Lật tẩy âm mưu gây rối, kích động bạo loạn (Bài 2):

Kiên định và tỉnh táo trước ảo vọng "cách mạng màu"

ANTD.VN - Việc xuyên tạc bóp méo thông tin rồi lợi dụng cái cớ phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) để lôi kéo, kích động người dân vào những hoạt động gây rối, phá hoại nhằm làm mất trật tự - an ninh và sự bình yên của đất nước - một “kịch bản” tương tự từng diễn ra 4 năm trước khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước ta - đã cho thấy rất rõ, có những kẻ vẫn đang cố nuôi dưỡng ảo vọng về một cuộc “cách mạng màu” ở nước ta.

Hà Nội bình yên luôn là điểm đến của các nhà đầu tư cũng như du khách quốc tế

Mưu đồ nhen lên các “đốm lửa” phá hoại

4 năm trước, Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta trong thời gian tháng 5 và tháng 6-2014. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta khi ấy đã làm tất cả với sự mạnh mẽ, quyết liệt, khôn khéo nhất để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, từ đấu tranh ngoại giao trên toàn thế giới và đặc biệt là đấu tranh không khoan nhượng tại thực địa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển của nước ta. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư sát cánh cùng ngư dân bất chấp mọi gian khổ và nguy hiểm rình rập trên biển sóng to gió lớn để đấu tranh kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Thế nhưng, phớt lờ thực tế hiển nhiên ấy, vẫn có những kẻ cố tình xuyên tạc, bịa đặt, dựng lên sự vu cáo trắng trợn hòng chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, chia rẽ ngay chính trong nội bộ nhân dân. Chúng tìm mọi thủ đoạn nhằm lôi kéo một bộ phận người dân thiếu tỉnh táo tham gia vào các cuộc tụ tập đông người trái phép. Đặc biệt, một số kẻ quá khích, manh động đã có hành vi phá hoại, đốt phá những nhà máy, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài tại nước ta.

Không thể chủ quan, cần luôn cảnh giác và đề phòng với mọi âm mưu phá hoại, chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước cùng những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị. Tuy nhiên, thực tế hùng hồn, sinh động tại nước ta khẳng định mọi toan tính, âm mưu “cách mạng màu” dù hiểm độc đến đâu cũng chỉ là ảo vọng mà thôi.

4 năm sau, một “kịch bản” thâm độc lặp lại khi có những kẻ lợi dụng cái cớ phản đối dự án Luật Đặc khu để lôi kéo, kích động người dân tụ tập đông người trái phép. Và các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra ở tỉnh Bình Thuận trong 2 ngày 10 và 11-6 vừa qua cũng tương tự như những gì đã từng xảy ra 4 năm trước. 

Thời gian, địa điểm, cái cớ để vin vào khác nhau, song rõ ràng những kẻ đứng đằng sau những hành vi vi phạm pháp luật 4 năm trước và hôm nay cùng có chung thủ đoạn thâm độc và mưu đồ đen tối. Mưu đồ ấy là gì nếu không phải muốn nhen lên các “đốm lửa” phá hoại, đốt phá, vô luật pháp hòng thổi bùng lên cái gọi là “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” hay “Mùa xuân Ả-Rập” từng thấy ở một số quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, Đông Âu hay ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi?

An ninh và an toàn là một trong những nhân tố quan trọng để Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn tới du khách quốc tế

Nhận diện rõ thủ đoạn, âm mưu  

Hơn một chục năm trôi qua kể từ khi những cuộc “cách mạng màu” bùng phát từ một số nước thuộc Liên Xô trước đây và Đông Âu, luôn có những kẻ nuôi ảo vọng này tại nước ta bởi chúng thèm khát về cái gọi là “lật đổ chính trị trong hòa bình”. Trên thực tế, âm mưu tiến hành cuộc “cách mạng màu” đã được thử nghiệm tại Ba Lan vào năm 1981 và Tiệp Khắc năm 1989. Tuy nhiên, tan vỡ của Liên Xô  mới mở ra cơ hội cho các cuộc “cách mạng màu”.

