Không thể để Việt Nam mãi mãi là "vẻ đẹp tiềm ẩn"

ANTD.VN -Thảo luận tại tổ về dự án Luật Du lịch (sửa đổi) sáng 8-11, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần tạo ra phong trào toàn dân làm du lịch, không thể để Việt Nam mãi mãi là “vẻ đẹp tiềm ẩn”. 

Xếp hạng sao tự nguyện dễ dẫn đến mất kiểm soát

 ĐB Phạm Quang Thanh (đoàn Hà Nội) cho rằng, Dự thảo đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới như các hành vi bị nghiêm cấm, quản lý Nhà nước về du lịch cũng đã được đưa vào chương riêng. Tuy vậy, việc lược bỏ một số quy định về điều kiện  thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (có ít nhất 3 hướng dẫn viên được cấp chứng chỉ, người đứng đầu doanh nghiệp có ít nhất 4 năm hoạt động lữ hành) sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp. Do vậy, cần giữ nguyên theo quy định cũ.

Liên quan đến việc xếp hạng sao cho cơ sở lưu trú, ĐB Thanh nhận xét, việc xếp hạng này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách du lịch. Do nó liên quan trực tiếp đến giá phòng nên cần có cơ quan chuyên môn đánh giá, nếu để các đơn vị tự xếp sao theo nguyên tắc tự nguyện sẽ dẫn tới tình trạng mất kiểm soát về chất lượng dịch vụ của các đơn vị lữ hành.

Bên cạnh đó, không thể bỏ qua công tác hậu kiểm. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Dương Minh Ánh phát biểu, việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện là chưa hợp lý, bởi hiện nay tình trạng quảng bá không đúng với chất lượng lữ hành diễn ra khá phổ biến. Nếu để tự xếp hạng sẽ dẫn đến hiện tượng “đánh lận con đen” tạo ra tình trạng lộn xộn, khó quản lý.

Còn theo ĐB – Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, hiện nay có tình trạng hướng dẫn viên do không có đủ kiến thức, không am hiểu kỹ về các di tích lịch sử, tôn giáo, văn hóa địa phương nên hướng dẫn sai cho du khách. Nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng du lịch cần bổ sung quy định về Thanh tra du lịch đồng thời quy định rõ trách nhiệm quản lý của  địa phương.

Về mặt trái của ngành du lịch nước nhà thời gian qua, ĐB Nguyễn Văn Chiến nhận định, kinh doanh lữ hành ở một số nơi đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tình trạng hướng dẫn viên hoạt động trái pháp luật, xuyên tạc cả văn hóa lịch sử Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng, hình ảnh du lịch của nước ta. Do vậy, theo ĐB Chiến, Luật Du lịch (sửa đổi) cần tập trung quy định về cấp phép kinh doanh du lịch, giấy chứng nhận cho hướng dẫn viên, cấp sao cho cơ sở lữ hành…

“Theo tôi hoạt động kinh doanh lữ hành là hoạt động đặc thù nên phải quy định chặt chẽ về điều kiện: Chủ doanh nghiệp phải có bằng cấp về du lịch, tránh tình trạng cung cấp dịch vụ không bảo đảm. Về quản lý lưu trú, hiện nay chưa có quy chuẩn thống nhất về xếp sao hạng, chỉ chú trọng cơ sở lưu trú từ 4 sao trở lên nên cần thiết phải có quy định về tiêu chí xếp hạng. Theo đó, phải có cơ quan có thẩm quyền ban hành tiêu chí xếp hạng, không thể để mỗi địa phương đặt ra một tiêu chí. Bên cạnh đó, công tác thanh tra kiểm tra định kỳ cũng phải được quan tâm đúng mức” – ĐB Chiến kiến nghị.

Cần thành lập Cảnh sát du lịch

Đồng tình với việc sửa đổi Luật Du lịch, ĐB Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc CATP Hà Nội nêu ý kiến, muốn thúc đẩy, phát triển du lịch phải có quỹ đầu tư vào lĩnh vực này. Việc quản lý sử dụng quỹ cần giao Chính phủ có quy định cụ thể. Ngược lại, thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài là không nên vì theo quy định hiện hành, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá du lịch. Nếu thành lập thêm văn phòng này là tăng đầu mối, tạo ra sự chồng chéo, trái với Nghị quyết của Đảng.

ĐB Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu thảo luận tại tổ

“Về trách nhiệm của tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch, theo tôi cần bổ sung trách nhiệm chủ động, kịp thời ngăn chặn tố giác hành vi vi phạm pháp luật, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc đảm bảo ANTT. Bên cạnh đó, việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch ở một số địa bàn du lịch trọng điểm là cần thiết” – Đại biểu Đào Thanh Hải đề xuất.

Còn theo ĐB Nguyễn Quang Tuấn, du lịch Việt Nam cảnh quan đẹp, chi phí rẻ,  song hiện nay chi phí đầu tư cho du lịch ít, không xứng tầm. Bên cạnh đó chưa có sự quan tâm đến sức khỏe khách du lịch. “Trong Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) không có quy định nào để cập đến vấn đề này. Trong khi đó, một số lượng lớn khách du lịch là người cao tuổi, họ quan tâm đến dịch vụ y tế khi đi du lịch". Cũng theo ĐB Tuấn, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy tàu, đắm tàu du lịch gây tổn thất không nhỏ về người và tài sản, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Do vậy, cần có  quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này.