Không nên mở rộng đầu mối cơ quan điều tra

ANTĐ - Một trong những nội dung gây tranh cãi tại dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là đề xuất giao một số thẩm quyền điều tra cho 3 cơ quan gồm  Kiểm ngư, Thuế và Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Đa phần ĐBQH cho rằng phương án mở rộng đầu mối cơ quan có thẩm quyền điều tra như vậy là không phù hợp, thiếu thực tiễn.


Không nên mở rộng đầu mối cơ quan điều tra ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trao đổi với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng một số đại biểu bên hành lang Quốc hội ngày 19-6

Nguy cơ bỏ lọt tội phạm

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm không đồng tình vì cơ quan Kiểm ngư, cơ quan Thuế và Ủy ban chứng khoán Nhà nước chủ yếu thực hiện chức năng nhiệm vụ hành chính, không có nghiệp vụ điều tra chuyên môn. “Nếu bổ sung thêm những cơ quan này sẽ làm tăng đầu mối cơ quan điều tra, không đúng tinh thần thu gọn đầu mối điều tra, trong khi cơ quan công an hiện đang đảm nhiệm tốt nhiệm vụ này” - ĐB Trần Ngọc Vinh lo ngại.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phân tích thêm, việc mở rộng thẩm quyền điều tra cho 3 cơ quan như trên là tăng cho họ quyền tư pháp, nguy cơ bỏ lọt hành vi phạm tội sẽ nhiều hơn. Đây cũng là ý kiến được đa số ĐBQH phát biểu thảo luận sáng 19-6 tán thành. Ngược lại, việc bổ sung thêm thẩm quyền điều tra cho 2 đơn vị của ngành công an là Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Cục Chống buôn lậu được hầu hết ĐBQH ủng hộ. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, điều này xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và việc trao thẩm quyền điều tra cho lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao không làm tăng đầu mối của cơ quan điều tra trong ngành công an. 

Một điểm nhấn khác trong dự luật là quy định về việc bổ sung một số thẩm quyền điều tra cho công an xã cũng được nhiều ĐBQH tán thành, song vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói: “Việc giao thẩm quyền điều tra cho công an xã, phường cần phải cân nhắc vì có thể vượt quá năng lực. Tôi đề nghị xây dựng lực lượng công an xã thành công an chính quy cho dù có phải tăng kinh phí”.  

Đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam

Thảo luận về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam chiều 19-6, đa số ĐBQH đánh giá cao cơ quan soạn thảo luật đã đưa ra nhiều quy định mới, cải cách mạnh mẽ và đảm bảo tốt hơn quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, thể hiện tinh thần nhân đạo. Góp ý vào một số nội dung cụ thể, các ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ), ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận)… đề nghị, về chế độ ăn ở của người bị tạm giữ, tạm giam, không nên liệt kê quá cụ thể, chi tiết  mà chỉ nên quy định chung, giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện cho phù hợp với từng thời kỳ, từng hoàn cảnh. 

Về việc quản lý phạm nhân thi hành án tử hình, ĐB Phạm Xuân Thường cho rằng Quốc hội nên nghiên cứu tạo điều kiện cho Bộ Công an, bởi dồn tất cả bị án tử hình vào một trại có rủi ro rất lớn và rất tốn kém. “Chúng tôi đi giám sát ở Sơn La thấy rằng, việc đưa người thi hành án tử hình từ Lào Cai sang Sơn La thi hành án hết từ 200 đến 300 triệu đồng. Đưa từ Thái Bình vào Nghệ An cũng tốn tương tự mà không an toàn. Quan điểm của tôi là giữ như hiện nay, giữ phạm nhân thi hành án tử hình ở trại tạm giam Công an cấp tỉnh” - ĐB Phạm Xuân Thường nói.