Không quy định giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh

ANTD.VN -Đó là một trong những nội dung chính trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật tố cáo (sửa đổi) được trình bày trước Quốc hội sáng 29-5.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật tố cáo (sửa đổi) nêu rõ, về hình thức tố cáo (Điều 20), đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay.

Quang cảnh phiên họp

Về tố cáo nặc danh (đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ người tố cáo, hầu hết thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo Luật là không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh. Bởi, tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật. Nếu quy định tiếp nhận và giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý thông tin giải quyết tố cáo, gây tốn kém chi phí của nhà nước, dễ xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan, sai sự thật...

Ủy ban Pháp luật  cũng đánh giá cao việc bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, hiện các quy định này vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này; chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo.

Về quy định rút tố cáo (Điều 21), đa số ý kiến tán thành việc bổ sung quy định “rút tố cáo”, bởi vì tố cáo là quyền của công dân, do đó, người tố cáo nhận thấy việc tố cáo không có căn cứ hoặc họ không muốn tiếp tục thực hiện quyền tố cáo thì việc chấp thuận cho họ rút đơn là cần thiết.

Tuy nhiên, cần bổ sung quy định tuy người tố cáo đã rút đơn, nhưng trong quá trình xem xét, giải quyết nếu thấy việc tố cáo là có căn cứ thì cơ quan, người có thẩm quyền vẫn có trách nhiệm kiểm tra, xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc rút tố cáo chỉ chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người tố cáo nếu là tố cáo đúng nhưng không chấm dứt trách nhiệm bảo vệ pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo; ngược lại, nếu người tố cáo cố tình tố cáo sai sự thật thì tuy có rút đơn vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật vì hành vi tố cáo sai sự thật.

Có ý kiến khác cho rằng việc xem xét, xác minh nội dung tố cáo đúng hay sai không thuộc trách nhiệm của người tố cáo cho dù người tố cáo rút đơn tố cáo thì cũng không chấm dứt trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Vì vậy, không cần thiết phải quy định việc “rút tố cáo”. Hơn nữa, quy định này dễ bị lạm dụng, trên thực tế đã có những trường hợp người tố cáo phải rút đơn do bị đe dọa, dụ dỗ hoặc mua chuộc.