Không thay đổi thời điểm kết thúc năm học 2008-2009

(ANTĐ) - Đây là năm học đầu tiên vì lý do thời tiết mà các trường trên địa bàn phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng phải trải qua một “kỳ nghỉ đông” không mong muốn - kéo dài tới 14 ngày. Liệu đây có trở thành một tiền lệ cho những năm tiếp theo, chuyển hướng theo các kỳ nghỉ như của một số quốc gia trên thế giới, có nghỉ đông, nghỉ hè, thậm chí là... nghỉ lũ dành cho một số địa phương có “hoàn cảnh đặc biệt”.

Không thay đổi thời điểm kết thúc năm học 2008-2009

(ANTĐ) - Đây là năm học đầu tiên vì lý do thời tiết mà các trường trên địa bàn phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng phải trải qua một “kỳ nghỉ đông” không mong muốn - kéo dài tới 14 ngày. Liệu đây có trở thành một tiền lệ cho những năm tiếp theo, chuyển hướng theo các kỳ nghỉ như của một số quốc gia trên thế giới, có nghỉ đông, nghỉ hè, thậm chí là... nghỉ lũ dành cho một số địa phương có “hoàn cảnh đặc biệt”.

Liệu có nghỉ hè muộn?

Ngược lại thời gian, sau đợt nghỉ Tết kéo dài, rất nhiều lãnh đạo ngành giáo dục đã có dự báo rằng năm học 2007-2008 này sẽ kết thúc muộn hơn các năm. Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết theo đúng biên chế năm học, học sinh tiểu học sẽ kết thúc chương trình vào trung tuần tháng năm. Nhưng do nghỉ rét nên có thể đẩy lùi biên chế năm học một tuần. Nếu đợt rét vẫn kéo dài sau tết, HS có thể sẽ kết thúc chương trình vào ngày 30-5, chậm hai tuần như quy định.

Và để đề phòng nguy cơ phải nghỉ hè muộn, lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo đã có rất nhiều công văn chỉ đạo các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học nhưng vẫn phải đảm bảo thời lượng thực học, thời điểm kết thúc năm học, thời gian nghỉ hè theo quy định. Sau đợt nghỉ rét, các Sở GD-ĐT phải hướng dẫn dạy học bù vào các ngày thứ bảy, chủ nhật.

Còn nhớ vào thời điểm đó, phát biểu về vấn đề học sinh nghỉ rét, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: Các địa phương không được cắt xén chương trình. Sau khi sử dụng hai tuần dự trữ trong kế hoạch năm học, các trường có thể tổ chức dạy bù vào các ngày nghỉ. Nếu vẫn thiếu thời gian, có thể sẽ kéo dài năm học đến tháng sáu.

Thời điểm nghỉ hè vẫn nằm trong biên chế năm học

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thành Kỳ - Chánh văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về thời điểm kết thúc năm học 2007-2008. Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy vì đây là vấn đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm vì đầu năm 2008 này, sau đợt Tết Nguyên đán, miền Bắc trải qua một đợt rét đậm rét hại kéo dài, thời gian các em học sinh phải nghỉ học nhiều hơn hàng năm, có thể coi như một kỳ nghỉ đông tương đương với nghỉ hè.

Chính vì lý do này mà nhiều phụ huynh cho rằng chương trình học của các em sẽ không đảm bảo về mặt thời gian. Tuy nhiên theo ông Kỳ, thời điểm kết thúc năm học không thay đổi là vì trong chương trình giáo dục đề ra cho mỗi năm học hàng năm đều có quỹ thời gian dự phòng, nhà trường có thể tận dụng quỹ thời gian dự phòng đó để giúp các em học sinh đảm bảo chương trình học của mình.

Ngay sau khi kết thúc đợt rét kéo dài, Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn số 522 gửi Trưởng phòng đào tạo các quận huyện và hiệu trưởng các trường phổ thông và mầm non trực thuộc về việc ổn định việc dạy và học vì hiện tượng có rất nhiều trường thông báo cho học sinh nghỉ.

 Chính từ việc làm nghiêm túc và khẩn trương này mà các trường nhanh chóng đi vào nề nếp, hoàn thành chương trình học của mình và không để ảnh hưởng đến tiến độ kết thúc năm học. Trong khung chương trình cho phép, khối tiểu học vẫn kết thúc năm học vào ngày 25-5, còn khối trung học gồm cả trung học cơ sở và trung học phổ thông vào ngày 31-5.

Thực ra thời điểm nghỉ hè vào những ngày cuối tháng 5 này đã được Bộ GD-ĐT đưa ra ý kiến từ tháng 6-2007 với rất nhiều đề án rút ngắn kỳ nghỉ hè và tăng thời gian cho kỳ nghỉ đông, phòng chống những đợt rét đậm mà vẫn đảm bảo chương trình. Từ chủ trương giảm nghỉ hè tăng nghỉ tết, Bộ GD-ĐT dự kiến có bốn phương án để các địa phương tùy theo tình hình thực tế của mình lựa chọn áp dụng.

Thứ nhất, bắt đầu học từ ngày 1-8 và kết thúc năm học vào ngày 31-5. Thứ hai, bắt đầu học từ ngày 15-8 và kết thúc ngày 31-5. Thứ ba, bắt đầu năm học đúng ngày 5-9, kết thúc ngày 30-6. Và phương án thứ tư là vẫn giữ lịch học như hiện nay: bắt đầu ngày 5-9, kết thúc ngày 31-5, dùng tuần nghỉ dự trữ để tăng thời gian nghỉ tết của HS. Phương án bắt đầu năm học vào ngày 1-8 và kết thúc vào ngày 31-5 được nhiều địa phương tán thành nhất.

Và vì lý do đề án này đưa ra hơi muộn nên không thực hiện trong năm học này nhưng cũng không chậm hơn năm học 2008-2009. Hà Nội và  TP Hồ Chí Minh vẫn muốn tiếp tục thực hiện biên chế năm học như hiện nay. Nhưng nếu tình hình thời tiết vẫn có những thay đổi bất thường như thế này thì có lẽ áp dụng theo đề án thay đổi thời gian của Bộ là hoàn toàn hợp lý.

Châu Anh