Khuyến khích học các môn tự nhiên bằng ngoại ngữ

ANTĐ - Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn chi tiết việc dạy và học ngoại ngữ ở các bậc học (từ mầm non đến THPT) trong năm học 2015-2016. Yêu cầu đầu tiên là phải đổi mới đánh giá năng lực đầu ra với học sinh cuối cấp THCS, THPT, đồng thời khuyến khích thí điểm học các môn tự nhiên bằng tiếng Anh. 
Khuyến khích học các môn tự nhiên bằng ngoại ngữ ảnh 1

Bộ GD-ĐT tích cực thúc đẩy việc học ngoại ngữ trong trường học

Đánh giá theo năng lực 

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, năm học này, các trường cần triển khai đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Cụ thể, việc kiểm tra tiếng Anh được tiến hành với nhiều hình thức: bằng hỏi-đáp, kiểm tra viết và kiến thức ngôn ngữ, kiểm tra thực hành dưới dạng bài viết hoặc clip, các dự án, bài nghiên cứu bằng tiếng Anh về các vấn đề thực tiễn. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu tổ chức đánh giá năng lực đầu ra bậc 2 đối với học sinh lớp 9 và bậc 3 đối với học sinh lớp 12 tham gia chương trình thí điểm tiếng Anh. 

Ở các trường, lớp chưa đủ điều kiện thực hiện chương trình thí điểm của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, Bộ GD-ĐT cho phép tiếp tục thực hiện theo cách trước đây nhưng kèm theo đó vẫn phải tích cực chuẩn bị điều kiện để có thể sớm chuyển sang dạy theo chương trình mới. 

Những trường THCS và THPT tham gia dạy học theo chương trình thí điểm của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” sẽ tiếp tục triển khai chương trình này ở tất cả các lớp.  Đối với những địa phương đã dạy học theo chương trình thí điểm ở cấp tiểu học, cần huy động đủ giáo viên và cơ sở vật chất để có thể thu nhận hết số học sinh đã hoàn thành chương trình thí điểm lớp 5 vào học tiếp chương trình thực nghiệm ở lớp 6.

Riêng với chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD-ĐT yêu cầu không phân công dạy học với giáo viên chưa đạt chuẩn về năng lực tiếng Anh và được bồi dưỡng về dạy học tiếng Anh tiểu học. Các trường dạy học 2 buổi/ngày phải bố trí dạy 4 tiết/tuần. Các trường khác Bộ không bắt buộc dạy đủ 4 tiết và hết chương trình.

Tuy nhiên, ở bậc tiểu học, môn tiếng Anh vẫn phải đảm bảo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó tập trung phát triển 2 kỹ năng nghe và nói. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương tích cực xây dựng trường học điển hình về dạy và học ngoại ngữ theo hướng dẫn Bộ GD-ĐT đã ban hành.

Học các môn tự nhiên bằng ngoại ngữ

Bên cạnh việc thực hiện thí điểm Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khuyến khích các trường triển khai thí điểm dạy học song ngữ tiếng Anh đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên tại các trường THPT chuyên và các trường THCS, THPT khác có đủ điều kiện. 

Đối với chương trình song ngữ, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường tiếp tục thực hiện Chương trình song ngữ tiếng Pháp và Chương trình tăng cường tiếng Pháp đã triển khai từ năm học 2014-2015. Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Ở những nơi có điều kiện, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng chương trình tiếng Pháp chuyên của nhà trường dựa trên chương trình tiếng Pháp song ngữ do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2010, khuyến khích học sinh học thêm môn Toán bằng tiếng Pháp”.

Như vậy, ngoài tiếng Anh, các trường có thể tổ chức dạy tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Hàn Quốc (là môn ngoại ngữ 1 hoặc môn ngoại ngữ 2) ở những nơi có nhu cầu, đủ điều kiện và do cha mẹ học sinh, học sinh tự nguyện tham gia.

Cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng

“Là một phụ huynh, tôi cho rằng, học và giỏi ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc với học sinh ngày nay. Tuy nhiên, học các môn tự nhiên bằng ngoại ngữ lại là chuyện hoàn toàn khác. Với chất lượng giáo viên, năng lực của học sinh và hệ thống cơ sở vật chất hiện có ở các trường hiện nay, việc học Toán bằng tiếng Anh sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường và học sinh.

