị có lúc có nơi chưa kịp thời; Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đã giảm nhưng vẫn còn khá cao; Nhiều trường học trong khu vực nội thành có số lớp/trường, số học sinh/lớp vượt tiêu chuẩn quy định; Tình hình khiếu kiện tập trung đông người trên địa bàn vẫn còn xảy ra; Tình hình an ninh trật tự tại một số khu chung cư và khu vực nông thôn, tội phạm về ma túy, đòi nợ thuê còn tiềm ẩn phức tạp.

Theo UBND thành phố, những hạn chế trên có nguyên nhân khách quan là do phương tiện giao thông tăng nhanh và tăng cao hơn tốc độ phát triển hạ tầng; tốc độ đô thị hóa cao, di dân cơ học lớn tạo ra áp lực lên toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Thủ đô…
Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân là năng lực của một bộ phần cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm kỷ luật của nhiều đơn vị cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên.
Trong năm 2019, thành phố xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thực hiện tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm và cải thiện đời sống nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội…