Không thích tuyển thì đánh trượt là cách tuyển sinh ĐH mà Bộ GD-ĐT không thể đứng ngoài cuộc

ANTD.VN - Chuyện tưởng như đùa khi mùa tuyển sinh năm nay có trường đại học mặc nhiên thừa nhận tự nâng điểm chuẩn “ảo” đến mức không thể “ảo” hơn để loại những thí sinh không may đăng ký vào ngành này. Trong khi thí sinh khác chỉ cần 15, 16 điểm là có thể đỗ vào bất cứ ngành nào trong các trường này thì để vào những ngành cá biệt của trường thí sinh cần có mức điểm lên đến trên 24 điểm. Và kết quả là chẳng có thí sinh nào trúng tuyển với mức điểm này.

Chiêu bài đã quá rõ, nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh vì có quá ít thí sinh đăng ký theo học. Đây là cách “giải lỗ” hữu hiệu cho các trường khi không thể vì vài thí sinh mà chịu thiệt thòi tự bù chi phí để duy trì cả khóa học. Đặc biệt là với các ngành sư phạm, khi đã bị Bộ GD-ĐT khống chế ngưỡng đảm bảo chất lượng, không thể hạ điểm chuẩn xuống dưới mức quy định thì việc các trường tăng điểm sẽ tránh cho họ bị quy vào sai phạm tuyển sinh.

Thực tế việc ngấm ngầm nâng điểm, thậm chí sửa điểm của thí sinh đã xảy ra với một số trường ĐH trên thế giới. Các trường này vì không muốn tuyển sinh một số đối tượng sinh viên không phù hợp như sinh viên nữ nên tìm cách hạ điểm bài thi, nâng điểm chuẩn… Sự việc sau khi bị phát hiện đã trở thành một vết đen đối với các trường ĐH này khi tự động thay đổi số phận của thí sinh dù vì bất cứ lý do gì.

Việc nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh của ĐH Hùng Vương TP Hồ Chí Minh hay ĐH Đồng Nai và một số trường khác không phải mới lạ gì khi mùa tuyển sinh năm ngoái cũng đã từng xảy ra. Cơ quan quản lý chuyên môn là Bộ GD-ĐT không thể không biết đến tình trạng này. Mặc dù theo quy định Nhà nước, khâu tuyển sinh đã được giao tự chủ hoàn toàn cho các trường CĐ, ĐH nhưng khi các hoạt động tuyển sinh của nhà trường gây bất lợi cho thí sinh thì Bộ GD-ĐT cũng không thể đứng ngoài cuộc. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu cách làm này của các trường ĐH có mặc nhiên được chấp nhận hay không khi đến nay vẫn chưa thấy phản hồi của các cơ quan quản lý.