Kiểm sát viên phải tuyên thệ

ANTĐ - Ngày 13-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân sửa đổi và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao  Nguyễn Hòa Bình, dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) đã cụ thể hóa các quy định về Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của VKSND theo yêu cầu cải cách tư pháp; bảo đảm thiết chế VKSND có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới. 

Dự thảo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi có 7 chương, 110 điều. Đáng chú ý, có những quy định mới như người được bổ nhiệm Kiểm sát viên lần đầu phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Hiến pháp, tuân thủ pháp luật, tận tụy phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội...

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, đây là một trong những luật cần được hoàn thiện ngay trong đợt đầu để thể chế hóa những điểm đổi mới trong Hiến pháp sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, đối chiếu với các quy định trong Hiến pháp sửa đổi, đặc biệt cần đảm bảo quyền con người được thực thi tốt hơn. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Hiến pháp sửa đổi nêu rất rõ vai trò của Viện trưởng VKSND và vai trò của kiểm sát viên. Luật phải thể hiện cụ thể hơn quan hệ chỉ đạo giữa Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với VKSND cấp dưới và kiểm sát viên. Tôi chưa thấy rõ cơ chế để kiểm sát viên thực sự hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND, nhất là trong quá trình thực hành quyền công tố”. 

Quy định về án lệ trong dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư  pháp Nguyễn Văn Hiện, đây là vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần được cân nhắc kỹ. Từ nhiều năm nay, TAND tối cao đã và đang thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp, hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật dưới hình thức ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và được coi là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. Đây chính là hình thức cao nhất của án lệ. 

Vì vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng, trước mắt, chỉ nên quy định TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải đảm bảo tính mẫu mực theo đúng quy định của pháp luật để các Tòa án khác nghiên cứu, học tập.