Không thể thả lỏng những cơ sở, nhóm lớp tư thục

ANTD.VN - Bạo hành trẻ tại nhóm lớp độc lập Mẹ Mười, quận Thanh Khê, Đà Nẵng không chỉ thiếu tính sư phạm mà là vô nhân tính theo như đánh giá của người đứng đầu ngành giáo dục - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên họp Quốc hội ngày 22-5.  

Bức xúc với hành vi tàn nhẫn của người trông giữ trẻ bao nhiêu thì dư luận lại càng băn khoăn liệu còn bao nhiêu những đứa trẻ vẫn đang hàng ngày chịu sự đối xử tàn tệ như vậy mà chưa được phát hiện, ngăn chặn?

Điều đáng nói là sự việc diễn ra không chỉ một lần mà xảy ra liên tục tại các thành phố lớn như vụ việc tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (TP.HCM) hay trường mầm non tư thục Sen Vàng (Hà Nội). Các bảo mẫu đều “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” không thương tiếc với những đứa trẻ còn đang bập bẹ, chưa nói sõi chỉ vì không ăn ngoan, không ngủ hay không vệ sinh đúng lúc…

Với những đứa trẻ bị đánh đập, bạo hành thể chất như vậy, di chứng tâm lý để lại khó có thể lường hết nhưng cũng còn may mắn hơn những trường hợp có cháu bị tử vong vì sặc cháo hay ngã đập đầu vì những bảo mẫu thiếu chuyên môn, thiếu cả tâm. Hình ảnh các cô bảo mẫu, người mẹ hiền thứ hai của các con bây giờ lại trở thành nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh khi đem con gửi cho cô mà không biết liệu con mình có được đối xử tử tế hay không đằng sau cánh cổng lớp học.

Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong xã hội hóa, có đến 40% nhà trẻ là tư thục. Hà Nội, TP.HCM tỷ lệ khối tư thục mầm non cũng tăng nhanh với con số hàng nghìn nhóm lớp. Số liệu khảo sát mới đây của Hà Nội cho thấy, toàn thành phố có 2.467 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, trong đó có 2.397 cơ sở được cấp phép, đạt tỷ lệ 97%. Con số có thể lý tưởng nhưng với 3% không được cấp phép mà vẫn hoạt động kia liệu có bao nhiêu nguy cơ tiềm ẩn trẻ không được bảo vệ khỏi những tai nạn hay bạo hành? Chưa kể, còn bao nhiêu những nhóm trẻ gia đình hoạt động chui, không kiểm soát được.

Ngay cả với những cơ sở đã được cấp phép, nếu không được kiểm tra, rà soát liên tục thì với việc thay bảo mẫu như “cơm bữa” thì có gì để đảm bảo không phát sinh những cô trông trẻ hành nghề chỉ vì kiếm sống mà không có tình yêu trẻ vốn là nguyên nhân chính dẫn tới những hành vi bạo hành trẻ nghiêm trọng.

Vẫn biết việc không đủ trường lớp công lập chính quy là thực tế phải chấp nhận và rất cần khối tư thục san sẻ áp lực gửi trẻ nhưng ngành giáo dục và cấp quản lý địa phương không thể thả lỏng cho những cơ sở, nhóm lớp tư thục hoạt động với một đội ngũ giáo viên thiếu cả chuyên môn lẫn lương tâm và trách nhiệm.