Không thể "lồng ghép" lịch sử

ANTĐ - Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, có một hiện tượng đáng lo ngại khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là, một số trường huy động cả bộ máy cán bộ, nhân viên tổ chức môn thi Lịch sử, nhưng chỉ có chưa tới 10 thí sinh dự thi. Thậm chí, có trường chỉ duy nhất 1 thí sinh “yêu” lịch sử Việt Nam. Đây là kết cục tất yếu phản ánh thực trạng dạy môn học này vốn đã kéo dài nhiều năm nay.

Nhiều ý kiến đã cảnh báo xu thế học sinh ngày càng chán học Lịch sử không phải vì không yêu sử nước nhà mà chính là bởi cách giảng dạy, truyền đạt theo lối mòn. Liệu tình trạng này sẽ đi đến đâu khi môn học không thể thiếu với mọi học sinh sẽ được “trộn lẫn” theo phương pháp tích hợp với các môn học khác? Khi Bộ GD-ĐT đưa ra phương pháp sư phạm tích hợp nhằm đổi mới tư duy, cách truyền đạt kiến thức cho học sinh, không ít chuyên gia trong ngành cũng như thầy cô giáo bày tỏ băn khoăn, quan ngại.

Bởi bản thân đội ngũ giáo viên chưa hề được đào tạo để có thể dễ dàng tích hợp kiến thức, trình độ giảng dạy, nhất là các môn xã hội. Với các môn khoa học tự nhiên, có thể tích hợp ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, nếu tích hợp môn Lịch sử với các môn khoa học khác thì tình hình sẽ diễn biến ra sao? 

Cần nhìn thẳng vào thực tế giảng dạy môn học quan trọng này ở các trường học. Sự truyền đạt kiến thức lịch sử một cách khô cứng, quá nặng về “đọc - chép” các sự kiện, con số, rồi phân tích, đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng, thiếu những câu chuyện, nhân vật lịch sử sinh động, đáng ghi nhớ... đã khiến học sinh chán nản, thậm chí sợ học sử nước nhà. Điều này đã được “minh họa” trong không ít các bài thi tốt nghiệp THPT thời gian gần đây. Có những kiến thức hết sức sơ đẳng, những hiểu biết cơ bản về lịch sử dân tộc, nhưng sau bao năm “dùi mài kinh sử”, học sinh nhầm lẫn, sai sót đến mức ngô nghê, ngớ ngẩn.

Đằng sau thực trạng đáng buồn này, các nhà giáo dục, những người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” không thể không đặt câu hỏi: Nếu đưa môn Lịch sử “lồng ghép” với các môn học khác, thì vô hình trung càng làm cho thế hệ trẻ sao nhãng, coi nhẹ truyền thống lịch sử hào hùng của tổ tiên, cha ông trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, gìn giữ độc lập chủ quyền quốc gia. Không còn yêu thích môn sử có thể nói một cách nghiêm khắc là biểu hiện của sự “mất gốc”, mà lỗi không phải của con cháu chúng ta.

Áp dụng phương pháp tích hợp hay phương pháp sư phạm nào là chuyên môn, nghiệp vụ của ngành giáo dục. Song, dù là cách nào thì không thể “lồng ghép” môn Lịch sử với các môn khác, bởi ngay trước mắt cũng như lâu dài, vị trí của môn học này đang trở nên lép vế, mờ nhạt trong nhà trường, nhất là trong đầu óc học sinh, nếu ngay từ bây giờ không đặt nó vào vị trí xứng đáng.