Đầu tiên là cuộc “cách mạng màu” ở Nam Tư năm 2000, sau đó liên tiếp là “cách mạng hoa hồng” tại Gruzia năm 2003; “cách mạng cam” tại Ukraine năm 2004; “cách mạng hoa Tulip” ở Kyzgyzstan năm 2005…, và lan rộng sang khu vực Trung Đông với “cách mạng cây tuyết tùng” vào năm 2005 tại Lebanon; “cách mạng xanh” ở Kuwait năm 2005…, rồi “Mùa xuân Ả-Rập” tại Ai Cập.

Từ các cuộc “cách mạng màu” ở châu Âu và Trung Đông, Bắc Phi có thể thấy thực chất của các cuộc cách mạng có những cái tên mỹ miều này chính là những hành động “lật đổ chính trị trong hòa bình” của các phe phái, tổ chức chính trị đối lập, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ toàn diện của phương Tây, nhằm mục đích chuyển hóa chế độ hoặc lật đổ chính quyền đương nhiệm. 

Thời cơ của “cách mạng màu” thường diễn ra khi một nước nào đó tiến hành các cuộc bầu cử, đặc biệt là rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị, kinh tế. Thủ đoạn thường thấy là tạo ra các chấn động xã hội, tác động đến nhận thức tâm trí của người dân để từ đó lôi kéo, tổ chức biểu tình. Khi biểu tình lan rộng và thu hút nhiều người tham gia, kẻ chủ mưu sẽ dùng các thủ đoạn để chuyển từ bất bạo động, ôn hòa ban đầu thành bạo động và lật đổ.

Song từ chính những cuộc “cách mạng màu” ở Đông Âu và Trung Đông, Bắc Phi đã thấy ngay ảo vọng của những kẻ đang ấp ủ âm mưu đen tối này tại nước ta. Bởi điều quan trọng nhất, quyết định nhất là thực tế nước ta hoàn toàn khác với những nước đã diễn ra “cách mạng màu”. Đất nước chúng ta được cả thế giới ghi nhận, đánh giá cao về sự phát triển và ổn định, là một hình mẫu phát triển như đánh giá của Liên hợp quốc.

Trong hệ thống cảnh báo du lịch nước ngoài với công dân Mỹ gần đây nhất công bố đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá, Việt Nam là một trong những nước có mức độ rủi ro về an toàn và an ninh thấp nhất trên thế giới. Trang Business Insider của Mỹ cũng từng công bố danh sách hơn 150 quốc gia là những điểm du lịch an toàn nhất thế giới, trong đó, Việt Nam đứng ở vị trí số 6 của top 10.

Tờ báo điện tử hàng đầu về doanh nghiệp này của Mỹ đánh giá, Việt Nam có cuộc sống khá thanh bình, du khách tới đây có thể thư thái đi dạo mát quanh hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội để tìm hiểu cuộc sống người bản xứ. An ninh và an toàn là một trong những nhân tố quan trọng để Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn tới du khách quốc tế. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá, Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới nhất đầu năm 2017, và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Năm qua, Việt Nam đã đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28% so với năm 2016.

Môi trường chính trị ổn định, an ninh - trật tự đảm bảo là nhân tố quan trọng để Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ ấn tượng trong những năm qua.

Tại cuộc tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 13-6 vừa qua, tân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Do Hyun đã đánh giá rất cao môi trường đầu tư kinh doanh và sự ổn định của Việt Nam, tin tưởng tiềm năng phát triển của Việt Nam còn rất lớn và có thể trở thành trung tâm kinh tế của Đông Nam Á. Theo Đại sứ Hàn Quốc, Việt Nam đang ngày càng thể hiện rõ là một trung tâm sản xuất của toàn cầu.

Tỉnh táo nhận diện rõ thủ đoạn cùng âm mưu của những kẻ lợi dụng việc giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam cách đây 4 năm và bây giờ là lợi dụng xuyên tạc dự án Luật Đặc khu để lôi kéo, kích động người dân tụ tập đông người trái phép, manh động với các hành vi vi phạm pháp luật để không mất cảnh giác là điều rất cần thiết.

Không thể chủ quan, cần luôn cảnh giác và đề phòng với mọi âm mưu phá hoại, chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước cùng những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị. Tuy nhiên, thực tế hùng hồn, sinh động tại nước ta khẳng định mọi toan tính, âm mưu “cách mạng màu” dù hiểm độc đến đâu cũng chỉ là ảo vọng mà thôi.