Không sử dụng ngân sách trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

ANTD.VN - Sáng 26-10, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị không quy định trong dự thảo luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD; không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế trong Luật này để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của pháp luật về thuế.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, không quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại TCTD; không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất những nội dung về các chính sách thuế, khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và tập trung soạn thảo để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế có liên quan tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV để đảm bảo cơ chế pháp lý đồng bộ để xử lý các TCTD yếu kém”, ông Vũ Hồng Thanh cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Trước ý kiến đề nghị xác định, điều chỉnh tiêu chí xếp hạng ngân hàng yếu kém để phù hợp hơn với tình hình kinh tế của từng năm hoặc từng chu kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc đánh giá, xếp loại các ngân hàng thương mại cổ phần và xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân đang được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu quy định cụ thể trong Luật sẽ không bảo đảm tính linh hoạt do tiêu chí xếp hạng TCTD cần thay đổi theo tình hình thực tế và thông lệ quốc tế.

Về ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về phương án phá sản các TCTD trên cơ sở đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ khi triển khai phương án này trong thực tiễn, báo cáo giải trình nêu: “Việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt”.

Một số ý kiến đề nghị xác định, điều chỉnh tiêu chí xếp hạng ngân hàng yếu kém để phù hợp hơn với tình hình kinh tế của từng năm hoặc từng chu kỳ.

Về vấn đề này, báo cáo cho biết: Việc đánh giá, xếp loại các ngân hàng thương mại cổ phần và xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân đang được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

"Nếu quy định cụ thể trong Luật sẽ không bảo đảm tính linh hoạt do tiêu chí xếp hạng TCTD cần thay đổi theo tình hình thực tế và thông lệ quốc tế", báo cáo nhấn mạnh.

Trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường, đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo luật thảo luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 21-11 tới.

Cũng trong sáng nay 27-10, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Không sử dụng ngân sách trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng ảnh 2

Đại biểu bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ

Trong phiên làm việc hôm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội xem xét phê chuẩn bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Minh Khái làm Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 thay ông Phan Văn Sáu; Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể làm Bộ trưởng GTVT nhiệm kỳ 2016-2021 thay ông Trương Quang Nghĩa.

Đầu giờ chiều nay, sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.