Không nên hỗ trợ cử nhân quay lại học nghề

ANTĐ - Việc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về đào tạo nghề là chưa hợp lý khiến năng suất lao động thấp. Phóng viên Báo ANTĐ đã phỏng vấn ĐB Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam về vấn đề này.

Không nên hỗ trợ cử nhân quay lại học nghề ảnh 1
- Theo bà, việc đào tạo nghề nên giao cho bộ nào quản lý để khắc phục tình trạng chồng chéo hiện nay?

- Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên giao cho Bộ GD&ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Cá nhân tôi thấy giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý đào tạo nghề là hợp lý. Những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã giải quyết, xắp xếp, bố trí công việc cho người lao động hiệu quả với trên 80% lao động có việc làm. Hơn nữa, Bộ LĐ-TB&XH khi quản lý đào tạo nghề sẽ có sự kết nối các cơ sở sản xuất, với người sử dụng lao động cũng như nắm bắt nhu cầu thị trường tốt hơn. Nếu chỉ đào tạo không thì rất lãng phí mà không hiệu quả.

- Bà đánh giá thế nào về tình trạng một số địa phương mở nhiều trung tâm đào tạo nghề nhưng không thu hút được người học?

- Đây là vấn đề cần giải quyết triệt để. Chúng ta mở các cơ sở đào tạo nhưng nghề được dạy lại không phù hợp với công nghệ mới. Do đó cần quản lý chặt hơn. Các cơ sở đào tạo nghề phải đáp ứng được nhu cầu về công nghệ mới, về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên. Trên cơ sở đó người học nghề mới có cơ hội tìm kiếm việc làm. 

- Tại các cuộc thi tay nghề Asean, Việt Nam luôn đạt thành tích rất cao. Năm 2014, đoàn Việt Nam đoạt giải Nhất, Singapore đứng thứ ba. Tuy nhiên, theo số liệu của một tổ chức nước ngoài, năng suất lao động Việt Nam kém Singapore 15 lần, đây có phải con số chính xác?

- Trình độ lao động Việt Nam không hề kém, công nhân có tay nghề cao, có thể đáp ứng được mọi nhu cầu về công việc nhưng do thiết bị, công nghệ chúng ta còn lạc hậu, do đó chưa thể đưa năng suất lên cao. Muốn năng suất cao thì người thợ phải có trình độ đồng thời phải có máy móc, thiết bị hiện đại. Chúng ta nhập toàn thiết bị cũ, làm sao đảm bảo năng suất cũng như sức cạnh tranh.

- Hiện nay đang có tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, có nên hỗ trợ trường hợp cử nhân muốn quay lại học nghề?

- Quan điểm của tôi là không khuyến khích những trường hợp này. Chúng ta đào tạo cử nhân đến 4-5 năm mà phải quay lại học nghề thì rất lãng phí. Nhà nước nên mở rộng phạm vi đầu tư để tạo việc làm phù hợp với nghề, hay ngành học đã được đào tạo.

- Xin cảm ơn bà!