Kích cầu du lịch bắt đầu từ việc miễn thị thực

ANTD.VN - Ngày 30-6 tới là thời điểm hết hạn miễn thị thực (visa) cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) tuy nhiên, tới thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch vẫn đang nghe ngóng và trông chờ Chính phủ tiếp tục có chính sách miễn visa cho thị trường du lịch trọng điểm này. 

Mới đây, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chính sách thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong đó khẳng định, yêu cầu và sự thuận lợi trong việc cấp thị thực có tác động trực tiếp đến số lượng khách du lịch đến Việt Nam.

Miễn thị thực, thị trường trọng điểm khởi sắc

Hội đồng Tư vấn Du lịch kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian của chính sách miễn thị thực hiện nay từ 1 năm lên 5 năm, tăng số ngày lưu trú từ 15 lên 30 ngày và khách du lịch có thể trở lại trong vòng 30 ngày nếu thể hiện việc có chuyến bay khứ hồi. Bên cạnh đó, TAB tiếp tục đề nghị mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực gồm tất cả các nước châu Âu lớn và các đối tác thương mại lớn khác, đặc biệt là Australia, Canada và New Zealand.

Ngoài ra, với sự tăng trưởng của các chuyến bay từ Australia, New Zealand đến Việt Nam và để kết nối đường bay dài hiệu quả hơn đến châu Âu và ngược lại, đề nghị Chính phủ xem xét chính sách miễn thị thực quá cảnh 48 hoặc 72 giờ cho những hành khách có vé máy bay đi châu Âu để họ trải nghiệm nét hấp dẫn của Việt Nam nhằm thu hút họ trở lại trong những kỳ nghỉ tiếp theo, trong tương lai.

Theo số liệu thống kê, năm 2015, Việt Nam có mức tăng trưởng gần như bằng 0 (0,9%) về lượng khách quốc tế đến, đạt gần 8 triệu lượt người. Trong khi đó, Thái Lan tăng 20%, đón 30 triệu lượt khách quốc tế đến. Tháng 7-2015, Chính phủ Việt Nam miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha) trong vòng 1 năm, với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 22 nước. Trong khi đó, Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước, vùng lãnh thổ; Malaysia miễn thị thực cho công dân 155 nước và vùng lãnh thổ; Singapore miễn thị thực cho công dân 158 nước và vùng lãnh thổ; Indonesia miễn thị thực cho công dân 169 nước và vùng lãnh thổ; Brunei miễn thị thực cho công dân 58 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các nước này đều áp dụng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử (e-visa). 

Sau đó, ngày 30-6-2016, Chính phủ gia hạn thêm 1 năm nữa miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước nói trên (đến 30-6-2017 hết hiệu lực).

Theo thống kê, tổng số lượt khách từ 5 quốc gia này tăng trung bình 15,4% trong vòng 12 tháng kể từ khi chính sách miễn thị thực được ban hành.

Năm 2016, mức tăng trưởng từ 5 quốc gia này là 18,4% mặc dù bị tác động bất lợi vì đến sát ngày hết hiệu lực miễn thị thực thì Nghị quyết gia hạn mới được ban hành. Trong khi đó, các khách đến từ thị trường xa thường lập kế hoạch đi du lịch, đặt dịch vụ từ trước vài tháng, thậm chí cả năm.

1 năm đầu kể từ khi miễn thị thực cho khách 5 nước Tây Âu, Việt Nam đón 720.000 lượt khách, tăng thêm 96.000 lượt so với cùng kỳ, tổng thu từ lượng khách này là 126 triệu  USD so với khoản thâm hụt từ phí thị thực ước tính khoảng 21,6 triệu USD (mức phí trung bình 30 USD/người).

Tương tự vậy, năm 2016 lượng khách 5 nước Tây Âu tăng thêm 58.000 lượt và doanh thu tăng thêm là 76 triệu USD so với khoản phí thị thực giảm 2,3 triệu USD. 

Miễn thị thực được nhiều nước xem là giải pháp kích cầu du lịch

Kích cầu thế nào?

Trao đổi cùng phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, một trong những yếu tố mà ngành du lịch đang kém về năng lực cạnh tranh là vấn đề visa. Mặc dù, thời gian qua đã có những tích cực như miễn visa cho 5 nước châu Âu, triển khai cấp visa điện tử… nhưng tất cả những điều này đều phải có thời gian mới phát huy được.

“Bây giờ đang có dự tính, dừng lại không miễn visa cho 5 nước châu Âu thì đó là một bước lùi. Hầu như các nước trên thế giới đều miễn visa cho các nước châu Âu. Nước ta mới thí điểm 2 năm mà đã định xóa đi” - ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ. 

Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng nhấn mạnh: “Bộ VH-TT&DL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp… đều có nguyện vọng thiết tha, tiếp tục duy trì chính sách miễn thị thực thêm 5 năm, thời gian lưu trú trước là 15 nay tăng lên 30 ngày... Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng diện miễn visa. Làm gì cũng cần có lộ trình và cần cả những bước đi mạnh mẽ trong việc nới lỏng chính sách thị thực, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.

Trong thời gian qua, lượng du khách đến từ 5 quốc gia châu Âu tăng dao động từ 15-20%. Đối với một thị trường xa thì đây là con số tương đối cao. Vì thế, cần duy trì dòng khách chi tiêu cao. Bên cạnh đó, du khách quyết định điểm đến thường căn cứ vào 3 yếu tố, đầu tiên là visa thế nào, có đường bay thẳng không và cuối cùng mới tính đến điểm đến. Khi họ đến rồi mới đưa ra các vấn đề an ninh an toàn, chất lượng dịch vụ, từ đó lan tỏa đến người thân, bạn bè, mạng xã hội. Điều này còn có tác dụng mạnh mẽ hơn là hoạt động quảng bá tổ chức ở các nước. 

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho biết, nếu cho rằng, việc miễn visa gây thiệt hại cho ngân sách là vô lý. Bởi lẽ, khi du khách thuộc thị trường có nhu cầu chi tiêu cao chọn Việt Nam là điểm đến thì đương nhiên, ta thu lợi từ nhiều dịch vụ. Ví như Thái Lan, họ thừa hiểu, việc miễn visa sẽ mất đi một khoản tiền lớn nhưng cái họ thu được lớn gấp vài chục lần thì cũng đáng lắm chứ.