Ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL:

"Không thể để kỷ cương, phép nước nhờn mãi thế được!"

ANTĐ - Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi cùng ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL xung quanh công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm 2016. 

"Không thể để kỷ cương, phép nước nhờn mãi thế được!" ảnh 1

- PV: Thưa ông, để xảy ra những hỗn loạn tại một số điểm lễ hội có phải do quản lý yếu kém?

- Ông Phan Đình Tân: Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là sự quá tải của khách hành hương, cùng những hành vi không được kiểm soát. Bên cạnh đó còn do Ban tổ chức địa phương chưa làm tròn trách nhiệm, chưa đưa ra được phương án quản lý tối ưu. Báo chí đưa, có cả công chức Nhà nước tham gia tranh lộc rồi giẫm đạp lên nhau. Tâm lý đi lễ hội bây giờ khác nhau lắm. Người mà đi lễ với một cái tâm thanh thản, trong sáng, họ sẽ lựa lúc nhẹ nhàng thanh thản. Người quá mù quáng, cứ nghĩ đi lễ phải đúng thời điểm nào đó, rồi phải lấy bằng được cái này, cái kia về thì thần thánh mới phù hộ. Điều đó chứng tỏ nhận thức lệch chuẩn văn hóa. Tín ngưỡng đã vượt sang mê tín thái quá. 


- Nhiều địa phương coi lễ hội như một thứ hàng hóa kinh doanh với nguồn thu khổng lồ. Quan điểm của ông thế nào về việc này?

- Đúng là việc một số địa phương tổ chức lễ hội là vì lợi ích kinh tế. Nhưng chúng ta cũng không nên né tránh mà cần  phải đặt câu hỏi, vật chất và ý nghĩa xã hội từ di tích tín ngưỡng như thế nhưng chúng ta có công khai minh bạch không? Lợi ích đó có mang lại hiệu quả cho khu di tích đó hay không? Nếu như nâng cấp, bảo vệ, bảo tồn, phát huy đóng góp kinh tế cho địa phương, cái đó chúng ta cũng khuyến khích. Song, phải đảm bảo ANTT xã hội, văn hóa trong khai thác tất cả các yếu tố kinh doanh dịch vụ chứ không phải chúng ta bất chấp chỉ vì nguồn thu. 

- Trước, trong và sau mùa hội, Bộ VH-TT&DL đã có nhiều văn bản chỉ đạo… nhưng vẫn chẳng thay đổi?  

- Chúng ta phải thành thật với nhau rằng, có tình trạng địa phương không nghe Bộ. Ví dụ như một số địa phương cứ cố tình tổ chức chọi trâu, mặc dù Bộ đã có văn bản yêu cầu dừng. Chắc chắn việc họ làm phải đặt ra câu hỏi có phải vì lợi ích vật chất mà tổ chức hay không. Còn người tổ chức hẳn là họ sẽ tìm ra cả trăm lý do là phục vụ nhu cầu của nhân dân, cộng đồng… Nếu vì cộng đồng thì thực hiện nghiêm đi. Tôi cũng tha thiết đề nghị, rà soát lại, lên danh sách các địa phương nào vi phạm để xử lý. 

- Thưa ông, trong thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ có những biện pháp gì để giữ ổn định trật tự lễ hội?

 - Chúng tôi đang giao cơ quan chức năng rà soát, đánh giá lại những địa phương nào thực hiện chưa nghiêm để báo cáo Chính phủ. Vi phạm đến đâu xử lý đến đó, cái cần nhất là chúng ta lập lại trật tự, kỷ cương, không thể nào để tình trạng nhờn luật mãi như thế này được. Tôi ví dụ thế này, nên chăng trong lễ hội như đền Trần chẳng hạn, đặt một hệ thống camera giám sát. Ai cướp lộc, cướp ấn đều bị ghi lại hình ảnh rõ ràng. Đặc biệt, công chức Nhà nước lại càng phải mẫu mực làm gương để nhân dân noi theo. Giao thông cũng thế, từ ngày lắp đặt camera theo dõi thì lái xe cũng sợ hơn, tuân thủ luật hơn rất nhiều.