Chính vì vây, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi thực hiện mô hình này. Yêu cầu này sẽ phù hợp hơn ở thì tương lai. Có lẽ, trước mắt, chỉ nên thí điểm mô hình này ở một số trường chuyên, sau đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng”.

Bà Nguyễn Thị Hiền (Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội)

Không thể nóng vội

Để có thể dạy và học các môn khoa học bằng tiếng Anh đòi hỏi sự đồng bộ từ giáo trình, người dạy, người học, đến đánh giá. Cho dù dạy bằng ngôn ngữ nào, họ cũng cần thỏa mãn được những điều kiện cần, như độ lưu loát, khả năng làm chủ khối lượng từ vựng, khả năng nghe, đối thoại vì dạy - học ngày càng mang tính hợp tác hai chiều do người học có thể trao đổi và đặt câu hỏi… Dạy bằng tiếng Việt đã khó, dạy bằng tiếng nước ngoài còn khó hơn.

Để thực hiện kế hoạch này cần có thời gian chuẩn bị, chứ không thể nóng vội. Cần thiết phải chuẩn bị cho người dạy khả năng đáp ứng được những yêu cầu trên, cần có kế hoạch nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giáo viên.

Tôi có may mắn một lần được gặp một giảng viên của ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội dạy môn Hóa bằng tiếng Anh cho lớp chất lượng cao. Giảng viên trẻ này tu nghiệp ở nước nói tiếng Anh, gây ấn tượng mạnh bằng một thứ tiếng Anh lưu loát.

Để các trường phổ thông ngày càng có nhiều giáo viên như vậy, chúng ta cần nhiều nỗ lực. Bên cạnh đó, vấn đề dạy và học bằng tiếng Anh nhưng kiểm tra, thi bằng tiếng Việt có lẽ là một cản trở đối với cố gắng của người dạy và người học theo phong cách tiến một bước và … lùi hai bước. 

Triển khai kế hoạch này không thể nóng vội, đơn giản vì ngoại ngữ là môn học không thể “ăn sống nuốt tươi” mà cần một quá trình lâu dài, đòi hỏi kiên trì và nếu có chút năng khiếu thì càng tốt. Một điều nữa ta không nên quên rằng học một ngoại ngữ mới khi đã lớn tuổi là điều rất khó khăn. Do vậy, nên có kế hoạch riêng phù hợp cho giáo viên từng nhóm tuổi, chủ yếu cho nhóm dưới 50 tuổi.

Để đảm bảo họ thỏa mãn được những điều kiện nói trên, chương trình học tiếng cơ bản cho họ cần bao quát: kiến thức về cấu trúc, hình thái ngôn ngữ; khả năng làm chủ khối lượng từ vựng chuyên ngành; kĩ năng truyền đạt bằng tiếng Anh lưu loát, đúng chuẩn mực ngữ âm (phát âm, ngữ điệu, …). Có những người biết khá nhiều từ vựng, nhưng khi nói thì rất khó hiểu vì có vấn đề với việc phát âm.

Vốn từ vựng như vậy chỉ giúp cho đọc sách, chứ không giúp cho người đi dạy. Theo tôi được biết, ngoại trừ một số lớp đặc biệt ở bậc đại học có hiệu quả, những cố gắng dạy một số môn khoa học bằng tiếng Anh ở các chương trình khác không thành công, một phần vì nguyên nhân “thầy nói một đường, trò hiểu một nẻo”. 

Việc tiến hành các khóa học cho các giáo viên lại là một thách thức vì học viên không thể bỏ hẳn công việc để đi học. Về học liệu, rất may mắn là ngày nay học ngoại ngữ thuận lợi hơn trước đây rất nhiều, ngoài sách in truyền thống còn có thêm Internet, kênh TV tiếng Anh, CD đều có sẵn. Ngoài ra, những chương trình học trực tuyến rất thích hợp với thầy - cô vừa dạy vừa học.

Một trong những chương trình được cho là phù hợp nhất hiện nay là EDO (English Discoveries Online), vừa giúp người học tự nâng cao trình độ, vừa đánh giá được tiến độ và tiến bộ của mình.
 Tuy nhiên việc các giáo viên có thể vừa học vừa làm hay không lại là chuyện khác.    

Nguyễn Phương Sửu