Kiên quyết chống tham nhũng vì sự nghiệp chung toàn dân tộc và lợi ích quốc gia

ANTD.VN - Sự việc cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền và bị bắt quả tang tại tỉnh Vĩnh Phúc dù đang còn trong quá trình điều tra, xử lý, song, đã, đang và sẽ còn gây bất bình cho dư luận không chỉ ở chỗ, người có trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động xây dựng cơ bản lại đi đòi tiền “ăn chia” để khỏa lấp cái sai của đối tượng bị giám sát. 

Càng bất bình hơn, khi việc thỏa thuận và nhận tiền diễn ra chỉ vài giờ sau công bố quyết định thanh tra cho thấy, hoặc là do cố tình khai khống để ăn tiền của bên vi phạm dự án xây dựng trắng trợn, sờ sờ ra đó, đến mức thoáng nhìn là ra ngay. Hoặc do nghiệp vụ của đoàn thanh tra khá cao nên phát hiện nhanh “nút thắt” vấn đề. Tuy nhiên, thay vì đưa vi phạm vào kết luận và kiến nghị thanh tra để xử lý, thì cán bộ thanh tra lại “ra giá”, mặc cả và sẵn sàng ăn chia với phía vi phạm. Điều này cho thấy tư duy “lợi ích nhóm” và “bảo kê” tiêu cực đã được mặc định sẵn trong tâm thế của một số cán bộ trong đoàn thanh tra này.

Đấu tranh không khoan nhượng

Điều cần nhấn mạnh là, việc công an vào cuộc phát hiện và bắt lỗi sai phạm của đoàn thanh tra cũng rất nhanh, cho thấy nghiệp vụ và tinh thần chủ động đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực từ phía Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất đáng ghi nhận và biểu dương. Điều đáng quý hơn là phản ứng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về xử lý vụ việc.

Theo đó sáng 16-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 tại Hải Phòng: Chính phủ đã yêu cầu phải xử lý nghiêm vi phạm của một số cán bộ của Bộ Xây dựng xuống làm việc tại Vĩnh Phúc. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán…phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống tham nhũng, có sự giám sát của nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ sẽ áp dụng công nghệ để chống hành vi lợi dụng quyền lực nhằm nhũng nhiễu, tiêu cực.

Đặc biệt, ngày 17-6, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã có Công văn số 219-CV/BCĐTW gửi Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Công văn nêu rõ, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, mới nhất là vụ việc cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để chấn chỉnh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, đảm bảo những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng là phải “chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”. 

Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, quy chế hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm toán, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để sơ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm toán. Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc “vòi tiền” của một số cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Trưởng phòng, Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có sai phạm; báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng (qua Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo) trước ngày 30-6-2019.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Việc thanh tra xây dựng vòi tiền là sai phạm rõ ràng, là việc bảo kê tham nhũng, là đồng phạm tham nhũng, là tham nhũng của tham nhũng. Hành vi này không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, mà còn làm giảm sút lòng tin của người dân vào hoạt động thanh tra. Hơn nữa, qua đó có thể hiểu vì sao nhiều biểu hiện tiêu cực trong quản lý Nhà nước nói chung, trong quản lý xây dựng nói riêng không những không giảm bớt mà còn tiếp tục kéo dài, gia tăng quy mô và với thủ thuật vừa trắng trợn, vừa tinh vi hơn.

“Chiếc lò” chống tham nhũng đang nóng làm nức lòng người dân và đại đa số Đảng viên. Vậy mà sự việc cán bộ thanh tra “vòi tiền”, tham nhũng vẫn diễn ra ngay ở địa phương lân cận Thủ đô cho thấy, dường như cuộc chiến chống tham nhũng cần phải làm nóng lên ở cấp cơ sở, địa phương. Đằng sau sự việc thanh tra xây dựng “vòi tiền” nêu trên còn cho thấy, đâu đó tồn tại kẽ hở nghiêm trọng của quy trình và chất lượng công tác cán bộ. Việc cán bộ mới được bổ nhiệm đã nhanh chóng phạm lỗi không chỉ là do chất lượng cán bộ được bổ nhiệm quá kém, mà còn do áp lực người đó phải “hoàn vốn” và “đầu tư” trong quy trình để trở thành “quan thanh tra”.

Dù là với lý do gì chăng nữa, thực tế cũng cho thấy sự bức thiết của việc rà soát lại quy trình và chất lượng công tác cán bộ. Cần bảo đảm sự công khai, minh bạch và sự giám sát của người dân trong hoạt động quản lý Nhà nước nói chung, công tác cán bộ nói riêng, cụ thể hóa phân công trách nhiệm và quy trình công tác kiểm soát nội bộ hoạt động thanh tra, kiểm tra ở các đơn vị chức năng. Đặc biệt, cần coi trọng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Nếu người đứng đầu không nghiêm sẽ khiến toàn bộ quy trình bổ nhiệm cán bộ bị hình thức hóa, từ đó đẻ ra một bộ phận cán bộ lớn về số lượng, nhưng thấp kém về cả đạo đức và năng lực thì hậu quả sẽ khôn lường. Bởi lẽ, những người sẵn sàng bỏ tiền “chạy chức, chạy quyền” thì về bản chất, khi có chức, có quyền họ sẽ luôn tìm mọi cách bất chấp quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, chà đạp mọi tiêu chuẩn đạo đức và giá trị lành mạnh của xã hội văn minh, lạm dụng tối đa quyền lực, nhũng nhiễu, bóp méo chính sách, thu lợi bất chính nhằm “hoàn vốn đầu tư” ban đầu và tiếp tục củng cố lợi ích cá nhân, phe nhóm. Đồng thời, họ tiếp tục tuyển chọn và cho “ra lò” lớp cán bộ mới kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” theo quy trình, thủ đoạn mà họ đã trải qua, dù với “giá chung chi” cao hơn và năng lực, đạo đức, trách nhiệm công vụ thấp hơn. 

Sau vài vòng quay cán bộ kiểu đó, người tài sẽ bật ra khỏi bộ máy công quyền, những kẻ bất tài, vô trách nhiệm sẽ lũng đoạn bộ máy. Khi đó, bất công xã hội và mất đoàn kết nội bộ sẽ gia tăng, tài nguyên, lợi ích và sức mạnh quốc gia bị bào mòn, vị thế đất nước ngày càng bị tổn hại. Với hậu quả này, niềm tin vào năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Đảng, Nhà nước ngày càng giảm sút, trực tiếp và gián tiếp làm sụp đổ sự nghiệp chung toàn dân tộc và lợi ích quốc gia, thậm chí đe dọa ngay cả sự chính danh của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Nhận rõ hậu quả nguy hiểm của tội phạm tham nhũng như vậy để thấy sự tồn vong của chế độ, đòi hỏi chúng ta quyết liệt hơn nữa đấu tranh loại tội phạm này.                                                

Kiên quyết chống tham nhũng vì sự nghiệp chung toàn dân tộc và lợi ích quốc gia ảnh 2Bà Nguyễn Thị Kim Anh trong ngày công bố quyết định thanh tra tại huyện Vĩnh Tường vào tháng 4

Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng Phòng phòng chống tham nhũng; bà Nguyễn Thùy Linh, cán bộ Phòng giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra (thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng) và ông Đặng Hải Anh, chuyên viên Phòng thanh tra xây dựng 2 để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Theo thông báo của cơ quan công an, các bị can liên quan đến vụ án nhận tiền để bỏ qua các vi phạm của cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình thanh tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi bị bắt, trưởng đoàn và thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.