Không thưởng là chuyện thường niên

(ANTĐ) - Hơn một triệu giáo viên đang chuẩn bị bước vào cái Tết Kỷ Sửu mà không trông đợi nhiều vào chuyện thưởng cuối năm. Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phải viết thư kêu gọi các địa phương quan tâm đến đời sống giáo viên khi mà đến thời điểm sát Tết, vẫn còn hàng chục địa phương đang nợ tiền lương và phụ cấp của các thầy cô.

Tết cho 1 triệu giáo viên:

Không thưởng là chuyện thường niên

(ANTĐ) - Hơn một triệu giáo viên đang chuẩn bị bước vào cái Tết Kỷ Sửu mà không trông đợi nhiều vào chuyện thưởng cuối năm. Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phải viết thư kêu gọi các địa phương quan tâm đến đời sống giáo viên khi mà đến thời điểm sát Tết, vẫn còn hàng chục địa phương đang nợ tiền lương và phụ cấp của các thầy cô.

Tự mở hầu bao thưởng cho giáo viên

Đến thời điểm này, hầu hết các trường đều đã dự đoán được Tết này sẽ thu xếp được bao nhiêu cho suất quà Tết giáo viên. Tại Hà Nội, một hiệu trưởng trường mầm non tại quận Hoàng Mai cho biết, lâu nay trường chưa hề nhận được bất cứ thông báo gì của quận về việc thưởng Tết cho giáo viên. “Năm nay cũng vậy, dù Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có lời kêu gọi các địa phương quan tâm, chăm lo đến đời sống giáo viên nhưng với ngân sách có hạn, đến thời điểm này lãnh đạo quận cũng chưa có thông báo gì mới về chế độ thưởng Tết cho cán bộ giáo viên” - Hiệu trưởng này cho biết.

Chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên mầm non vẫn chưa được cải thiện phù hợp với tần suất lao động cao (ảnh minh họa).
Chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên mầm non vẫn chưa được cải thiện phù hợp với tần suất lao động cao (ảnh minh họa).

Để có chút quà Tết cho giáo viên, nhà trường phải tự cân đối thu chi để thưởng cho mỗi giáo viên 300.000 đồng. “Mức thưởng này so với nhiều cơ quan, doanh nghiệp thì không đáng bao nhiêu nhưng so với nhiều trường trong quận thì đã ở mức khá vì tôi biết có trường chỉ lo được cho anh chị em tiền thưởng Tết 100.000 đồng”. Không dạy thêm, không có thu nhập gì ngoài tiền lương và phụ cấp tại trường, các cô giáo ở những trường mầm non khó có thể trông đợi vào các khoản lương, thưởng để mua sắm một cái Tết đầy đặn.

“Tết năm nay, ngoài việc các trường tự cân đối thì bản thân ngành cũng không thể đưa ra mức thưởng ngoài quy định. Ngoài ra, theo phân cấp từ bậc mầm non đến THCS đều do địa phương quản lý và quyết định chế độ thưởng hay không. Điều này sẽ càng khó khăn đối với các trường khu vực nông thôn, miền núi. Hiện chúng tôi đang trình thành phố cho phép thực hiện chế độ chi tiêu nội bộ với các khoản hỗ trợ từ ngân sách thành phố trên đầu học sinh để các trường có thể tự chủ về tài chính, qua đó phần nào hỗ trợ được cho giáo viên” - bà Hà Thị Lê Nhung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.

Bộ trưởng đau đầu chuyện thưởng Tết

Trong khi nhiều trường ở Hà Nội đang chật vật lo chuyện thưởng Tết cho giáo

  Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: “Là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi cảm thấy rất băn khoăn khi ngày Tết đến, không góp phần lo được cái Tết cho gia đình của 1 triệu thầy, cô giáo mầm non và phổ thông. Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân, Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, các quận, huyện bằng khả năng tối đa của mình, góp phần làm cho ngày Tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy, cô giáo tại quận mình, huyện mình, tỉnh mình, thành phố mình”.

viên thì ở nhiều địa phương trên cả nước, giáo viên thậm chí còn bị nợ vài tháng tiền lương và tiền phụ cấp chứ chưa nói đến được thưởng. Các tỉnh nợ lương và phụ cấp nhiều gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Kạn… Trong đó, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị nợ hàng trăm tỷ đồng lương, phụ cấp giáo viên.

Theo quy định hiện hành, ở những vùng khó khăn, giáo viên được hưởng nhiều chế độ phụ cấp, trong đó nếu thuộc diện thu hút về vùng khó khăn thì ngoài lương cơ bản được hưởng thêm 70% lương, 70% phụ cấp ưu đãi... Như vậy, với một giáo viên có 20 năm công tác, hệ số lương được 4,32 thì lương cơ bản họ được lĩnh khoảng 2,5 triệu đồng, cộng với 1,4 triệu đồng hỗ trợ... thì tổng thu nhập khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, nhiều địa phương đã phải nợ, chưa đủ tiền trả vì ngân sách 2008 đã cạn.

Trước những khó khăn nằm ngoài tầm giải quyết của ngành, ngày 13-1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã phải kêu gọi địa phương vận động nguồn thu xã hội hóa để các thầy, cô giáo, nhất là các thầy, cô giáo công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các thầy, cô giáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn có một cái Tết ít thiếu thốn hơn ngày thường.

Theo Bộ trưởng, khó khăn chung về kinh tế của cả nước làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có các thầy, cô giáo. Để đón Tết Nguyên đán 2009, nhiều doanh nghiệp trích từ quỹ khen thưởng, từ lợi nhuận của mình có thể thưởng hàng trăm ngàn đến hàng triệu đồng cho công nhân, nhân viên, người lao động.

Trong khi đó, hơn 1 triệu thầy, cô giáo trên cả nước đang từng ngày, từng giờ bám lớp, bám trường, thực hiện các hoạt động đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục trong từng nhà trường, địa phương thì có tới gần 1 triệu thầy, cô giáo mầm non và phổ thông không có thưởng Tết.

Vinh Hương