Kiên quyết xử lý vi phạm bịt lối thoát hiểm gây cháy

ANTD.VN - Thời gian qua, nhiều vụ hoả hoạn gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, trong đó nguyên nhân tử vong đều do chủ nhân tự “bịt” lối thoát nhà mình bằng cách hàn xì lồng sắt tại ban công. Trước những nguy hiểm trên, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 - quận Long Biên, Hà Nội, đã chủ động báo cáo UBND quận đề ra những biện pháp kiên quyết xử lý vi phạm bịt lối thoát hiểm.

Đừng tự bịt lối sống

Khu tập thể xe lửa Gia Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, nhìn từ dưới lên ai cũng cảm thấy e ngại bởi một phần do cũ nát, một phần do người dân gia cố lồng sắt để tăng diện tích. Nhu cầu sinh hoạt là dể hiểu, song với nguy cơ tiềm ẩn hỏa hoạn ngay trên đầu thì không ai ngó đến...

Trước thực trạng trên, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 - quận Long Biên đã tổ chức các cuộc kiểm tra, xử lý, tuyên truyền tại khu dân cư có nhiều “chuồng cọp”. Tuy nhiên, đối với người dân họ luôn quan niệm “cháy làm sao được” và có những người đôi khi chỉ tính đến việc “mất bò mới lo làm chuồng”, tức là bị cháy hoặc thấy nhà hàng xóm cháy rồi mới tính đến cải tạo để an toàn PCCC cho nhà mình.

Lực lượng cứu hỏa cứu nạn người mắc kẹt trong đám cháy đưa ra nơi an toàn

Đây là nguyên nhân khi xảy cháy nhà mà có lồng sắt tại ban công hoặc bịt lối thoát nạn đều có nguy cơ cao dẫn đến tử vong... Vụ cháy xảy ra vào tháng 7-2017 tại phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, khiến hai người tử vong cũng bởi do việc bịt ban công bằng lồng sắt.

Khi lực lượng cứu nạn đến cứu người mắc kẹt phải thao tác rất lâu mới tiếp cận được và chỉ cứu kịp cứu 3 người trong gia đình có 5 người. Tương tự, vụ cháy tại nhà dân ở Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, khiến 2 nạn nhân tử vong cũng do việc bịt ban công bằng lồng sắt.

Nỗi đau của vụ việc nêu trên cũng là câu chuyện chung để cảnh báo tới nhiều người dân đang ở khu chung cư cũ đã hàn lồng sắt tại ban công. Nhiều người làm thế, bởi ngoài việc tăng diện tích sử dụng, họ đều nghĩ rằng cháy nổ không bao giờ xảy ra ở mình. Và cứ thế... cháy lại xảy ra từ suy nghĩ thờ ơ với phòng ngừa hỏa hoạn.

Tuyên truyền, xử lý nghiêm

Đại tá Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 4, phụ trách quận Long Biên cho biết: “Khu tập thể cũ ở phố Ngọc Lâm gồm các tòa nhà B3, B4, B6, phường Thạch Bàn là ví dụ tiềm ẩn nguy cơ cháy. Trước những nguy cơ mất an toàn về PCCC tại đây, chúng tôi đã tham mưu UBND quận có biện pháp xử lý vi phạm và tuyên truyền đối với khu dân cư ở tập thể cũ. Đây là những tồn tại lâu năm, bên cạnh đó, nhiều “chuồng cọp” được gia cố lại nhiều lần, ăn vào cốt công trình, nên rất khó xử lý. Vừa qua chúng tôi tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân để làm thế nào không để hoả hoạn xảy ra tại khu chung cư mình. Việc phá dỡ là rất khó nên chỉ có thể vận động người dân chấp hành tự tháo bỏ để an toàn cho chính mình”.

Cứu nạn người mắt kẹt từ thang dây cầu nghiêng từ trên cao xuống mặt đất

Cũng theo Đại tá Nguyễn Minh Hải, hiện các nhà tập thể cũ, chung cư cũ tại địa bàn đa số đều thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy. Việc gia cố vật liệu kiên cố vào cửa sổ, ban công… nên khi các vụ cháy xảy ra, lực lượng PCCC tiếp cận cứu người rất khó khăn. Chưa kể mất thời gian để cắt “chuồng cọp”, cắt khóa cửa… nên tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân gặp nhiều khó khăn.

Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy tại các khu tập thể cũ, chung cư B3, B4, B6 có hàn lồng sắt chặn lối thoát nạn trên ban công. Chỉ huy phòng Cảnh sát PCCC số 4 đã chủ động nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động và báo cáo UBND quận Long Biên chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ các lồng sắt trên ban công.

Theo kết quả xử lý, tính đến hết cuối tháng 11 vừa qua đã tháo dỡ, mở lối thoát hiểm 34/37 lồng sắt của các hộ dân tự ý hàn, lắp. Cảnh sát PCCC số 4 cũng đã lập biên bản 3 hộ vi phạm gồm các phòng 208, 402, 408 tòa B6 đồng thời bàn giao UBND phường Thạch Bàn để đôn đốc, xử lý khắc phục. Đối với những hộ dân đã xử lý, tháo dỡ, CBCS Cảnh sát PCCC số 4 đến ghi nhận biên bản và chụp ảnh để báo cáo UBND quận cũng như thuận lợi việc giám sát. Nếu tái vi phạm sẽ báo cáo xử lý nghiêm.

Lực lượng cứu nạn dùng xe thang tổ chức cứu nạn người mắt kẹt từ trong đám cháy ra ngoài an toàn

Ngoài việc xử lý nghiêm, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 đã chủ động triển khai nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền an toàn PCCC đến các khu dân cư. Điển hình ngày 30-10, Phòng Cảnh sát PCCC đã phối hợp UBND quận Long Biên tổ chức diễn tập cứu nạn, cứu hộ, cắt chuồng cọp cứu người mắc kẹt khi có đám cháy tại khu tập thể xe lửa Gia Lâm. Buổi diễn tập có sự tham gia của nhiều lực lượng và người dân sở tại. Theo chỉ huy Cảnh sát PCCC, việc diễn tập vừa để nâng cao kỹ năng, tuyên truyền trực quan cho người dân, qua đó để tự ý thức phòng ngừa cháy nổ.

Đại tá Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 4 cho biết: “Diễn tập để nâng cao kỹ năng cũng như tuyên dân, qua đó tự ý thức để phòng ngừa cháy, nổ. Đồng thời để các lực lượng “ôn bài” nhuyễn hơn khi ứng phó với sự cố hỏa hoạn".