"Khước từ những mối lợi không chính đáng"

ANTĐ - Chỉ một phát biểu của tân Bí thư Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh trong Hội nghị Thành ủy rằng trong năm 2016, bản thân ông và lãnh đạo Thành ủy sẽ không có bất cứ chuyến đi nước ngoài nào bằng tiền ngân sách nhưng được rất nhiều tờ báo lớn “giật tít”. 

Nó cho thấy đây là một “tư duy hiếm” trong những cán bộ Nhà nước. Bởi vì lâu nay, cái gì ỷ được cho ngân sách Nhà nước mà có lợi cho mình thì đa phần cán bộ Nhà nước đều muốn. Thế mới có những đoàn cán bộ mang danh đi học tập, đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, nhưng trong đó thậm chí có cả những người chuẩn bị về hưu hay lái xe… Rồi thì đã mất công đi, tiền lại do Nhà nước trả, nên nhiều đoàn còn tranh thủ đi du lịch, ăn uống ngoài lịch trình.  

Mới đây nhất, dư luận được phen xôn xao với chuyến “du hý hoàng hôn” của một đoàn cán bộ sắp nghỉ hưu ở tỉnh Tiền Giang. Một đoàn công tác đa phần là các cán bộ sắp nghỉ hưu ở tỉnh này đã được cử đi “tham quan học tập kinh nghiệm chống biến đổi khí hậu” tại Hà Lan và Nga, chi phí cho đoàn ước tính khoảng 80-100 triệu đồng/người, được lấy từ Công ty Xổ số kiến thiết - một doanh nghiệp Nhà nước. Đây không phải là đoàn duy nhất, năm 2014, Tiền Giang cũng dùng tiền của Công ty Xổ số kiến thiết để chi cho hai đoàn đi nước ngoài với thành phần tham dự hầu hết là cán bộ sắp nghỉ hưu hoặc không dính dáng gì tới nghiệp vụ được đề ra trong hai chuyến đi học hỏi này.

Thế nên mới nói những chuyến đi kiểu tranh thủ “xài tiền chùa” như trên không hiếm. Mà đáng lo ngại là tâm lý vô tư tiêu tiền chùa dường như đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều cán bộ công chức. Nó phổ biến đến mức trở thành công khai như chuyện bình thường, đương nhiên,  chứ chẳng phải giấu giếm gì. Thật buồn. Ngân sách Nhà nước đang eo hẹp tới mức  tiền để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo đúng lộ trình đề ra mà còn phải bàn đi tính lại, nâng lên đặt xuống mãi chưa xong. Một “núi” nợ công đang phải gánh thế mà ngân sách thì cứ mạnh ai nấy xà xẻo. 

Xét cho cùng, thì những chuyến đi như thế là lãng phí ngân sách Nhà nước, hay thậm chí nói là một kiểu tham nhũng được hợp thức hóa cũng không phải quá. Vì trong Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc đã nêu rõ quy tắc ứng xử dành cho các công chức là cần phải “khước từ các mối lợi không chính đáng”. Thế nhưng sau tròn 12 năm ký kết công ước này, hiếm thấy công chức Việt Nam “khước từ những mối lợi không chính đáng”! Thế nên việc một cán bộ ở Đà Nẵng từ chối đi nước ngoài bằng tiền ngân sách Nhà nước lại khiến thiên hạ... giật mình.