Kinh nghiệm chặn xả rác bừa bãi tại các nước

ANTĐ - Từ mức phạt cao đối với hành vi xả rác đến huy động tình nguyện viên hỗ trợ ngăn chặn, nhiều quốc gia đã thành công trong việc đưa ra biện pháp nhằm giữ cho môi trường trong sạch. 

Singapore được coi là một trong những quốc gia hàng đầu của châu Á cũng như thế giới có những biện pháp quyết liệt đối với hành vi xả rác bừa bãi. Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) đã ban hành khoảng 19.000 vé phạt vì hành vi xả rác trong năm 2014, gần gấp đôi so với năm 2013.

Theo Đạo luật y tế công cộng môi trường sửa đổi của nước này, mức phạt tối đa đối với người phạm tội xả rác đã được tăng gấp đôi (khoảng 2.000 đô la Singapore) cho lần vi phạm đầu tiên. Những người tái phạm có thể bị phạt 4.000 đô la Singapore và áp dụng mức phạt 10.000 đô la Singapore cho những người vi phạm lần ba và các lần tiếp theo.

Các tòa án tại Singapore cũng có thể ra án phạt yêu cầu người vi phạm dọn sạch khu vực công cộng trong 12 giờ và các phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại việc này. Nhà chức trách nước này muốn thông qua cảm giác bị xấu hổ của người vi phạm trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi. Tác dụng tích cực của động thái này chính là đường phố Singapore vô cùng sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao. 

Bên cạnh đó, Singapore còn huy động đội ngũ tình nguyện viên để ngăn chặn việc xả rác. Kể từ khi ra đời năm 2013 đến nay, lực lượng này đã ngăn chặn thành công gần 1.000 vụ xả rác. Hiếm có nơi nào trên thế giới mà thuốc lá và lệnh cấm hút thuốc lá lại được thực hiện nghiêm như ở Singapore. Vứt đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi qui định nếu bị phát hiện, lập tức bị lập biên bản tại chỗ và xử phạt ngay với mức phạt tùy theo mức độ. Trường hợp không nộp phạt trong vòng 7 ngày, người vi phạm sẽ bị đưa ra tòa án để xét xử. NEA còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường cho công nhân nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức của họ đối với việc vứt rác bừa bãi. 

Không chỉ tại Singapore, nhiều nước khác cũng áp dụng mức phạt nặng đối với các hành vi xả rác. Theo luật lệ ở Makassar, South Sulawesi (Indonesia), người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 150.000 đến 5 triệu rupee hoặc bị phạt tù từ 7 ngày đến 6 tháng. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), xả rác nơi công cộng là một hành vi phạm tội và người phạm tội phải chịu phạt tiền đến 600 đô la Hồng Kông.

Bên cạnh đó, họ còn sử dụng biện pháp truy tìm ADN từ mẩu rác của người vứt để phân tích, từ đó phác thảo chân dung rồi dán khắp phố để thông báo về người đã xả rác bừa bãi. Trong khi đó, luật pháp Hàn Quốc nghiêm cấm xả rác với mức phạt từ 30.000 đến 50.000 won hoặc cao hơn tùy theo mức độ. Những quy định pháp luật về rác thải của Nhật Bản cũng khắt khe không kém khi người vi phạm có thể bị phạt tù cao nhất là 5 năm và phạt tiền cao nhất đến 10 triệu yen.