"Kịch bản" kích cầu
(ANTĐ) - “Gói kích cầu của Chính phủ góp phần tạo ra sung lực cho đầu tư xã hội”. Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách kinh tế quốc gia nhấn mạnh như vậy. Theo ông, nhiều doanh nghiệp đang tính đến chuyện “tranh thủ” nguồn vốn kích cầu, thậm chí sẵn sàng “chạy” để có được “phần bánh”.
Đây là cách nghĩ sai lầm. Hiện cả nước có tới 349.000 doanh nghiệp, nếu tất cả đều “ngửa cổ” trông chờ vào nguồn tiền kích cầu này thì dù 6 tỷ USD hay 60 tỷ USD cũng chưa chắc đủ. Vậy thì “kịch bản” kích cầu sẽ ra sao, kích sao cho trúng?
Tại cuộc Hội thảo “kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2009” vừa diễn ra, các chuyên gia kinh tế hầu như cùng gặp nhau ở một điểm: Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009 kinh tế khó khăn hơn nhưng không phải không tìm ra cơ hội phục hồi nếu chọn lựa được một “kịch bản” kích cầu khả thi và hiệu quả.
Chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra 3 “kịch bản” kinh tế năm 2009. Kịch bản thứ nhất là GDP tăng trưởng trên 6% và lạm phát dưới 10%. Kịch bản thứ hai là GDP tăng trên 5% và lạm phát ở mức lý tưởng là 6% hoặc 7-8%.
Còn kịch bản xấu nhất là GDP tăng khoảng 4% và lạm phát trên 10%. Như vậy, nếu theo đuổi kịch bản tăng trưởng GDP trên 5% và lạm phát ở mức 6-8% là cách lựa chọn tốt nhất để ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó tập trung nguồn lực “gia cố” nền móng cho tăng trưởng bền vững. Mặc dù kinh tế đang giảm sút trông thấy nhưng chưa đến mức đình đốn và không quá bi quan.
Thực ra nhiều doanh nghiệp đang nắm cơ hội trong tay nhưng chưa dám mạnh tay vay vốn ngân hàng để đầu tư vì vẫn còn mong ngóng lãi suất ngân hàng còn giảm nữa. Thật là tính toán sai lầm, bởi nếu họ tính toán khôn ngoan và cân đối được lợi nhuận thì phải chớp lấy cơ hội làm ăn chứ không thể ngồi chờ thời cơ đầu tư với giá rẻ nhất.
Vì thế, cùng với 3 kịch bản kinh tế, nhiều chuyên gia có uy tín cho rằng, cần phải đề ra “kịch bản” kích cầu. Có ý kiến nói là gói kích cầu 6 tỷ USD của Chính phủ chỉ như “muối bỏ bể”. Nên nhớ rằng, nguồn vốn kích cầu của cả thế giới cộng lại là khoảng 3.000 tỷ USD, tương đương với 7% GDP của thế giới.
Gói kích cầu 6 tỷ USD của nước ta cũng tương đương với 7% GDP của Việt Nam, không thể bảo rằng gói kích cầu này là nhỏ bé. Có thể ví gói kích cầu của Chính phủ như một “mồi bơm nước” dù không cần nhiều nhưng rõ ràng là bắt buộc phải có để máy bơm hoạt động. Lượng “nước mồi” này là cực kỳ cần thiết để “cỗ máy bơm doanh nghiệp” vận hành thông đồng bén giọt.
Kích cầu vào đâu? Kích cầu như thế nào để không rơi vào tình trạng “rót” sai, “rót” nhầm, thậm chí “nước chảy chỗ trũng”. “Kịch bản” kích cầu cho các dự án được ưu tiên phải đảm bảo 3 điều kiện: Giúp tháo gỡ nhanh các “nút thắt” tăng trưởng, gây “ùn tắc” lâu nay như cảng biển, cầu đường, năng lượng.
Có sức kích hoạt mạnh trong đó tập trung ưu tiên những dự án thu hút đầu vào, tạo nhiều việc làm; gỡ khó cho xuất khẩu, đặc biệt cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến nông sản, hải sản xuất khẩu… Đặc biệt nên sử dụng gói kích cầu vào các dự án thâm dụng lao động thay vì thâm dụng vốn với 1,7 triệu lao động mới hàng năm. Tăng lương để tăng tiêu dùng, từ đó kích thích sản xuất kinh doanh cũng cần được ưu tiên.
“Kịch bản” kinh tế, “kịch bản” kích cầu đã được bàn bạc, cân nhắc. Vấn đề là lựa chọn và thực hiện như thế nào.
Đan Thanh